Myanmar: nguy cơ "thảm họa thứ hai"
Các Website khác - 12/05/2008

 

Những nạn nhân của bão Nargis nhận phần ăn ít ỏi của mình tại một trung tâm tị nạn ở Myaung Mya - Ảnh: Reuters

Ngày 11-5, những người sống sót tại đồng bằng Irrawaddy bắt đầu túa ra tìm kiếm thức ăn, nước uống và thực phẩm. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với những nguy cơ mới đáng sợ không kém gì cơn bão Nargis.

Hãng tin Reuters cho biết có khoảng 10.000 người đã đổ về thị trấn Myaung Mya và mỗi ngày lại có thêm nhiều người. Phần lớn dồn cả vào 15 trường học và các ngôi chùa trong thị trấn. Tuy nhiên, hàng cứu trợ vẫn chưa xuất hiện, phần lớn người dân còn phải nhịn đói.

Ăn trái cây thối cầm hơi

Hãng tin Reuters dẫn lời một số bác sĩ địa phương cho biết tại thị trấn Labutta, nơi 80% nhà cửa bị phá hủy, một phần ba số bệnh nhân bị các vết cắt ở lưng do các mảnh vỡ gây ra. Các vết thương đã bắt đầu nhiễm trùng. Đồng thời rất nhiều người bị tiêu chảy và mất nước nặng, tuy nhiên các bệnh viện địa phương không có đủ dịch truyền.

Thủ tướng Thái Lan bị từ chối

Báo The Nation vừa đưa tin chuyến đi dự kiến của Thủ tướng Thái Lan Samak Sudaravej đã bị hủy bỏ. Trước đó, ông Samak tuyên bố sẽ bay đến Myanmar vào ngày 11-5 để kêu gọi chính quyền Myanmar mở cửa cho các tổ chức cứu trợ vào giúp đỡ. Tuy nhiên, chính quyền Myanmar tuyên bố "quá bận rộn với việc đi thăm các nạn nhân bão", do đó "không có thời gian nói chuyện với ông Samak".

Reuters dẫn nguồn Tổ chức UNICEF cho biết khoảng 20% trẻ em tại những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất đã bị tiêu chảy, trong khi bệnh sốt rét bắt đầu xuất hiện. UNICEF đã phân phối 15.000 bộ dụng cụ vệ sinh và sẽ cấp thêm 20.000 bộ, đồng thời xây dựng nhà vệ sinh di động tại các khu vực có đông người sống sót.

Mới đây, ba máy bay chở hàng cứu trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã hạ cánh xuống Yangon. Hơn 22 tấn hàng của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng đã vượt biên giới Myanmar từ Thái Lan. Liên Hiệp Quốc đang gây quĩ viện trợ 187 triệu USD cho Myanmar.

Tuy nhiên, các tổ chức khẳng định hàng cứu trợ sẽ cạn nhanh nếu chính quyền không mở cửa rộng hơn. Hiện hoạt động phân phối hàng cứu trợ vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp, điển hình tại Myaung Mya. Quân đội Myanmar chỉ có vài chục trực thăng, phần lớn là nhỏ và cũ, và 15 máy bay chở hàng nhưng không có khả năng vận chuyển khối lượng lớn.

Reuters dẫn lời một nhân viên cứu trợ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết tại Labutta, chính quyền chỉ cấp cho mỗi gia đình một ly gạo mỗi ngày. Trong khi đó ở làng Day Da Nam, cách Yangon 50km, người dân đang phải ăn chuối và các loại trái cây đã bị thối để cầm hơi. Giữa tình cảnh đó, mới đây một chiếc tàu của Tổ chức Chữ thập đỏ chở gạo và nước uống cho 1.000 người lại bị chìm gần thị trấn Bogalay.

Ông Greg Beck thuộc Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) nhận định sẽ "có một bi kịch lớn chưa từng thấy" trừ khi một khối lượng lớn hàng cứu trợ cùng các chuyên gia được đưa đến đồng bằng Irrawaddy. "Đây là thảm họa thứ hai. Đầu tiên là cơn bão và sóng lớn. Thảm họa thứ hai sẽ đến nếu người dân không có thức ăn, nước uống và chỗ ở. Họ sẽ chết".

Mới đây, Hãng tin DPA dẫn lời bà Sarah Ireland, giám đốc khu vực Đông Á của Tổ chức Oxfarm, cảnh báo số người chết tại Myanmar có thể tăng gấp 10-15 lần nếu một thảm họa y tế xảy ra trong những ngày tới. Hiện tại, con số tử vong, theo chính quyền là 28.458 người và 33.416 người mất tích. Trong khi đó, LHQ ước tính số người chết khoảng 63.920-101.682 và người mất tích lên đến 220.000.

"Nghĩa vụ ái quốc"

Mới đây, truyền thông Myanmar cho biết cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới ngày 10-5 vừa qua đã thành công với tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao. Hoạt động bỏ phiếu tại các khu vực bị bão tàn phá được hoãn lại hai tuần.

Khảo sát của phóng viên Reuters tại một địa điểm bỏ phiếu ở Hlegu cho thấy trong số 20 người được hỏi, chỉ có hai người trả lời không ủng hộ bản hiến pháp. AP dẫn lời cô Aye Aye Mar, một người nội trợ, cho biết: "Một lá phiếu nói không cũng chẳng tạo nên sự khác biệt gì”. Còn ông U Hlaing, người ở Hlegu, nói: "Tôi đã bỏ phiếu ủng hộ. Đó là điều người ta yêu cầu tôi phải làm". DPA cho biết tại nhiều khu vực, có 90-100% người dân bỏ phiếu ủng hộ. Trong những ngày qua, truyền thông Myanmar mở chiến dịch kêu gọi người dân ủng hộ bản hiến pháp, khẳng định đây là "nghĩa vụ ái quốc" của nhân dân. Đây là lần đầu tiên trong vòng 18 năm qua, người dân Myanmar đi bỏ phiếu.

Các hãng tin nước ngoài cho biết hàng cứu trợ đang trở thành phương tiện phục vụ cuộc trưng cầu ý dân. "Chúng tôi đã thấy nhiều tướng lĩnh viết tên mình lên các thùng hàng hóa cứu trợ từ châu Á và tuyên bố đó là quà của họ trước khi phân phát" - AP dẫn lời ông Mark Farmaner thuộc Tổ chức Burma Campaign UK cho biết. Báo Bangkok Post (Thái Lan) số ra hôm qua có bài viết phản ánh việc quân đội Myanmar dán nhãn ghi tên các vị tướng lĩnh lên hàng cứu trợ Thái Lan.

HIẾU TRUNG