Hôm qua (16-11), các lãnh đạo G20 đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh với cam kết hợp sức hành động nhanh để cứu vãn nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 70 năm qua, tạo điều kiện để các nền kinh tế mới nổi có thêm tiếng nói trong việc giải quyết các vấn đề tài chính.
![]() |
Các lãnh đạo G20 cam kết cùng nhìn về một hướng để giải quyết khủng hoảng - Ảnh: AP |
Các thành viên hội nghị thượng đỉnh trong tuyên bố chung đã nêu những nguyên tắc cải tổ thị trường tài chính thế giới và các chế độ điều tiết để ngăn cản những cuộc khủng hoảng tương lai, thỏa thuận sẽ tiến hành cuộc gặp tiếp theo vào ngày 30-4-2009.
Một bước tiến tới “Bretton Woods” mới
Tổng thống Mỹ George W. Bush đánh giá hội nghị này đã thành công, và cho biết các nhà lãnh đạo đồng ý các chính sách thị trường tự do ủng hộ tăng trưởng. AP dẫn lời ông Bush nói các bộ trưởng tài chính giờ đây sẽ bắt tay vào thực hiện những đề xuất cải tổ chi tiết, sau đó báo cáo lại với các nhà lãnh đạo.
Các thành viên G20 cũng ủng hộ sự cần thiết cải tổ những định chế thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận Bretton Woods năm 1944, trong đó có cả IMF và WB. Việc cải tổ là cần thiết để có thể phản ánh tốt hơn về thay đổi cán cân các thành viên tham gia nền kinh tế thế giới, cũng như có thể phản ứng tốt hơn trước những thách thức tương lai. Văn kiện khẳng định những nền kinh tế mới nổi phải có nhiều tiếng nói hơn và được đại diện nhiều hơn trong những định chế này.
Phát biểu tại cuộc họp, tổng thống nước chủ nhà G. Bush khẳng định tuy IMF và WB là những định chế rất quan trọng, nhưng đã được hình thành trên trật tự kinh tế năm 1944 và để phản ánh tốt hơn thực tiễn kinh tế hiện nay, “cần hiện đại hóa các cơ cấu điều hành IMF và WB”. Tổng thống Nga D. Medvedev cũng tuyên bố G20 đang tiến tới một hệ thống tài chính mới: “Tôi không thể hứa một thỏa ước Bretton Woods mới sẽ xuất hiện hôm nay ở Washington, nhưng rõ ràng chúng ta đang tiến một bước tới thành lập hệ thống này”.
Bắt đầu chuyển giao quyền lực
Trong một động thái được dự báo là tạo ra sự chuyển dịch giữa các cường quốc kinh tế, G20 đã nhất trí cho các nền kinh tế thị trường mới nổi gia nhập Diễn đàn ổn định tài chính (FSF), vốn là nơi đánh giá rủi ro thị trường và ngân hàng. FSF cũng được trao vai trò lớn hơn trong việc thiết lập các chính sách và tiêu chuẩn tài chính toàn cầu mà các nhà hoạch định chính sách của từng quốc gia sẽ tuân theo.
Theo Reuters, phương Tây đang ngày càng lệ thuộc vào tiền của họ để giải cứu ngân hàng và đất nước. Thủ tướng Anh Gordon Brown đã vận động hành lang “đại gia xuất khẩu” Trung Quốc và “đại gia dầu mỏ” Saudi Arabia giúp đỡ. Tuy nhiên, Bộ trưởng tài chính Saudi Arabia Ibrahim Al Assaf tuyên bố với Reuters rằng vương quốc dầu mỏ không có ý định chi thêm tiền cho IMF. “Có rất nhiều lời đồn đại chúng tôi tới đây để trả tiền cho các hóa đơn. Hoàn toàn không có chuyện đó” - ông nói.
THANH TRÚC
▪ Indonesia: động đất mạnh, 1 người chết (17/11/2008)
▪ Những phát ngôn thú vị của Thủ tướng Nga V. Putin (17/11/2008)
▪ Tổng thống đắc cử Barack Obama từ chức Thượng nghị sĩ bang Illinois (17/11/2008)
▪ Los Angeles chìm trong biển lửa (17/11/2008)
▪ LHQ kêu gọi các nước ASEAN tăng cường phòng, chống HIV/AIDS (16/11/2008)
▪ Tàu Ấn Độ hạ cánh xuống mặt trăng (15/11/2008)
▪ Xuất hiện nhiều lời đe dọa Obama (15/11/2008)
▪ Bị vợ bỏ vì “làm tình” trong thế giới ảo Second Life (15/11/2008)
▪ Duma Nga đồng ý kéo dài nhiệm kỳ tổng thống (15/11/2008)
▪ Bin Laden đã thôi điều hành al-Qaeda ? (14/11/2008)