Thế giới “tiễn biệt” năm sóng gió 2008 trong lo âu
Các Website khác - 02/01/2009
 Đối với nhiều người trên khắp thế giới, năm 2008 là một năm đầy sóng gió, với cổ phiếu sụt giảm, mất việc làm cùng chiến tranh, khủng bố, tội phạm. Vì vậy, năm 2009 được đón chào với nhiều hi vọng và cũng lắm lo âu.

“Tôi trông đợi nhiều vào năm 2009”, Randolph King ở Anh cho biết. Randolph King bị rút ruột lương hưu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. “Bởi mọi thứ không thể tồi tệ hơn được nữa”.

 

Sau một năm tài chính bất ổn nhất trong nhiều thập kỷ, mọi người đã có giây phút dừng lại, hít một hơi thở sâu, nhâm nhi…một ly sâm-phanh có lẽ là rẻ hơn mọi năm.

 

“Chúng tôi sẽ không đón mừng năm mới hoành tráng như mọi năm. Chúng tôi đang thận trọng”, kiến trúc sư Moussa Siham, 24 tuổi cho biết. Trong khi đó người đi mua sắm ở khu buôn bán sầm uất ở tây Paris cố gắng cắt giảm các khoản chi phí cho bữa tiệc năm mới.

 

Năm mới đến cũng mang đến bi kịch khi các nhân viên cứu hộ ở Thái Lan cho biết ít nhất 59 người đón năm mới thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn tại một hộp đêm nổi tiếng ở Bangkok. Khoảng 130 người khác bị thương.

 

Tại Vatican, Giáo hoàng Benedict XVI đã kêu gọi “sự điềm tĩnh và tình đoàn kết” trong năm 2009. Trong buổi cầu kinh buổi chiều cuối năm, Giáo hoàng cho rằng thời gian này được “đánh dấu bằng sự bất ổn và lo lắng về tương lai”, nhưng kêu gọi mọi người không nên sợ hãi và hãy giúp đỡ lẫn nhau.

 

Trong khi đó, nhiều người cũng cố quên đi những khó khăn của mình, ít nhất là trong một đêm.

 

Sydney, Australia, thành phố lớn đầu tiên của thế giới đón chào năm 2009, đã nhuộm bầu trời trên cây cầu ở vịnh và nhà hát Con sò bằng muôn màu ánh sáng, thu hút được hơn 1 triệu người chiêm ngưỡng.

 

Tại Ireland, hàng ngàn người Dublin và khách du lịch đã đổ về nhà thờ cổ nhất thủ đô, Christ Church, để nghe tiếng chuông nhà thờ rung lên trong năm mới.

 

“Tiếng chuông đánh dấu cho sự kết thúc một năm mà đối với nhiều người là “lạc lối”, một người tại Dublin cho biết. “Khi đón năm mới vào năm ngoái, tôi có một chiếc ví đầy. Tôi không phải lo gì về đi lại, không bận tâm đến giá taxi về nhà”, anh nói. “Nhưng nay tôi phải bảo mình đón năm mới ở gần nhà, bởi tôi thực sự không còn tiền để làm bất kỳ điều gì nữa”.

 

Tại Malaysia, lo lắng cho nền kinh tế khó khăn, chính phủ đã chọn giải pháp không tài trợ cho bất kỳ lễ đón mừng năm mới nào.

 

Tại Hồng Kông, hàng ngàn người tập trung quanh Vịnh Victoria để chờ cuộc trình diễn pháo hoa. Nhưng với những ai có các khoản đầu tư liên quan đến ngân hàng đã bị sụp đổ Lehman Brothers, ngân hàng lớn nhất bị sụp đổ trong lịch sử Mỹ, thì lại không tìm thấy nhiều niềm vui.

 

“Tôi không thấy lý do gì để đón mừng năm mới sau khi khoản đầu tư của tôi hiện chẳng có gì” một thợ điện cho biết. Anh đã đầu tư 30.000 USD cho Lehman.

 

Tại Iceland, nơi mọi người vẫn giận dữ về nền kinh tế bị sụp đổ của đất nước, những người biểu tình đã buộc buổi phát sóng có bài phát biểu của Thủ tướng trong năm mới phải ngừng. Họ đã xông vào khách sạn nơi đang được ghi hình. Họ ném pháo hoa và bóng nước vào cảnh sát.

 

Ấn Độ, nhiều người thấy hạnh phúc khi năm 2008 khép lại, sau một loạt các vụ khủng bố ở nhiều thành phố mà nổi bật nhất là vụ tấn công trong 3 ngày ở Mumbai, khiến 164 người thiệt mạng.

 

“Năm 2008 có thể được xem là năm của tội phạm, khủng bố, đổ máu và tai nạn”, Srivastava, 51 tuổi, nhân viên văn phòng ở thành phố Lucknow, miền bắc Ấn Độ, cho biết. “Tôi thực sự hi vọng năm 2009 sẽ là một năm hòa bình và phát triển”.

 

Tại Athens, cảnh sát cho biết người biểu tình đã tấn công ít nhất 10 ngân hàng, hai xe của các lãnh đạo trong lễ đón năm mới. Tuy nhiên, không có ai bị bắt hoặc bị thương. Các thành phố ở Hy Lạp gần đây đã bị chìm trong các cuộc bạo loạn sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên.

 

Tại Trung Quốc, lễ đón mừng năm mới khá yên ắng, bởi pháo hoa và các hoạt động khác chủ yếu được “để dành” cho tết âm lịch.

 

Vào giữa đêm, ở Nhật Bản, chuông chùa rung lên 108 lần, tượng trưng cho 108 điều xấu được đẩy lùi.

 

Tại Tokyo, những người tình nguyện đã nấu nhiều nồi cháo năm mới rất lớn và mang chăn mền, quần áo cho những người nghèo.

 

Nhật Bản từ lâu tự hào về hệ thống “việc làm cả đời” tại một số công ty lớn. Nhưng năm nay hệ thống đó cũng bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng tài chính. “Không có việc làm”, Mitsuo Kobayashi, 61 tuổi, lẩm nhẩm, khi ông nhặt lên một chiếc khăn len, một chiếc áo khoác và chiếc quần. “Ai biết được năm mới sẽ mang lại điều gì?”

 

Theo DanTri