Sex và chính trị: Những con đường đến với bình đẳng giới
Các Website khác - 17/05/2008

 

Italia: Cuộc chiến cam go

 

Trước cuộc tổng tuyển cử gần đây của Italia, người ta đã nói rất nhiều về bình đẳng giới. Nhưng trong nội các mới của ông trùm truyền thông Silvio Berlusconi, đấng trượng phu vẫn thống trị. Trong số 21 bộ trưởng, mới chỉ có 4 bóng hồng, và tất cả đều được trao những nhiệm vụ khá nhẹ nhàng. Và hầu hết họ giành được sự quan tâm của mọi người là nhờ vào sắc đẹp hơn là vào khả năng chính trị.

 

Tân Bộ trưởng Bình đẳng giới, Mara Carfagna, 32 tuổi từng là một người mẫu cho một trong những kênh truyền hình của ông Berlusconi. Bà cũng từng về thứ 6 trong cuộc thi hoa hậu Italia năm 1997. “Bà thật đẹp”, một người hâm mộ viết trên trang web của tân Bộ trưởng trong ngày đầu tiên bà nhậm chức. Trở thành nghị sỹ từ năm 2006, bà Mara Carfagna cho biết trong tiểu sử của mình rằng thú tiêu khiển của bà là “sưu tầm bút”.

 

4 nữ bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Italia Berlusconi.

Bộ trưởng môi trường Stefania Prestagiacomo, 41 tuổi, là một luật sư và từng là cựu điều phối viên trong đảng Forza Italia của ông Berlusconi tại Lombardy. Nhờ có sắc đẹp trời cho, mà bà đã giành được danh hiệu “Người đẹp Quốc hội” khi lần đầu tiên trúng cử vào quốc hội tại Syracuse, Sicily, 14 năm về trước. Một diễn viên hài kịch nổi tiếng từng miêu tả bà là: “thứ tốt đẹp nhất trong chính trường Italia”.

 

Vị thủ tướng 71 tuổi của Italia từng chê nội các mới của người đồng cấp Tây Ban Nha là “quá hồng”, giờ đây lại “vỗ ngực” là người đàn ông của các người đẹp.

 

Bộ trưởng Bình đẳng giới Italia

Một người đẹp khác cũng được chọn vào nội các của ông Berlusconi là Giorgia Meloni, tân Bộ trưởng thanh niên Italia. Ở tuổi 31, Meloni là người trẻ nhất từng vươn tới hàng ngũ bộ trưởng ở Italia. Meloni xuất thân trong một gia đình cánh tả ở ngoại ô Rome. Tại đây Meloni đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một người tổ chức thanh niên cho Đảng Liên minh dân tộc. Còn Maria Stella Gelmini, 34 tuổi, cũng là một luật sư ở Lombardy được bầu làm Bộ trưởng giáo dục.

 

Tuy nhiên, phụ nữ Italia có vẻ như vẫn bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc mặc dù gần đây nước này đã áp dụng một số luật về bình đẳng giới. Theo thống kê mới nhất của chính phủ Italia, phụ nữ làm trong thị trường lao động liên quan đến văn hóa dần một tăng, nhưng họ cũng có vẻ làm những công việc được trả thấp hơn, như nhân viên thư viện, khảo cổ học, lịch sử học. Chính vì vậy, với tỉ lệ lao động nữ thấp nhất EU, 46%, bà Carfagna sẽ phải làm việc hết mình để thay đổi tư tưởng của đa số đại trượng phu trong nội các Italia.

 

Tây Ban Nha: Nhà tiên phong

 

Tây Ban Nha, đất nước tạo ra từ “đại trượng phu”, giờ đây lại tiên phong trên mặt trận bình đẳng giới. Sau khi giành chiến thắng trong nhiệm kỳ hai hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero đã thành lập một nội các với đa số các bóng hồng, trong đó có cả một nữ bộ trưởng 31 tuổi, bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử Tây Ban Nha.

 

Và đáng chú ý hơn, tân Bộ trưởng quốc phòng Carme Chacon lại đang có bầu ở tháng thứ 7.  Ngoài ra, còn có một bộ mới, đó là Bộ bình đẳng giới.

 

Nữ bộ trưởng quốc phòng Tây Ban Nha.

Không một chính phủ hiện đại dân chủ nào bên ngoài các nước xứ Scandinavia lại có những bước đi táo bạo như Tây Ban Nha, đặt vấn đề bình đẳng giới là vấn đề trung tâm của chính phủ. Trở lại những năm 1960, khi bình đẳng giới lần đầu tiên trở thành vấn đề xã hội lớn, có bao nhiêu nhà hoạt động vì phụ nữ lúc đó có thể tưởng tượng được tới năm 2008 phong trào của họ đã gây ảnh hưởng lớn tới một người đàn ông Tây Ban Nha? Và Thủ tướng  Zapatero tuyên bố ông không phải là người chống nam quyền mà là người ủng hộ phụ nữ.

 

Silvia Montero, một nhà phân tích trên trang web 5Spaniards.com, nhận xét, Thủ tướng Tây Ban Nha tiến bộ đúng như những gì ông tuyên bố: “Những chính sách xã hội đa dạng trong suốt 4 năm qua đã đưa đến những thay đổi sâu sắc trong thực tế xã hội của Tây Ban Nha, và đặc biệt là địa vị của người phụ nữ”, bà cho biết.

 

“Một trong những thành tựu lớn nhất của thủ tướng Zapatero trong vấn đề này là ông đã mở lại được cuộc tranh luận về bình đẳng giới: phụ nữ giờ thậm chí đã ý thức được nhiều hơn nhu cầu cần phải trở nên ngang bằng với đàn ông”.

 

Thủ tướng Tây Ban Nha và nội các toàn bóng hồng của ông.

Và hầu hết nam giới Tây Ban Nha đều hài lòng với các nữ bộ trưởng mới của họ. “Tôi nghĩ vấn đề bộ trưởng là nam hay nữ không quan trong”, Joaquin, một công chức ở Madrid cho biết. “Chúng ta đã biết rõ một số bộ trưởng không có năng lực. Nhưng điều đó không liên quan gì đến giới tính của họ”.

 

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người giễu cợt, như một bình luận viên trên tờ ABC đã gọi nội các của ông Zapatero là “tiểu đoàn các cô thợ may”.

 

"Cuộc chiến" được lòng dân?

 

Bình luận nội các của Tây Ban Nha “quá hồng” của thủ tướng Italia Silvio Berlusconi hầu như không được mấy chú ý tại Italia. Tuy nhiên nó lại khiến Tây Ban Nha phản đối mạnh mẽ. “Bình luận của ông Berlusconi không phù hợp một chút nào, bởi chúng có thể bị hiểu sai thành sự kình địch giữa Italia và Tây Ban Nha”.

 

“Tôi không nói là có sự kình địch như thế tồn tại. Nhưng sự thật là Tây Ban Nha và Italia luôn nhìn sang nhau để tham khảo nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị”.

 

Bình luận của Thủ tướng Berlusconi có thể là dấu hiệu cho thấy hai nước đang đi trên hai con đường khác nhau trong cuộc chiến bình đẳng giới. Phụ nữ Tây Ban Nha vẫn kiếm ít hơn đàn ông khoảng 30%, và chiếm ít hơn 5% những vị trí chủ chốt tại các công ty lớn.

 

Trên mặt trận chính trị, theo quy định 40% ứng cử viên trong các cuộc bầu cử bắt buộc phải là phụ nữ. Và tỉ lệ 40% này cũng sẽ sớm được áp dụng trong các cơ quan muốn có các hợp đồng làm ăn với chính phủ. Ngoài ra, bạo lực gia đình cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

 

Theo các cuộc khảo sát, ngày càng nhiều phụ nữ bị chết vì bạo lực gia đình ở Anh, Đức. Tỉ lệ ở các nước này lớn hơn ở Tây Ban Nha. Năm 2007, hơn 70 phụ nữ đã bị chồng, bạn trai hoặc bạn trai cũ giết chết.

 

Điều khác biệt ở Tây Ban Nha là chính phủ đang tiến hành từng bước để đối phó với vấn đề này. Sẽ có một đạo luật mới nhằm bảo vệ phụ nữ trong đó sẽ có các thẩm phán, các cơ quan pháp luật và các sắc lệnh khống chế những người đàn ông bạo hành trong vòng vài giờ.

 

Sylvana, một giám đốc tổ chức sự kiện, than vãn rằng thái độ trong xã hội thay đổi chậm hơn so với luật pháp. “Nhiều công ty vẫn coi việc nghỉ sinh là không cần thiết, phí phạm và phiền hà”, Sylvana nói. “Trong các cuộc phỏng vấn xin việc, phụ nữ vẫn bị hỏi họ có dự định có con hay không”.

 

Sylvana cũng chỉ ra bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề lớn: “Thật là kinh khủng khi ai đó biện minh: “Tôi giết cô ta bởi cô ta là của tôi”. Nhưng đó là điều bạn vẫn nghe thấy”.

 

Một số người Tây Ban Nha cho rằng luật bình đẳng giới chỉ là một thứ trang trí. “Quan trọng nhất là giáo dục. Nếu chúng ta không được học hành, chúng ta thay đổi xã hội như thế nào đây?”, Joaquin nói.

 

Có thể sẽ có những bất đồng để đạt được một mục đích chung mà người Tây Ban Nha muốn hướng tới: đó là tẩy chay xu hướng “nam quyền”, tin tưởng vào sự bình đẳng giới, và một hướng đi tích cực để đạt được nó.

 

Một trong những đối thủ không đội trời chung của Thủ tướng Tây Ban Nha là lãnh đạo đảng bảo thủ của Madrid, Esperanza Aguirre. Ông này không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội để chỉ trích chính phủ. Tuy nhiên, thậm chí chính ông Aguirre cũng phải công nhận rằng một trong những điều tốt đẹp nhất mà Thủ tướng Zapatero đã làm là bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào nội các.

 

Phan Anh

Theo BBC