Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1.12: Rút ngắn khoảng cách đưa ART tới bệnh nhân nghèo
Các Website khác - 01/12/2005
Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1.12:
Rút ngắn khoảng cách đưa ART tới bệnh nhân nghèo

* WHO không đạt được mục tiêu cấp thuốc cho 3 triệu bệnh nhân AIDS.
*Chỉ 1/10 số bệnh nhân AIDS tại Châu Phi và 1/7 tại Châu Á được điều trị.
* Tỉ lệ tử vong do các căn bệnh liên quan tới AIDS đã giảm 80%.


Di ảnh của bé gái 9 tuổi Sun Yingchen
vừa qua đời do nhiễm HIV/AIDS từ mẹ.
Lời xin lỗi của WHO

Ngày 29.11, ông Jim Yong-Kim - người đứng đầu chương trình HIV/AIDS của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã xin lỗi vì không đáp ứng được mục tiêu toàn cầu về điều trị HIV là giúp 3 triệu người tại các nước nghèo được tiếp cận thuốc chữa HIV vào cuối năm 2005. Đến tháng 6.2005, số người được nhận thuốc điều trị mới vỏn vẹn 1 triệu.

Theo thống kê của LHQ hồi cuối tuần trước, có hơn 40 triệu người trên thế giới hiện nhiễm HIV. Loại thuốc kháng virus ART dùng điều trị AIDS được sử dụng phổ biến tại các nước phát triển, nhưng nó vẫn là niềm mơ ước xa vời đối với các bệnh nhân tại các nước thuộc thế giới thứ ba do giá thành quá đắt. Những thống kê lạc quan nhất cũng cho rằng chỉ có 1/10 số người Châu Phi và 1/7 số người Châu Á được điều trị như mong muốn. Tuy nhiên, chiến dịch hạ giá bán ART do WHO khởi xướng trong 2 năm qua đã giúp thay đổi bức tranh toàn cầu về tiến trình điều trị AIDS. "Hơn 50 quốc gia trên thế giới hiện đã tăng gấp đôi lượng thuốc ART trong vòng 18 tháng" - ông Jim Yong-Kim khẳng định. Tại Châu Á, số bệnh nhân được chữa trị bằng ART đã tăng gấp 3 lần, từ 55.000 người lên gần 155.000 người trong 12 tháng qua.

Một nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ tử vong do các căn bệnh liên quan tới AIDS đã giảm 80% từ giữa năm 1997 - 2003, nhờ việc thuốc ART được dùng phổ biến hơn. Campuchia - quốc gia có tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất Châu Á - hiện đã có 40% số bệnh nhân - khoảng 10.000 người - được chữa trị bằng ART. Thái Lan đã cung ứng thuốc đặc trị này cho hơn nửa số bệnh nhân AIDS. Còn tại Trung Quốc, số bệnh nhân được tiếp cận ART được nâng từ 200 người năm 2001 lên 20.000 hiện nay.

Chưa xoá hết kỳ thị
Tuy phác đồ thế giới về điều trị HIV/AIDS đang có chuyển biến tích cực, nhưng nó vẫn quá nhỏ nếu so với tỉ lệ người nhiễm bệnh và chết vì AIDS. Đơn cử như Ấn Độ - nơi có khoảng 5 triệu người nhiễm bệnh - mới có hơn 50.000 người được phát thuốc ART.

Diễn biến của đại dịch AIDS tại Châu Á trở nên tồi tệ hơn do thiếu các nhân viên y tế chuyên sâu. Tại nhiều quốc gia, số bác sĩ và y tá điều trị HIV/AIDS hầu như không tăng, bất chấp dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh. Nghiên cứu hồi năm ngoái cho thấy, Trung Quốc mới có hơn 200 bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS.

Adeeba Kamarulzaman - Trưởng khoa Lây nhiễm tại Trung tâm Y tế Universiti Malaya (Malaysia), cho hay các bác sĩ trẻ thường tránh tiếp xúc với bệnh nhân AIDS. Còn một số đồng nghiệp khác muốn thử sức trong lĩnh vực này, thì gia đình lại ngăn cản họ. Theo Kamarulzaman, vẫn có sự kỳ thị rất lớn đối với bệnh nhân AIDS, thậm chí ngay cả trong giới nhân viên y tế (?).
Phương Thủy
(Theo AFP, BBC)