Đảng cầm quyền LDP chiến thắng trong bầu cử tại Nhật Bản: Món quà của cử tri Nhật cho ông Koizumi Ngày 12.9, chiến thắng ngoạn mục của đảng cầm quyền Những người Dân chủ Tự do (LDP) đã đập tan mọi dự báo về "cái chết chính trị" của Thủ tướng Nhật Bản J.Koizumi. Với cách tranh cử táo bạo, ông Koizumi đã thắng lớn trong canh bạc chính trị vốn được cho là nhiều điềm rủi hơn may mắn.
Thủ tướng Nhật Bản J.Koizumi đã thực hiện được cú bứt phá ngoạn mục nhất trên chặng đường chính trị của ông, khi kết quả chính thức công bố sáng 12.9 cho thấy, LDP giành tổng số 296 ghế, hay 61,7% số phiếu ủng hộ. Đây là con số kỷ lục mà LDP giành được trong suốt 15 năm qua, cao hơn nhiều con số 212 ghế mà LDP dự tính có được. Đảng New Komeito bị giảm nhẹ từ 34 ghế xuống 31, nhưng cũng đủ mang lại cho liên minh cầm quyền 327 ghế cần thiết để gây áp đảo tại Quốc hội Nhật. Một kỷ lục khác trong cuộc bầu cử là số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 67,51%, vượt xa tỉ lệ 59,86% trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11.2003. Chiến thắng trên quả là bất ngờ lớn, vì mới một tháng trước, dư luận Nhật Bản còn chỉ trích nặng nề Thủ tướng Junichiro Koizumi là "kẻ cố chấp, bảo thủ và đang đưa LDP vào đường cùng". Nhiều đồng minh của ông Koizumi, trong đó có cựu Thủ tướng Mori, đã gọi ông là "con thiêu thân đang lao vào lửa" chỉ vì kế hoạch tư hữu hoá bưu điện. Kết quả trên không chỉ mang lại cho ông Koizumi vòng nguyệt quế, mà cả danh hiệu "nhạc trưởng đại tài" trên chính trường Nhật. Các nhà phân tích cho rằng, với uy tín tăng mạnh sau bầu cử, ông Koizumi sẽ dễ dàng vượt qua những trở ngại chính trị để bắt tay vào chương trình cải cách kinh tế mạnh mẽ. Với kế hoạch tư nhân hoá ngành bưu điện Nhật Bản, ông Koizumi hy vọng có thể chuyển các nguồn tiết kiệm khổng lồ khỏi những dự án công cộng vốn thường là lãng phí, trong đó có việc đầu tư xây những cây cầu "chẳng bắc tới đâu" và những sân bay vắng tanh vắng ngắt. "Nhà hát Koizumi" Ông Koizumi đã tạo nên một hình ảnh khác biệt so với các chính trị gia khác tại Nhật Bản. Ông thường mặc áo sơ mi hở cổ, chứ không ưa đóng hộp trong các bộ complet. Ông đã phá bỏ vỏ bọc cứng nhắc thường thấy ở một thủ tướng Nhật Bản, sang hình ảnh một nhà lãnh đạo năng động, với cách ăn mặc sặc sỡ. Thay vì đọc các bài diễn văn dài tẻ ngắt, ông Koizumi sẵn sàng lái xe đâm vào tường để dạy trẻ em về an toàn giao thông. Ông cũng thường một mình đến cửa tiệm mì ưa thích, hoặc cao hứng trình diễn một nhạc phẩm của Elvis Presley theo phong cách đậm... karaoke. Trong suốt cuộc tranh cử, báo giới Nhật thường mệnh danh bộ sậu tranh cử của LDP là "nhà hát Koizumi", vì các thành viên cũng sặc sỡ không kém. Cách thức tranh cử táo bạo của ông đã nhận được sự ủng hộ của dân chúng Nhật, mang lại cho liên minh cầm quyền chiến thắng vang dội, với số ghế đủ để đè bẹp bất cứ ý kiến chống đối nào tại thượng viện. Tuy nhiên, báo giới Nhật cũng cảnh báo ông Koizumi không nên quá say sưa với chiến thắng. Bởi, nền kinh tế Nhật Bản có thể vẫn giữ vị trí thứ hai thế giới, nhưng đã có xu hướng trì trệ trong thập kỷ vừa qua. Trong lúc đó, kinh tế Trung Quốc không ngừng lớn mạnh. Ông Koizumi cũng cho hay vẫn giữ ý định từ chức vào tháng 9.2006, và chưa rõ ai sẽ là người sẽ tiếp rước ngọn đuốc cải tổ mà ông đang tiến hành. A.P |
▪ Ôxtrâylia giảm viện trợ dành cho Trung Quốc (12/09/2005)
▪ Mỹ chuẩn bị đối phó với bão Ophelia (12/09/2005)
▪ Timoshenko chuẩn bị "cách mạng màu cam" lần hai (12/09/2005)
▪ Lễ tưởng niệm 4 năm vụ khủng bố 11.9: Bị phủ bóng bởi thiên tai (12/09/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (12/09/2005)
▪ Hết thời (12/09/2005)
▪ Philippines muốn bán trang sức của cựu đệ nhất phu nhân (13/09/2005)
▪ Uy tín của Tổng thống Bush giảm sút sau cơn bão Katrina (10/09/2005)
▪ Con trai của cố phụ trách an ninh Palestine được trả tự do (10/09/2005)
▪ Bộ trưởng Quốc phòng Serbia và Montenegro từ chức (10/09/2005)