Khi các nhà văn viết về HIV/AIDS
Các Website khác - 14/08/2008

Nhà văn Salman Rushdie và một
nhân vật trong câu chuyện của mình
(Ảnh: Quỹ Bill và Melinda Gates).

NDĐT - 16 nhà văn nổi tiếng của Ấn Độ, trong đó có những nhà văn từng đoạt giải Booker như Salman Rushdie và Kiran Desai, vừa cho ra mắt cuốn sách gồm 16 câu chuyện về số phận những người có HIV/AIDS ở đất nước của họ.


Cuốn sách, có tên “AIDS Sutra: Untold Stories from India" (tạm dịch: “AIDS: Những câu chuyện chưa biết từ Ấn Độ”), bắt đầu ra mắt ở Ấn Độ từ hôm qua, do NXB Random House phối hợp với Chương trình phòng chống AIDS ở Ấn Độ do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ (Avahan) - ấn hành.

Mỗi cuốn sách bán được sẽ góp 2 USD để giúp trẻ em có HIV/AIDS ở những thành phố có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Để viết sách, các nhà văn đã đi khắp Ấn Độ, gặp các bà nội trợ, người đồng tính, người nghiện ma túy, bác sĩ, cảnh sát, hành nghề mại dâm, hay đi cùng tài xế xe tải trên suốt hành trình…

Riêng nhà văn Rushdie đã có một ngày gặp gỡ những người chuyển giới ở Mumbai. Trong cuốn sách, ông viết, những người chuyển giới (thường là chuyển thành giới tính nữ) ở Mumbai và những nơi khác ở Ấn Độ là cộng đồng có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất. Nhiều người trong số họ vẫn phải sống trong sự giễu cợt, thóa mạ, kỳ thị, sợ hãi và nguy hiểm. Họ cũng thường lâm vào cảnh nghèo đói và bệnh tật. “Người Ấn Độ luôn hiểu rõ khái niệm lưỡng tính, trong người phụ nữ có người đàn ông và trong người đàn ông có người phụ nữ. Nhưng những người thuộc giới tính thứ ba ở Ấn Độ vẫn cần được thông hiểu hơn và giúp đỡ nhiều hơn”.

Trong sách có câu chuyện về “devadasi”, những cô gái được cha mẹ dâng cho nữ thần sinh sản Yellama. Đến tuổi trưởng thành, các cô phải sống cuộc đời của nô lệ tình dục - đàn ông được quyền ngủ với các cô nếu trả tiền. Mặc dù đã bị cấm ở Ấn Độ hơn 50 năm nay nhưng tục lệ dâng con gái cho thần Yellama vẫn được lén lút duy trì. Kết cục, nhiều người trong số các “devadisi” trở thành nạn nhân của HIV/AIDS. Trong sách cũng có câu chuyện về một người đàn ông đã có gia đình phải đi điều trị HIV/AIDS ở một thành phố khác để tránh không bị phát hiện… Tất cả những câu chuyện đó làm thành một bức tranh lớn về số phận những người có HIV/AIDS ở Ấn Độ, điều mà nhiều khi các con số thống kê không nói lên được.

Trong lời nói đầu cuốn sách, Amartya Sen, nhà kinh tế người Ấn Độ đoạt giải Nobel năm 1998, viết, “Hiểu được AIDS trước hết là cuộc khủng hoảng đối với cuộc sống con người là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta cần tránh sai lầm do hiểu biết nửa vời cũng như do thờ ơ”.

Trong cuốn sách, nhà văn, nhà thơ Vikram Seth cho rằng, tình hình HIV/AIDS ở Ấn Độ trở nên trầm trọng chính bởi sự bàng quan và ngại ngùng của người Ấn Độ đối với vấn các vấn đề liên quan đến tình dục. “Chúng ta không thích nói về nó - thậm chí là truyền đạt hay thu nhận những thông tin quan trọng, có thể cứu mạng cho chúng ta,” ông viết.

Ấn Độ là một trong những nước có số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất thế giới (3 triệu người) và họ vẫn bị kỳ thị nặng nề.

THÁI THANH
Theo các báo Ấn Độ và BBC