Khơi tạo một dòng chảy hợp tác, đầu tư
Các Website khác - 16/12/2005
Hành trình xuyên Việt lần II của doanh nhân Việt kiều:
Khơi tạo một dòng chảy hợp tác, đầu tư

Ngoài việc giúp các doanh nhân Việt kiều (DNVK) tận mắt thấy những sự đổi mới của quê hương, chuyến đi tạo sự thông cảm, hiểu biết giữa các DNVK với cơ quan chức năng, người dân địa phương, tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư, kinh doanh tại 26 tỉnh, thành.

Việt kiều tham dự chuyến
xuyên Việt lần 2, sáng 15.12.
Mới là những cái chồi

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Tổng Giám đốc Cty Việt Hải Đăng, Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp Việt kiều (OVBC), đơn vị tổ chức chuyến đi - đã nhìn nhận thành quả của chuyến xuyên Việt (XV) lần I (6-21.1.2005, qua 16 tỉnh, thành) như vậy.

"Kết quả chuyến I nhẹ nhàng: Tuần rồi, UBND tỉnh Cần Thơ đã cấp giấy phép xây dựng khu vui chơi - văn hoá quận Bình Thuỷ; tại Hà Tĩnh, DNVK mới ký được hợp đồng nguyên tắc về khu quy hoạch Nam Hà Tĩnh; ở Vũng Tàu: Ký hợp đồng về nguyên tắc tổ chức thành lập một làng công nghệ thông tin (I.T.V) - ông Mỹ cho biết.

Những chuyến đi đầu tiên là mở đường, tìm hướng đầu tư. Chuyến XV lần II có thêm nhiều tỉnh, thành phía bắc. Từ mỗi chuyến đi, DNVK có thể tích thêm một ít kinh nghiệm về đầu tư, tìm hiểu chính sách ưu đãi đầu tư kinh doanh ở các địa phương. Tôi cho rằng, có một số lĩnh vực Việt kiều không nên đầu tư thêm nữa như quán xá, nhà hàng; mà nên chú trọng hướng đầu tư vào việc lớn hơn như chuyển giao công nghệ...".

Từ kinh nghiệm chuyến thứ nhất diễn ra dịp này năm ngoái, phóng viên Nguyệt Quế - Báo điện tử VNN, tháp tùng đoàn để đưa tin cho mục "Người viễn xứ" - nhận xét: "Sự tiếp đón của các địa phương nồng hậu, nhưng phần chuẩn bị giới thiệu tiềm năng của một số địa phương, cơ hội đầu tư chưa được kỹ. Một yếu tố có thể góp phần quan trọng là sự tham gia vào chuyến đi của các hội đồng hương chủ yếu ở TPHCM và Hà Nội với vai trò hướng đạo, giúp các DNVK, quan chức địa phương tìm đúng người đúng việc".

Tìm cơ hội đầu tư
7 giờ 30 sáng 15.12, tour thứ nhất chuyến XV lần II đã khởi hành với sự tham dự của 25 Việt kiều từ 6 nước: Canada, Australia, Đức, Mỹ, Pháp, Đan Mạch hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn, xúc tiến thương mại, đầu tư tài chính... Nhiều người trong số họ là Việt kiều thế hệ thứ hai và thứ ba.

Anh Lê Hồ - 26 tuổi, Việt kiều Đức, Giám đốc Cty LEHO Business - cho biết: "Tôi rời Huế từ 1985. Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, hiện sống và làm việc ở Munich. Cuối 2004, tôi về quê lần đầu. Tiếp đó, trong 2005, tôi về tới 7 lần. Tại Đức, tôi thường tới các hội chợ, tôi nhận thấy nhiều DN VN còn thiếu kinh nghiệm tham gia hội chợ, bàn thảo làm ăn với bạn hàng Đức. Thông qua hoạt động công ty mình và chuyến đi này, tôi hy vọng thời gian tới có thể thiết kế được một hướng làm ăn mới, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung".

Anh Joseph Nguyễn - Giám đốc Trung tâm thương mại Việt - Mỹ (AVTC) - TP Seattle, DN từ giữa năm 2000 khi chưa có Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ đã mời được Tập đoàn Columbia Sportwear - tập đoàn may mặc lớn thứ hai ở Hoa Kỳ - ký hợp đồng với Cty may Nhà Bè - cũng cho biết, tham gia chuyến đi với mong muốn có thông tin cụ thể lĩnh vực thuỷ hải sản, tại những tỉnh vùng ĐBSCL.

Lâm Tuyền