Châu Á năm 2008 nhìn lại
Các Website khác - 31/12/2008


Sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc khiến nhiều cường quốc phải "nể phục".

Đó là chưa kể đến thế vận hội Olympic Bắc Kinh: hoành tráng và rực rỡ nhất trong lịch sử các kỳ Olympic. Ngoài ra, Trung Quốc còn đạt được bước tiến lớn trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ, khi lần đầu tiên và là nước thứ ba trên thế giới đưa được con người "dạo bộ" ngoài không gian.

 

Năm 2008 có thể là năm của Trung Quốc, tuy nhiên không phải hoàn toàn theo cách mà người dân nước này mong đợi. Trung Quốc đã phải hứng chịu trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên, thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất nước này trong vòng 3 thập kỷ qua, rồi hàng loạt vụ bê bối thực phẩm, trong đó nổi bật nhất và gần đây nhất là vụ bê bối sữa bột trẻ em nhiễm melamine, khiến 6 trẻ em tử vong cùng hàng trăm ngàn em khác bị ảnh hưởng.

 

Trong khi đó, tại những nơi khác, cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq vẫn tiếp diễn; rồi bất ổn chính trị ở Pakistan và Thái Lan; vụ khủng bố được coi là vụ "11/9 của Ấn Độ" nhằm vào nhà ga, rạp chiếu phim, khách sạn tại Mumbai. Tuy nhiên, có một cuộc xung đột kéo dài có vẻ như đã tiến tới hồi kết. Tại Nepal, nhóm du kích Maoist đã thành lập được một chính phủ mới sau một cuộc bầu cử, chứng kiến sự sụp đổ của chế độ quân chủ và trở thành nước cộng hòa non trẻ nhất thế giới. Trên khắp thế giới, hiện chỉ còn 27 nước theo chế độ quân chủ.

 

1. Khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh (8/8)

 

 

Hình ảnh trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh

Nhiều người cho rằng, đây là thời điểm để Trung Quốc chứng tỏ quyền lực thế giới đang dịch chuyển về hướng đông, thời điểm thế giới chiêm ngưỡng những bước tiến vượt bậc về kinh tế, khoa học của Trung Quốc.

 

Trung Quốc đã dày công chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic suốt 7 năm, với số tiền lên tới 43 tỷ USD. Trong số đó, khoảng 100 triệu USD, gấp đôi khoản tiền của Olympic Athen 2004, được chi cho lễ khai mạc và bế mạc "động trời". Lễ khai mạc được bắt đầu vào 8h tối ngày 8/8, con số biểu trưng cho sự may mắn ở Trung Quốc.

 

Khoảng 15.000 nghệ sỹ tham gia biểu diễn trong lễ khai mạc. 29.000 quả pháo hoa được bắn lên để khởi động cho Thế vận hội. Đạo diễn phim nổi tiếng thế giới Trương Nghệ Mưu đã được giao nhiệm vụ "cô đặc" 5.000 lịch sử Trung Hoa vào trong một buổi trình diễn. Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động 100.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh cho thế vận hội. Trước đó, giới chức nước này đã cho tạm thời đóng cửa một số nhà máy và hạn chế xe cộ đi lại trong dịp Olympic để "làm sạch" bầu không khí ở Bắc Kinh.

 

2. Mumbai, Ấn Độ, bị tấn công khủng bố (26/11)

Khách sạn Taj Mahal nổi tiếng của Ấn Độ bị tấn công trong ngày 26/11.

 

Mối lo về khủng bố của thế giới đã dịch chuyển từ Iraq trở lại Afghanistan và từ đó vào Ấn Độ rồi "kết tinh" trong một cuộc tấn công táo tợn vào thủ đô tài chính của nước này. Một nhóm khủng bố Hồi giáo tự xưng là Deccan Mujahedeen đã bắn giết bừa bãi, tấn công nhà ga xe lửa Mumbai, một rạp chiếu phim, một bệnh viện, hai khách sạn sang trọng, nơi khách nghỉ và nhân viên bị lùa vào một chỗ và bị giết hại. Các lực lượng an ninh Ấn Độ đã phải chiến đấu ròng rã ba ngày mới kiểm soát được tình hình, tiêu diệt được 9 trong 10 tên khủng bố và bắt giữ được tên cuối cùng. Hơn 170 người đã bị giết hại, trong đó có 30 người nước ngoài. Vụ tấn công kinh hoàng này còn được gọi là vụ tấn công khủng bố "11/9 của Ấn Độ". Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân Ấn Độ và Pakistan, nơi bọn khủng bố ẩn náu và được huấn luyện, vì thế mà cũng rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.

 

3. Bê bối sữa bột trẻ em nhiễm melamine ở Trung Quốc (tháng 9)

 

 

Melamine từng bị sử dụng trong sản xuất bát đĩa, đồ nấu bếp, nhưng nay đã được sử dụng để làm giả hàm lượng protein trong sữa và thực phẩm. Chính vì vậy năm 2008 được đánh giá là năm bê bối của hàng “made in China”. Năm ngoái, thế giới đã biết đến hiểm họa melamine trong thức ăn vật nuôi, khiến chó mèo trên khắp thế giới bị suy thận. Còn năm 2008, nạn nhân là các em bé. 6 em nhỏ đã tử vong vì bị suy thận, trong khi khoảng 300.000 em khác phải nhập viện. Đến ngày 15/9 khi vụ bê bối sữa bột melamine được đưa ra ánh sáng, một công ty đứng ra xin lỗi. Nhưng từ trước đó, melamine đã là bí mật mở trong ngành thực phẩm Trung Quốc.

 

Vụ việc melamine ở Trung Quốc đã gây hoang mang, lo sợ trên toàn cầu, bởi hàng xuất khẩu Trung Quốc có mặt ở khắp nơi. Nhiều nước trên thế giới đã nói không với sản phẩm sữa và thực phẩm làm từ sữa có xuất xứ Trung Quốc và niềm tin của người tiêu dùng vào hàng “made in China” suy giảm mạnh.

 

4. Cơn giận dữ kép của Mẹ thiên nhiên (tháng 5)

 

Lần cuối cùng chúng ta phải chứng kiến cảnh nhiều người bị Mẹ thiên nhiên quật ngã nhanh và mạnh khủng kiếp là cơn đại hồng thủy hay sóng thần ập đến từ Ấn Độ Dương tháng 12/2004. Khoảng 225.000 người đã thiệt mạng. Và cơn giận giữ kép trong tháng 5 năm nay (2/5 và 12/5) của Mẹ thiên nhiên cũng được cho là để lại hậu quả tương tự. Cơn lốc Nargis ngày 2/5 tàn phá Myanmar và trận động đất 7,9 độ richter san phẳng trường học, làng mạc ở Tứ Xuyên, tỉnh đông dân nhất Trung Quốc. Lốc Nargis cướp đi sinh mạng của 150.000 người, trong khi trận động đất ở Trung Quốc khiến 87.000 người mất mạng. Trận động đất ở Tứ Xuyên là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất mà Trung Quốc phải gánh chịu suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, nỗ lực giải quyết hậu quả nhanh và hiệu quả của chính phủ đã giúp Trung Quốc phần nào phục hồi lại được hình ảnh của mình trong mắt phương Tây.

 

5. Thăng trầm vấn đề hạt nhân Triều Tiên

 

Tháp làm lạnh tại cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên được đánh sập.

 

Nếu dùng một từ để thể hiện vấn đề hạt nhân của CHDCN Triều Tiên năm nay, nhiều nhà phân tích cho rằng từ hợp nhất là “vẫn bế tắc”. Trong 6 tháng đầu năm, nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân có vẻ như diễn ra rất suôn sẻ, với việc Bình Nhưỡng giao nộp bản báo cáo về chương trình cũng như tài liệu hạt nhân của mình vào ngày 26/6. Và ngày hôm sau, 27/6, Triều Tiên cho phá hủy tháp làm lạnh của cơ sở hạt nhân chính của mình tại Yongbyon. Nhiều người đã “khấp khởi” mừng thầm cho tín hiệu vui này. Nhưng giống như sự sụp đổ của tháp làm lạnh, mọi nỗ lực hạt nhân cũng sụp đổ khi Washington và Bình Nhưỡng bất đồng về việc kiểm chứng.

 

Mỹ khăng khăng rằng kiểm chứng là một phần nằm trong bản công bố hạt nhân của Triều Tiên trong khi Triều Tiên cũng giữ vững quan điểm kiểm chứng là một vấn đề riêng rẽ, nằm ngoài bản báo cáo hạt nhân của họ. Các trưởng đoàn đàm phán hạt nhân 6 bên ngày 8/12 đã nhóm họp với hi vọng có thể đạt được một thỏa thuận cho vấn đề kiểm chứng, nhưng thất bại. Kết quả, những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ Bush nhằm để lại “tên tuổi” trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã thất bại và đành phải đẩy vấn đề cho chính quyền tiếp theo của Obama.

 

6. Căng thẳng chính trị Thái Lan dẫn đến sân bay Bangkok bị phong tỏa (25/11)

Hành khách bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế ở Bangkok.

 

Trong một năm chính trị đầy bất ổn, Thái Lan được hết thủ tướng này đến thủ tướng khác lên dẫn dắt. Những người không ủng hộ đảng Quyền lực nhân dân (PPP) đã đẩy Bangkok cùng nền kinh tế rơi vào bế tắc, và cuối cùng tiến hành một cuộc biểu tình phong tỏa sân bay quốc tế Bangkok. Có thời điểm, theo các nhà phân tích, màn kịch chính trị được chuyển sang thể hài: một thủ tướng bị buộc phải từ chức vì xuất hiện trong chương trình dạy nấu ăn trên đài truyền hình tư nhân trong thời gian tại chức. Trong khi đó, Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) đối lập cho rằng phần đa những người ở vùng nông thôn Thái Lan không đủ trình độ để bỏ phiếu so với phần ít hơn những người sống ở thành thị.

 

Trong thời điểm tình hình căng thẳng ở Bangkok lên tới đỉnh điểm, khi những người biểu tình thuộc PAD phong tỏa hai sân bay quốc tế, làm khoảng 300.000 người bị mắc kẹt, tòa án Hiến pháp Thái Lan đã phế truất thêm một thủ tướng để "tháo gỡ" bế tắc. Sau quyết định, tình hình chính trị ở Thái Lan đã trở nên lắng dịu hơn, với người biểu tình được giải tán, và một thủ tướng của đảng đối lập được bầu sau suốt 8 năm Thái Lan nằm dưới sự lãnh đạo của Thaksin và các đồng minh của ông. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng căng thẳng vẫn chưa thể tháo gỡ triệt để bởi tại Thái Lan vẫn còn rất nhiều người ủng hộ ông Thaksin và đồng minh của ông.

 

7. Làn sóng phụ nữ đánh bom liều chết mới ở Iraq (1/2)

 

Hai phụ nữ đã tự cho nổ tung mình trong một khu chợ đông đúc tại Baghdad, giết chết gần 100 người. "Chiến thuật" dùng phụ nữ để tấn công liều chết đã trở thành một đặc điểm nổi bật của các nhóm nổi dậy tại Iraq trong năm nay. Theo quân độ Mỹ, một số phụ nữ được tuyển mộ là những người bị mất khả năng trí tuệ, trong đó có cả hai phụ nữ trên. Tuy nhiên, xét về tổng thế, tình trạng bạo lực ở quốc gia vùng Vịnh này đang tiếp tục giảm.

 

8. Tổng thống Pakistan Musharraf từ chức sau thất bại tại quốc hội (18/2)

 

Tổng thống Musharraf trong tuyên bố từ chức trên truyền hình.

 

Hai tháng sau khi cựu Thủ tướng Benazir Bhutto bị ám sát, đảng Nhân dân Pakistan của bà cùng các đảng đối lập khác đã "bồi" một đòn chí mạng vào chính phủ của Tổng thống Pervaiz Musharraf trong cuộc bầu cử quốc hội. Thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội đã buộc Tổng thống Musharraf phải từ chức vào tháng 8 và được chồng của bà Bhutto, ông Asif Ali Zardari, lên thay thế vào tháng sau.

 

9. Nước cộng hòa non trẻ nhất thế giới chào đời (10/4)

 

 

Cuộc bầu cử đã khép lại chiến dịch tranh cử dài lâu của nhóm những người nổi dậy Maoist, những người đã dần dần chiếm được phần đa trong quốc hội của vương quốc trên dãy Himalayan. Hàng loạt những thay đổi đã diễn ra nhanh chóng trong xã hội được cho là khá bảo thủ này. Ngày 28/5, Quốc hội mới giải tán chế độ quân chủ có từ 239 năm trước và tuyên bố Nepal trở thành một quốc gia cộng hòa. Vua Gyanendra từ chức và lãnh đạo của Maoist Pushpa Kamal được bầu làm thủ tướng vào ngày 15/8.

 

10. Trung Quốc “dạo bộ” ngoài không gian

 

Ba nhà du hành Trung Quốc trong sứ mệnh "dạo bộ" ngoài không gian.

 

Việc Trung Quốc đưa người vào không gian không có gì mới mẻ, bởi sứ mệnh chinh phục không gian có người lái đầu tiên của họ là vào năm 2003 và sứ mệnh thứ hai là vào năm 2005. Họ đã đi lên vững vàng từng bước một, bắt đầu với tàu vũ trụ một người lái, rồi hai người và sau đó là ba người. Điều đặc biệt là trong sứ mệnh chinh phục không gian lần ba năm nay, họ đã thực hiện thành công chuyến “dạo bộ” ngoài không gian. Như vậy Trung Quốc hiện là nước thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Liên Xô cũ, có thể “dạo bộ” ngoài không gian. Ngoài ra, tàu vũ trụ không người lái Hằng Nga của Trung Quốc hiện đang bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng và Bắc Kinh tham vọng cho tới năm 2020 sẽ đưa được người lên Mặt trăng.

 

 

Theo DanTri