Đại sứ Trần Trọng Toàn - Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC: Du lịch là ưu tiên trong năm APEC 2006
Ngày 23.5, đợt hội nghị lớn thứ hai của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bước sang ngày thảo luận thứ hai với 7 cuộc họp của Nhóm chuyên gia về đầu tư, Nhóm không chính thức các chuyên gia về đi lại của doanh nhân, Đối thoại công - tư về thuận lợi hoá thương mại, Hội nghị mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC, Nhóm Phát triển nguồn nhân lực, Đối thoại về kim loại màu, Đối thoại về hoá chất... Đại sứ Trần Trọng Toàn - Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC cho biết, tại các hội nghị lần này, Việt Nam nêu sáng kiến quan trọng là đưa du lịch trở thành ưu tiên cho năm APEC 2006. Đây cũng là dịp thuận lợi để Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ của các nền kinh tế thành viên cho quá trình gia nhập WTO của Việt Nam.
- Trong APEC hiện chỉ còn 2/21 nền kinh tế thành viên chưa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam tận dụng cơ hội này như thế nào để thúc đẩy sự ủng hộ của các thành viên APEC cho quá trình gia nhập WTO của mình, thưa Đại sứ?
- Từ trước tới nay APEC luôn ủng hộ mạnh Việt Nam và Nga, hai nền kinh tế thành viên APEC chưa là thành viên của WTO. Việt Nam đã chứng tỏ cho các thành viên khác thấy chúng ta có những chuẩn bị tích cực, cụ thể về luật pháp, chính sách, cơ chế để thực hiện tốt cam kết sau khi gia nhập WTO.
Suốt thời gian qua, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương với tất cả các đối tác có yêu cầu. Với Hoa Kỳ, hai bên đã đạt được thoả thuận về cơ bản. Tôi tin chắc rằng tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại lần này, hai bên sẽ ký kết hiệp định hoàn tất đàm phán song phương để mở đường cho VN gia nhập WTO vào cuối năm nay.
- Đại sứ cho biết đóng góp mới nhất của Việt Nam tại các hội nghị APEC lần này?
- Việt Nam đang thúc đẩy sáng kiến đưa du lịch trở thành ưu tiên trong hoạt động của APEC năm 2006 bởi vì du lịch cũng là vấn đề văn hoá. Trong buôn bán, thương mại, đầu tư, việc thiếu hiểu biết lẫn nhau về văn hoá giữa các nền kinh tế thành viên APEC sẽ là rào cản lớn. Cùng với việc thúc đẩy các hoạt động trao đổi giao lưu văn hoá thì chúng ta thúc đẩy du lịch, coi đó là một phần quan trọng của văn hoá. Giao lưu con người sẽ tạo ra sự hiểu biết tốt hơn giữa các nền kinh tế APEC, qua đó thúc đẩy đầu tư thương mại. Du lịch sẽ là một trong những dấu ấn của Việt Nam trong năm 2006.
- Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được những gì tại đợt hội nghị này?
- Chúng ta muốn các nền kinh tế thành viên đóng góp ý kiến cụ thể để xây dựng Chương trình hành động Hà Nội nhằm cụ thể hoá thực hiện lộ trình Busan (xây dựng khu vực thương mại và đầu tư tự do vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển và 2020 đối với các thành viên đang phát triển). Nhưng lộ trình này không phải đến 2010 mới được thực hiện mà có "chương trình thu hoạch sớm", nghĩa là có thể thực hiện ngay trong năm 2006 này hoặc đề ra hoạt động để thực hiện trong 2-3 năm tới. Khi các nền kinh tế thành viên đã đạt được mục tiêu trên thì sẽ tạo điều kiện tốt để thúc đẩy vòng đàm phán Doha.
- Chương trình "thẻ đi lại cho doanh nhân APEC" - một trong những hợp tác cụ thể nhất nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại trong APEC hiện được thực hiện thế nào và có những cải tiến gì trong thời gian tới?
- Đây là chương trình lớn của APEC để làm sao tạo điều kiện cho doanh nhân đi lại dễ dàng giữa các nền kinh tế thành viên. Hiện đã có 17 nền kinh tế tham gia trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã cấp thẻ cho một số doanh nhân. Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, đều đã thiết lập lối đi riêng dành cho doanh nhân APEC có thẻ. Đây là một chương trình tốt và đã phát huy hiệu quả tích cực trong thời gian qua. Trong đợt hội nghị này, nhóm chuyên gia về đi lại của doanh nhân (IEGBM) đã đưa vấn đề giấy tờ tùy thân nhận dạng bằng máy và công nghệ sinh trắc học, hộ chiếu điện tử, ra thảo luận tại cuộc họp nhóm. APEC hy vọng, việc áp dụng những công nghệ này sẽ giúp rút ngắn thời gian cũng như chi phí đi lại cho các doanh nhân trong khu vực. Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều thành viên tham gia chương trình này.
- Xin cảm ơn Đại sứ.
Trí Minh thực hiện |