Mexico: “Kinh đô bắt cóc” của thế giới
Các Website khác - 14/08/2008
Cũng như nhiều gia đình giàu có khác ở Mexico, nhà Marti thuê hẳn tài xế và cận vệ riêng cho cậu con trai 14 tuổi. Ở cái thủ đô Mexico City này, bắt cóc là chuyện xảy ra như cơm bữa nên luôn phải đề phòng tối đa. Nhưng nhiêu đó chẳng đủ để bảo vệ cho tính mạng ngàn vàng của cậu quý tử Fernando Marti.

Cái chết 6 triệu “đô”

Vào một ngày đầu tháng 6, khi chiếc xe hơi bóng loáng chở Fernando đang chạy bon bon trên đường phố thì bị cảnh sát thổi. Chiếc xe vừa dừng lại, cảnh sát đã nhảy lên và bằng vài phát đạn, cả người tài xế lẫn cảnh vệ đã bị hạ gọn. Đó là bọn bắt cóc giả danh cảnh sát. Fernando bị chở đi.


Cảnh sát thu thập chứng cứ tại hiện trường một vụ bắt cóc ở Mexico City (Ảnh: AFP)

Bọn bắt cóc luôn “nghiên cứu thị trường” rất kỹ trước khi hành sự. Gia đình Marti mà chúng nhắm tới đồng sở hữu một hệ thống bán lẻ đồ thể thao ăn nên làm ra nhất đất nước Mexico cùng một chuỗi trung tâm thể dục hiện đại. Không như nhiều doanh nhân thành đạt khác đã chọn cách bỏ chạy khỏi nơi được gọi là kinh đô bắt cóc này để ra nước ngoài tìm kiếm sự bình an cho bản thân, gia đình Marti đã ở lại. Và họ đã phải trả giá bằng sinh mạng của con trai mình.

Cũng như nhiều nạn nhân khác, khi bọn bắt cóc liên lạc, gia đình Marti không hề hé răng báo tin cho cảnh sát hay báo giới. Họ đã âm thầm thuê một “chuyên gia đàm phán với bọn bắt cóc” (ở cái thành phố mà các vụ bắt cóc xảy ra như cơm bữa này, đàm phán với bọn bắt cóc đã trở thành một cái nghề hẳn hoi!) và nghe đâu đã trả đến 6 triệu USD tiền chuộc. Trả tiền xong, cả nhà vẫn phải khắc khoải chờ đợi. Đến đầu tháng 8, tức 2 tháng sau khi vụ bắt cóc xảy ra, cái tin Fernando bị giết chết đã được xác nhận.

Mọi người tại một khu cư dân ở Mexico City đã báo cảnh sát khi ngửi thấy mùi hôi nồng nặc phát ra từ một chiếc xe hơi màu bạc đậu ngoài đường. Cảnh sát phát hiện xác chết đã bắt đầu hư rữa của Fernando bên trong xe. Các chuyên gia pháp y cho biết cậu đã bị bắn chết từ cách đó một tháng!

Cảnh sát cũng bắt cóc

Cái chết của Fernando chẳng phải là giọt nước làm tràn ly vì tội phạm nói chung, trong đó nổi cộm nhất là ma túy và bắt cóc tống tiền đã làm chao đảo cuộc sống của người dân Mexico suốt bao nhiêu chục năm nay. Thống kê của văn phòng An ninh công cộng quốc gia Mexico cho thấy kể từ 1994 đến tháng 3 năm nay, ít nhất 8.419 người đã bị bắt cóc. Một thống kê khác cho rằng trong năm nay, 435 người đã trở thành nạn nhân của “ngành công nghiệp bắt cóc”, tăng 35% so với năm 2006. Tồi tệ hơn, trong vòng 2 năm, ít nhất 59 nạn nhân đã bị những kẻ bắt cóc giết chết. Hầu hết nạn nhân nằm trong độ tuổi từ 16 đến 30, thuộc những gia đình giàu có. Số tiền mà bọn bắt cóc thường đòi gia đình nạn nhân trả để chuộc người thân ở mức rất khủng khiếp: trung bình 1,4 triệu USD, theo BBC!

Hoảng loạn trước bọn tội phạm, tha thiết muốn chung tay với cảnh sát triệt tiêu chúng, thất vọng với chính quyền, phẫn nộ vì sự bất lực và cả sự dính líu của cảnh sát vào các đường dây bắt cóc…, người dân Mexico đã trải qua đủ các cung bậc tình cảm và họ chẳng còn tin vào cảnh sát nữa. Cách hành xử như kể trên của gia đình Marti là một bằng chứng cụ thể. Nhưng cái chết thương tâm của Fernando không thể nào không gây rúng động xã hội, nhất là với biến cố hàng loạt sĩ quan cảnh sát, trong đó có cả một tư lệnh đã bị bắt giữ vì dính líu tới vụ này. Các lời chia  buồn và những lời lẽ bày tỏ sự phẫn nộ với chính quyền tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đám tang Fernando, gia đình em đã phải thuê hẳn một chiếc xe container để chở cho hết hoa đến nghĩa trang.

BBC dẫn lời Jose Ortega, chủ tịch tổ chức mang tên Ya Basta (có nghĩa Đã quá đủ rồi) phẫn nộ phát biểu: “Chúng ta lại phải nhìn thấy cảnh sát nhúng tay vào bắt cóc và các tội ác khác, phải nghe những lời dối trá và những lý lẽ đáng ghét từ quan chức các bộ ngành và các công tố viên, cũng như thái độ giả vờ sửng sốt cùng những lời hứa rỗng tuếch của các thống đốc và chính trị gia”.

Giảm ma túy, phình bắt cóc
 
Khi bước vào dinh tổng thống Mexico cách đây 2 năm, ông Felipe Calderon đã cam kết trấn áp tội phạm và tái lập trật tự xã hội là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của ông. Và hàng loạt chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy đã được thực hiện liên tục, làm suy giảm đáng kể hoạt động của các băng nhóm ma túy khét tiếng lâu nay. Nhưng bị kìm chân trong lĩnh vực ma túy, bọn tội phạm lại “đa dạng hóa loại hình hoạt động” bằng cách nhảy sang bắt cóc tống tiền để “bù lỗ”. Thế là đủ loại hình bắt cóc phình to ra, trong đó có cả cái gọi là…bắt cóc nhanh. Lúc này, bọn tội phạm sẽ không kén cá chọn canh, cũng không lên kế hoạch kỹ lưỡng nữa, chỉ cần nhắm nhé “con mồi” nào đó có vẻ láng bóng một chút trên đường phố là chộp nhanh, tống vào xe hơi, “kiểm tra giấy tờ” của họ rồi chở nhanh đến một máy rút tiền ATM nào đó, uy hiếp họ rút hết tiền trong tài khoản cho chúng.


Một tội phạm bất cóc bị giam trong nhà tù (Ảnh: AFP)

Dưới áp lực của dư luận, đầu tuần này, chính phủ đã thông báo một chương trình chống bắt cóc với sự tham gia của 300 cảnh sát liên bang làm việc trong các trung tâm chống bắt cóc, hoạt động suốt 24 giờ/ngày. Những ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ những kẻ bắt cóc có thể được thưởng đến 500.000 peso (49.400USD).

Tuy nhiên, nhiêu đó không thể vực lại lòng tin của người dân. Sau cái chết thương tâm của cậu thiếu niên 14 tuổi Fernando Marti, người ta đã đăng quảng cáo cả trang trên một tờ báo với nội dung: “Cần phải thay đổi ngay lập tức. Sự bất lực đang bao trùm cả xã hội. Hãy đoàn kết để yêu cầu chính quyền phải chống tội phạm và hành động vì sự an toàn của mọi người”. Nhân vật móc tiền túi ra trả cho trang quảng cáo kể trên chính là Alfredo Helu, cựu chủ tịch ngân hàng lớn nhất Mexico là Banamex. Bản thân Helu từng bị bắt cóc suốt 6 tháng trời.

Đoan Nhật