Malaysia lao đao vì khói
Các Website khác - 12/08/2005
Malaysia lao đao vì khói

Thủ đô Kuala Lumpur
chìm trong khói bụi.
Điều đáng nói, đây là khói bụi "nhập khẩu" từ các đám cháy rừng tại nước láng giềng Indonesia gây ra. Malaysia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất từ năm 1997 đến nay, khi chỉ số ô nhiễm tại thành phố cảng Klang đã là 529, và tại thị trấn Kuala Selangor là 531 vào ngày 11.8, cao hơn mức báo động đỏ vốn ở mức 500.


Ôtô phải bật đèn pha giữa ban ngày
Sau một tuần chìm trong khói bụi, không khí tại nhiều thành phố của Malaysia ngày càng trở nên đặc quánh và khó thở. Ngày 11.8, chính quyền Malaysia đã phải công bố tình trạng khẩn cấp, bao gồm: Đóng cửa các trường học, yêu cầu người dân ở trong nhà hoặc đeo khẩu trang khi ra đường, đồng thời tính chuyện làm mưa nhân tạo để giảm khói bụi trong không khí. Theo bảng chỉ số ô nhiễm không khí, mức dưới 50 là tốt; từ 51 đến 100 là bình thường; đến 200 là không tốt; từ 200 đến 300 là xấu; còn hơn 300 là nguy hại.

Malaysia đã đề nghị được giúp Indonesia đối phó với cháy rừng, và tiến hành cuộc gặp bất thường với các quan chức nước láng giềng tại Sumatra (Indonesia) ngày 11.8 để tìm giải pháp. Phải nói ngay rằng, việc các thành phố của Malaysia phải sống chung với khói bụi ô nhiễm do cháy rừng từ Indonesia là chuyện thường niên, do mùa khô là thời điểm nông dân nghèo Indonesia khai hoang và đốt rừng để lấy đất trồng vụ mùa. Nhưng tình hình năm nay đặc biệt nghiêm trọng, khi chỉ số ô nhiễm tại hai khu vực trên của Malaysia đã vượt mức báo động đỏ.

Đây là lần đầu tiên trong suốt 8 năm qua, Chính phủ Malaysia công bố chỉ số ô nhiễm môi trường - vốn bị cấm trước đó để bảo vệ ngành du lịch ăn nên làm ra của nước này. Khói bụi bao trùm thủ đô Kuala Lumpur, vốn đang ở chỉ số ô nhiễm là 321, khiến phần chóp của tháp đôi Petronas nổi tiếng hầu như biến mất.

Ở eo biển Malacca, tầm nhìn bị giảm xuống còn chưa đầy 1km, khiến hai cảng lớn tại đây phải ngừng hoạt động hôm 10.8. Lệnh cảnh báo đi lại đã được công bố tại hải phận này - vốn được xem là một trong những khu vực đông tàu thuyền qua lại nhất thế giới. Theo báo chí địa phương, tại những khu vực bị khói bụi tác động mạnh nhất, tầm nhìn giảm xuống còn chưa tới 100m, buộc các lái xe phải bật đèn pha ôtô vào ban ngày.

Kinh tế lao đao
Diễn biến ô nhiễm không khí tại Malaysia có khả năng còn tồi tệ hơn, khi hôm 10.8, Indonesia đã cảnh báo các vụ cháy rừng có thể trở nên xấu hơn trong hai tuần kế tiếp. Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy hơn 220 đám cháy đã xảy ra tại phía tây Kalimantan (Indonesia) ngày 10.8, khiến khói và bụi - được gió tây nam tiếp sức - tiếp tục tràn qua eo biển Malacca và tấn công khu vực ven biển Malaysia. Cơ quan khí tượng Malaysia dự đoán tình trạng khói bụi này sẽ còn tiếp tục tồn tại cho đến khi xuất hiện những cơn mưa theo mùa vào tháng 10.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Chua Soi Lek cho biết khói đã gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân, với số ca nhập viện vì bệnh hen tăng lên 150%, tỉ lệ bệnh nhân mắc chứng viêm đường hô hấp và bệnh về mắt đã đạt mức kỷ lục. Bộ Y tế Malaysia đã khuyến cáo người dân nên uống nước nhiều hơn và đeo khẩu trang khi ra đường.

Không chỉ làm phương hại đến sức khoẻ người dân, ngành kinh tế Malaysia cũng đang có dấu hiệu lao đao vì cháy rừng tại Indonesia. Khói bụi ô nhiễm đã tác động tới thị trường chứng khoán Malaysia, làm giảm giá cổ phiếu tại các ngành công nghiệp du lịch, hàng không... Năm 1997, khói bụi do cháy rừng ở Indonesia đã gây ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực Đông Nam Á và gây ra thiệt hại về kinh tế là 9,3 tỉ USD. A.P tổng hợp