Khủng hoảng tài chính Mỹ: Chuyện không của riêng ai
Các Website khác - 27/09/2008

Dân Mỹ không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng của ngành tài chính, khi tiền thuế của họ có khả năng được quốc hội sử dụng vào một kế hoạch mạo hiểm.

>> Vụ khủng hoảng tài chính - ngân hàng Mỹ

ndthk
Khoảng 800 nhà đầu tư Hong Kong từ 22.9 đã tụ họp phản đối việc các ngân hàng địa phương “dụ dỗ” họ mua trái phiếu do Lehman đảm bảo. (Ảnh: Reuters)
Và khi FBI mở cuộc điều tra các định chế tài chính Mỹ, Singapore và Hong Kong cũng đã không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng này, khi hàng trăm nhà đầu tư ở hai nền kinh tế này trở thành nạn nhân trực tiếp của khủng hoảng tài chính Mỹ.

Ngay sau khi bộ trưởng Tài chính Henry Paulson vào cuối tuần trước đề xuất khoản ứng cứu 700 tỉ USD cho hệ thống ngân hàng, văn phòng đại diện Quốc hội Mỹ ở các bang nhận hàng nghìn cuộc gọi và email chỉ để hỏi: “Tại sao chính phủ lại chi tiền cứu những doanh nghiệp đang tự đào lỗ chôn mình”, hay chỉ để bày tỏ: “Mong quốc hội không thông qua đề xuất này”.

Lo "năm ăn, năm thua"

Sau buổi điều trần về kế hoạch cứu hệ thống ngân hàng của chính quyền Bush diễn ra vào hôm 24.9 kéo dài suốt 5 giờ, mặc cho bộ trưởng Tài chính Henry Paulson cảnh báo nếu chậm ứng cứu thì toàn bộ nền tài chính Mỹ có thể gặp nguy hiểm, các nghị sĩ Mỹ vẫn đang đắn đo việc dùng một khoản tiền thuế khổng lồ của dân lên đến 700 tỉ USD để triển khai một kế hoạch “năm ăn, năm thua”. Trước đó, cục Dự trữ liên bang (FED) từng tung tiền cứu các ngân hàng Bear Stearns, Fannie Mae và Freddie Mac nhưng hiệu quả lại rất hạn chế.

Nếu được thông qua, đây sẽ là kế hoạch ứng cứu ngành tài chính lớn nhất của Chính phủ Mỹ kể từ sau cuộc đại suy thoái hồi những năm 1930. Và nếu theo kiểu dân Mỹ thường tính toán trước những vấn đề của chính phủ có liên quan đến họ (vì liên quan đến tiền thuế mà họ đóng cho chính phủ), kế hoạch này sẽ khiến mỗi người Mỹ – không phân biệt già, trẻ, lớn, bé – tiêu tốn 2.300 USD.

Lúc này, một mặt chờ quốc hội thông qua khoản ứng cứu 700 tỉ USD hệ thống tài chính tại Mỹ, một mặt FED triển khai bơm 30 tỉ USD vào các thị trường tín dụng nước ngoài từ 24.9 nhằm giúp các công ty tài chính Mỹ, các chi nhánh của các tập đoàn Mỹ ở nước ngoài có thể tiếp cận nguồn USD. Khoản tiền này được chuyển vào các ngân hàng trung ương của Úc, Đan Mạch, Thuỵ Điển và Na Uy.

Không thể làm ngơ

Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) thì đang ráo riết điều tra các hoạt động có dấu hiệu phạm pháp của 26 định chế tài chính, trong đó có Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers và AIG. FBI cho rằng căn nguyên của cuộc khủng hoảng nặng nề hiện nay là do hàng loạt hành vi không trung thực của các tổ chức tài chính như các giám đốc điều hành che giấu thông tin tài chính của công ty, người môi giới và định giá chứng khoán lừa bịp nhà đầu tư; các công ty tài chính gây sức ép lên các cơ quan đánh giá xếp hạng cổ phiếu để giá cổ phiếu vượt quá giá trị thực; các công ty đưa ra khoản vay mạo hiểm cho người có thu nhập thấp và không ổn định.

Lập tức, các định chế tài chính bán chứng khoán phái sinh ở Singapore hôm 24.9 cũng đã lập ngay các nhóm độc lập để điều tra hành vi buôn bán sai trái sản phẩm này theo yêu cầu của cơ quan tiền tệ Singapore (MAS).

MAS hành động ngay khi nhận được đơn kiến nghị có chữ ký của 600 nhà đầu tư, tố cáo các nhà tư vấn tài chính đã giới thiệu trái phiếu High Notes 5 của ngân hàng DBS (Singapore), Minibonds (tiểu trái phiếu) của Lehman Brothers và Merrill Lynch (Mỹ) là sản phẩm ít rủi ro. Các nhóm điều tra độc lập ở Singapore sẽ xem xét khiếu nại từ các nhà đầu tư đã mua trái phiếu High Notes 5 và Minibonds.

Ở Hong Kong, khoảng 800 nhà đầu tư tối 22.9 đã tụ họp phản đối việc các ngân hàng địa phương “dụ dỗ” họ mua Minibonds do Lehman đảm bảo với những khoản thưởng ti vi LCD, camera, phiếu mua sắm ở siêu thị.

Ủy ban chứng khoán và hợp đồng tương lai của Hong Kong (SFC) không thể làm ngơ khi mà tổng trị giá các trái phiếu liên quan đến Lehman mà các nhà đầu tư ở Hong Kong đã mua lên đến 1,6 tỉ USD, chiếm 1/3 thị trường trái phiếu gắn với rủi ro tín dụng. FSC từ 24.9 cũng đã quyết định mở cuộc điều tra liệu các nhà đầu tư Hong Kong có bị lừa khi mua các sản phẩm tài chính do Lehman đảm bảo.

Theo Kim Dung - Thu Nguyệt - Hùng Lương
saigontiepthi