Nhật Bản - Hàn Quốc: Nỗ lực giải quyết tranh chấp đảo đá
Các Website khác - 21/04/2006
Nhật Bản - Hàn Quốc:
Nỗ lực giải quyết tranh chấp đảo đá

Tranh chấp hòn đảo không người ở mà phía Hàn Quốc gọi là Tokto và phía Nhật gọi là Takeshima đang làm cả hai bên đau đầu. Hôm 19.4, Hàn Quốc đã quyết định đưa đến đây 20 tàu tuần tra cùng trực thăng yểm trợ, báo động cảnh sát bờ biển, để phản đối lại kế hoạch của Nhật Bản định khảo sát hàng hải trong một khu vực rộng 75.000km2 gần hòn đảo này.

Hàn Quốc đã cảnh báo sẽ thực hiện những biện pháp cứng rắn nếu Nhật Bản cứ tiếp tục việc khảo sát. Đáp lại, Nhật Bản nói sẽ không đưa tàu khảo sát đến gần đảo nếu chính quyền Seoul từ bỏ kế hoạch yêu cầu sử dụng tên Hàn Quốc cho đáy biển gần hòn đảo trước một hội nghị quốc tế về hàng hải vào tháng 6 tới. Hai tàu khảo sát của Nhật đã xuất phát từ Tokyo sáng 18.4.

Tại Seoul, ngày 20.4, Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon đã mời Đại sứ Nhật Bản Shotaro Oshima tới để thảo luận cách xoa dịu bất đồng. Theo ông Ban Ki-moon, Chính phủ Hàn Quốc sẽ chuẩn bị đàm phán với Nhật nếu phía Nhật từ bỏ kế hoạch khảo sát.

Hòn đảo biệt lập này nằm cách lục địa chính của Hàn Quốc và Nhật Bản những khoảng cách gần như bằng nhau. Hiện giờ Hàn Quốc đang kiểm soát hòn đảo với sự có mặt của cảnh sát Hàn Quốc trên đó. Đảo nằm trong vùng đánh bắt cá trù phú. Một công ty khí đốt Hàn Quốc còn cho biết, đảo nằm trên những mỏ khí hydrate với trữ lượng trị giá có thể tới hàng tỉ USD.

Căng thẳng gia tăng những ngày qua đã nhen lên tia lửa tinh thần dân tộc ở Hàn Quốc. Một số tờ báo ngày hàng đầu thậm chí còn nói rằng, kế hoạch khảo sát của Nhật là một cái tát. Tờ nhật báo Chosun Ilbo ngày 19.4 viết: "Mỗi công dân phải hiểu rõ rằng họ phải sẵn sàng bảo vệ đảo Tokto và trục xuất cuộc xâm lược lén lút của Nhật".

Phía Nhật đã kêu gọi bình tĩnh, nhưng hôm 19.4 vẫn nói rằng họ đang sẵn sàng cho kế hoạch khảo sát mà họ tin là phù hợp với luật pháp quốc tế. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Nhật yêu cầu Hàn Quốc bỏ ý định đặt tên Hàn Quốc cho vùng biển tranh chấp. Từ Seoul, Ngoại trưởng Ban Ki-moon nói rằng chính phủ Hàn Quốc vẫn để ngỏ với yêu cầu này, nhưng Hàn Quốc có chủ quyền đặt tên cho lãnh thổ địa lý của họ. Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun cũng đã nói, Seoul có thể phải chuẩn bị chấp nhận quan hệ xấu đi mà hiện giờ đã không mấy suôn sẻ do việc Nhật từ chối thừa nhận quá khứ chiến tranh. Vĩnh Nguyên (Theo Reuters, BBC)