Serbia - Montenegro: Ngập ngừng trước ngưỡng cửa Châu Âu Goran Vasiljevic (từ Belgrade) viết riêng cho Lao Động Ngày 10.10 tới, các quan chức Liên minh Châu Âu (EU) sẽ có mặt tại Belgrade để khởi động vòng đàm phán tư cách thành viên cho Liên bang Serbia - Montenegro. Nhưng thông tin trên không gây được sự chú ý của dư luận tại Serbia, khi nạn thất nghiệp với nỗi lo "cơm áo, gạo tiền" luôn là mối đe doạ lơ lửng trên đầu họ.
Theo tuyên bố của Tổng thống Liên bang Serbia-Montenegro Svetozar Marovic, ngày 10.10 sẽ là một "cơ hội vàng để gia nhập EU" và "Serbia - Montenegro cần chung sức để sớm kết thúc đàm phán". Đây được xem như bước tiến đầu tiên để liên bang này đạt tư cách thành viên đầy đủ của EU. Chính quyền Serbia - Montenegro hy vọng có thể ký Hiệp định Liên kết và ổn định (SAA) với EU vào mùa thu năm 2006, thời điểm Phần Lan nắm cương vị Chủ tịch luân phiên của EU. Quyết định trên được EU đưa ra đúng dịp kỷ niệm lần thứ 5 ngày Serbia "thoát khỏi" cựu Tổng thống Milosevic để thực thi tiến trình thay đổi dân chủ. Trước đó, Công tố trưởng Toà án The Hague Carla del Ponte cũng đưa ra bản nhận xét tích cực, sau khi kết thúc chuyến thăm Belgrade ngày đầu tháng 10. Thành công về mặt chính trị khiến một số chính trị gia Serbia đang hồ hởi nhắc tới cái gọi là thắng lợi kép trong tháng 10, với những diễn biến tích cực trong mối quan hệ giữa Belgrade với Toà án The Hague và EU. Trên thực tế, tiến trình đàm phán gia nhập EU đã được chính quyền Nam Tư cũ thực hiện từ cách đây 15 năm. Sau khi Hiệp định Belgrade được ký kết năm 1976 và tiếp đó là Hiệp định hợp tác năm 1980, Nam Tư đã được hưởng ưu tiên đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường Châu Âu. Năm 1990, chính quyền Nam Tư khi đó đã chính thức đề đạt yêu cầu được gia nhập EU. Nhưng quá nhiều sự kiện xảy ra khiến những nỗ lực gia nhập EU của Belgrade từ một thập kỷ rưỡi trước bị quên lãng. Hiện tại, 1/3 dân số Serbia thất nghiệp. Những người có việc làm chỉ nhận mức lương trung bình 250USD/tháng, trong lúc tỉ lệ lạm phát liên tục ở mức 14%. Mâu thuẫn nội bộ Dư luận cũng đang hoang mang về việc vòng đàm phán gia nhập EU sẽ diễn ra như thế nào, khi mối liên hệ giữa Serbia - Montenegro đang rơi vào băng giá. Theo quy định, các thành viên trong đoàn đàm phán chính trị về tiến trình gia nhập EU được lựa chọn đồng đều từ cả Serbia - Montenegro. Tuy nhiên, trên bàn đàm phán về các lĩnh vực chủ chốt như tự do hoá công nghiệp và nông nghiệp thì Serbia và Montenegro lại chia thành hai phái đoàn riêng rẽ. Trong lúc đó, kết quả đàm phán thực chất lại phụ thuộc vào những thoả thuận đạt được trong lĩnh vực kinh tế - vốn chiếm tới 80% các điều khoản trong dự thảo SAA. Tại Podgorica, tuyên bố của Tổng thống Marovic được sửa đổi thành "Cơ hội lớn cho Montenegro gia nhập EU". Đảng đối lập lớn nhất tại Serbia là SRS thì nhận định, "không có nhà chính trị nghiêm túc nào lại đủ dũng cảm đề cập tới từ "thắng lợi" trong những ngày này". Gần đây, Belgrade và Podgorica hầu như không duy trì liên lạc. Những người lạc quan nhất cũng tỏ ra nghi ngại về tương lai của liên bang, khi các chính trị gia tại Podgorica đang nỗ lực xúc tiến cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập - dự kiến diễn ra vào tháng 3.2006. Phương Thuỷ dịch |
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (06/10/2005)
▪ Bão Stan làm chết gần 60 người ở Trung Mỹ (06/10/2005)
▪ Pháp: Bãi công làm tê liệt nhiều thành phố (06/10/2005)
▪ Phụ nữ nước ngoài bị đem khuyến mãi (06/10/2005)
▪ Hai nhà khoa học người Mỹ và một người Pháp chia nhau giải thưởng (06/10/2005)
▪ Về vụ kiện da cam: Các công ty hoá chất Mỹ cần bồi thường cho nạn nhân (05/10/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (05/10/2005)
▪ Bali - tan hoang thiên đường (05/10/2005)
▪ Thành công của APEC 2006 phụ thuộc khả năng xử lý của Việt Nam (05/10/2005)
▪ Cạo đầu để tập trung học tập (06/10/2005)