Mất việc lan tràn, cử nhân đi làm osin
Các Website khác - 20/02/2009
 

Có bằng cử nhân Anh văn và rất yêu việc văn phòng tại một công ty xuất khẩu, nhưng Xiong Xuhua mất việc và đang theo học khóa đào tạo giúp việc nhà, điều mà cô ngượng không dám kể với chồng.


Ảnh minh họa của Telegraph.

Khoác trên người chiếc tạp dề hoa sặc sỡ theo phong cách Hawaii, Xiong dành cả ngày ở trường đào tạo giúp việc nhà ở thành phố Quảng Châu, để học cách làm những việc như lau cửa kính sao cho thật sạch.

"Tôi chưa dám kể với bất kỳ ai trong gia đình, thậm chí cả chồng, rằng tôi chuẩn bị làm công việc này", người phụ nữ mảnh dẻ 24 tuổi thì thầm trong khi mắt dán xuống sàn nhà.

Suy thoái kinh tế khiến cho hàng nghìn người có bằng đại học ở Trung Quốc, từ ngành công nghệ thông tin đến đủ các lĩnh vực khác, bị đẩy ra đường. Nhiều nữ nhân viên văn phòng buộc phải kiếm việc quản gia hay giúp việc gia đình để kiếm sống qua ngày, điều mà họ không tưởng tượng trước đó.

Đây là sự thay đổi kinh khủng đối với tầng lớp có học trong một xã hội mà những người có bằng cử nhân được gọi là "những đứa con đáng tự hào của thiên đường". Các bậc phụ huynh thường dọa con cái họ rằng chúng sẽ chỉ có cơ thành ôsin hay làm nghề quét rác nếu không chịu học hành đến nơi đến chốn. Rất nhiều cô gái Trung Quốc chỉ bắt đầu động đến việc nhà khi vào tuổi trưởng thành bởi suốt thời thơ ấu họ được chăm bẵm bởi vú em.

Chỉ riêng trong năm nay, thị trường lao động Trung Quốc nhận thêm 6,1 triệu cử nhân. Họ sẽ phải đấu đá với 1,8 triệu người tốt nghiệp từ năm ngoái nhưng chưa tìm được việc. Hội chợ việc làm tại Bắc Kinh ngay sau Tết nguyên đán vừa rồi đã chứng kiến cảnh quá tải khi 23 nghìn người kéo đến tìm cơ hội trong khi chỉ có 4 nghìn việc làm.

Trung Quốc không có con số thống kê bao nhiêu nữ nhân viên văn phòng giờ chuyển sang làm giúp việc gia đình, nhưng các ví dụ cụ thể cho thấy xu hướng ngày một tăng lên.

Cong Shan, giám đốc một công ty dịch vụ giúp việc gia đình ở Quảng Châu, cho biết cho đến tận năm ngoái, chưa từng có ai nộp đơn vào công ty này mà có bằng cử nhân. Nhưng kể từ hồi tháng 8 năm ngoái, tới 90% trong số gần 600 phụ nữ xin vào đây đã tốt nghiệp đại học.

Trong khi các nữ nhân viên văn phòng có thể chuyển sang làm giúp việc gia đình, các nam nhân viên cổ cồn chấp nhận thất nghiệp hoặc làm những việc bèo bọt hơn như bán hàng hoặc bồi bàn.

Trong căn bếp sáng choang và hiện đại tại trung tâm đào tạo giúp việc, Xiong cố lau sạch chiếc cửa kính tới ba lần mà không mấy thành công. Cô ngẩng mặt lên khi nói về công việc trước kia, khi cô được trả 440 USD mỗi tháng ngoài nhà ở và ăn. Công việc của cô là liên lạc với khách hàng trên toàn thế giới qua email và chat bằng tiếng Anh.

Suy thoái ập đến, công ty bị ảnh hưởng, Xiong mất việc hồi đầu năm, chỉ vài tuần sau đám cưới. Không thể tìm được việc khác, cô nộp đơn qua mạng xin làm giúp việc gia đình. "Tôi vẫn muốn được làm nhân viên văn phòng, việc duy nhất tôi thấy thích thú", cô tâm sự.

Li Li, 25 tuổi, có bằng cử nhân quản trị kinh doanh ở thành phố Trùng Khánh, giờ nhận việc chăm sóc hai đứa con của một cặp vợ chồng người Đức ở Quảng Châu. "Giờ đây kiếm việc khó khăn lắm, chỉ tại cuộc khủng hoảng kinh tế chết tiệt này", cô nói.

Công việc hiện tại mang về cho Li 390 USD mỗi tháng, cao hơn nhiều mức lương trung bình từ 180 đến 220 USD mà các cử nhân mới tốt nghiệp ở Trung Quốc kiếm được trong năm 2007-2008. Nhưng khoản thù lao hậu hĩnh không đủ làm Li sung sướng với vị trí vú em.

"Tôi biết kiếm việc giờ khó lắm nhưng mà làm vú em thì đúng là cực quá. Tôi thấy tiếc công học hành", Sherry Zhu, người có bằng nha sĩ, cho biết.

Theo VnExpress