Ngừng bắn tại Georgia
Các Website khác - 14/08/2008
                                                    
Nỗi đau của cuộc chiến - Ảnh: Reuters
Cuối cùng Nga và Georgia đã ký vào thỏa ước ngừng bắn, mở ra một bước ngoặt mới trong cuộc chiến tranh làm chấn động thế giới trong những ngày qua.

Ngừng bắn

Nỗ lực hòa giải của châu Âu đã làm im tiếng súng tại khu vực Caucasus. Hãng tin RIA Novosti hôm qua dẫn thông báo của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nhân vật chủ chốt trong tiến trình hòa giải, rằng Georgia đã ký vào kế hoạch hòa bình do Pháp đề xuất. Kế hoạch này, ban đầu gồm 3 điểm, đã bị Nga bác bỏ tại Hội đồng Bảo an LHQ. Kế hoạch mà ông Sarkozy mang tới Moscow và Tbilisi gồm 6 điểm, đã được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký hôm 13.8 trước khi được chuyển sang cho Georgia. Theo BBC, kế hoạch mới gồm các điểm chính sau: Không bên nào tiếp tục dùng vũ lực; chấm dứt các hành động quân sự vĩnh viễn; mở cửa cho cứu trợ nhân đạo; quân Georgia rút về các vị trí trước đây của mình; quân Nga rút về các vị trí mà họ đóng trước khi xảy ra xung đột.

RIA Novostia dẫn lời ông Sarkozy cho hay kế hoạch ngừng bắn đã được sửa chữa lại theo đề nghị của Georgia. "Theo đề nghị của Georgia, chúng tôi đã sửa một số điều và đã hai lần thảo luận qua điện thoại với Tổng thống Nga Medvedev. Chúng tôi đã bỏ phần nói về quy chế của Nam Ossetia", ông Sarkozy thông báo.

Các cuộc đụng độ tại Nam Ossetia và Abkhazia xảy ra lẻ tẻ kể từ ngày 1.8. Đến ngày 7.8, xung đột bùng lên thành chiến tranh, khi Georgia tấn công các khu vực của lính gìn giữ hòa bình ở Nam Ossetia và Nga đưa quân qua biên giới để "trừng phạt". Đến khi lệnh ngừng bắn được thực thi vào hôm qua, Nga đã đẩy lùi quân Georgia ra khỏi Nam Ossetia. Quân Georgia cũng bị đánh bật khỏi thung lũng Kodori, khu vực duy nhất tại Abkhazia trước đó vẫn do Georgia kiểm soát. Theo thống kê chưa đầy đủ thì cuộc chiến này đã khiến khoảng 100.000 người ly tán, khoảng 2.000 dân thường thiệt mạng. Quân đội Nga có 21 binh sĩ chết, 15 người mất tích, 150 người bị thương (trong đó có một vị tướng) và 3 người bị bắt. Ít nhất 4 máy bay Nga bị bắn cháy. Georgia có khoảng 200 lính thiệt mạng, 12 xe tăng và 1 xe thiết giáp chở lính bị phá hủy. Nhiều thành phố bị tàn phá nặng nề, trong đó có thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia và Gori của Georgia. (Theo BBC, RIA Novosti, Interfax, AFP)

Sau thỏa thuận ngừng bắn, các hãng tin quốc tế cho hay tiếng súng đã lắng xuống trong khu vực xung đột và các vùng tiếp giáp vào hôm qua. Ở thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia, thi thoảng có tiếng các loại súng nhỏ, nhưng không có vụ va chạm lớn nào. Hãng tin AP dẫn thông cáo của Bộ Nội vụ Georgia cho biết "tình hình tương đối yên tĩnh". Tuy nhiên, cùng ngày, giới chức nước này lại nói rằng ít nhất 50 xe tăng của Nga đã tiến vào thị trấn Gori, vi phạm thỏa ước ngừng bắn. Gori là thị trấn nằm bên trong lãnh thổ Georgia, nên việc Nga tiến vào đây (nếu có) là bước đi đáng lo ngại. Hiện chưa có nguồn tin độc lập nào xác nhận thông tin của Georgia.

Vẫn còn mầm bất ổn

Thỏa thuận ngừng bắn, dù có điều khoản "chấm dứt vĩnh viễn các hành động quân sự", chưa thể triệt tiêu nguy cơ bạo lực tại khu vực Caucasus. Nguy cơ bất ổn vẫn tồn tại như một trái bom hẹn giờ.

Cuộc xung đột vừa qua xuất phát từ nhiều mâu thuẫn, trong đó cơ bản là mâu thuẫn giữa chính quyền trung ương Georgia với các khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Bên cạnh đó là bất đồng giữa Nga, nước ủng hộ Nam Ossetia và Abkhazia, với Georgia. Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cùng với sự tan rã của Liên Xô, Nam Ossetia và Abkhazia đã đẩy mạnh chiến dịch ly khai khỏi Georgia. Sau một giai đoạn chiến tranh, hai vùng đất này đã tồn tại như những quốc gia độc lập trên thực tế, dù không được quốc tế công nhận. Khi lên nắm quyền tại Georgia, Tổng thống Mikheil Saakashvili đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc đưa Nam Ossetia và Abkhazia trở về với chính quyền trung ương. Điều này khiến mâu thuẫn giữa chính quyền Tbilisi với các vùng đất ly khai càng trở nên nghiêm trọng. Sự kiện Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập (tách khỏi Serbia) dường như đã kích thích thêm ý muốn ly khai của Nam Ossetia và Abkhazia. Và chiến tranh đã nổ ra trên cơ sở đó.

Sau khi Nga đưa quân vào Nam Ossetia (và Abkhazia) để "trừng phạt" Georgia, trong một phát biểu được hãng tin ITAR-TASS dẫn lại, Thủ tướng Vladimir Putin nói rằng Nam Ossetia đã không thể tái hòa nhập vào Georgia được nữa. Giờ đây, sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ, phía Nga cũng đặt vấn đề "quy chế của các vùng đất ly khai" làm yếu tố chính của đàm phán hòa bình. Điều này cho thấy Abkhazia và Nam Ossetia là vấn đề trung tâm của mâu thuẫn. Chừng nào số phận hai vùng đất này chưa được rõ ràng, chừng đó mầm chiến tranh vẫn còn.

Đỗ Hùng