Cái giá đắt của cuộc tấn công Gaza
Các Website khác - 30/12/2008


Người biểu tình phản đối cuộc tấn công Gaza tại Kurla Lumpur, Malaysia

…thay vào đó, cuộc tấn công cuối tuần qua tại Gaza, đẫm máu nhất kể từ khi Israel xâm chiếm dải đất này năm 1967, đã khiến cho cuộc xung đột Israel – Palestine trở thành một cuộc khủng hoảng cần câu trả lời khẩn cấp từ phía Washington. Ngoài ra, nó còn cho thấy thất bại của chính quyền Bush, cũng như  Israel đối với Hamas tại Gaza.

 

Các cuộc không kích bắt đầu vào hôm thứ bảy vừa qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 280 người. Nó cho thấy sự leo thang trong “cuộc chơi” căng thẳng giữa Israel và Hamas. Trong suốt 7 tuần qua, mỗi bên đều có tính toán riêng cho mình để giành lợi thế. Hamas, và người dân mà họ đại diện, đã phải trả cái giá đắt về người sau các cuộc không kích cuối tuần của Israel. Nhưng Hamas cũng vì thế mà giành được lợi thế chiến lược. Các cuộc thăm dò trước kỳ bầu cử ở Israel cho thấy cử tri đang chuyển sang ủng hộ cánh hữu. Vì vậy, khả năng leo thang căng thẳng trong những ngày tới và những tuần tới cùng với sự phản đối của người dân trong khu vực sẽ khiến Israel lùi một bước về mặt chính trị.

 

Hamas cần một lệnh ngừng bắn, nhưng phải có lợi cho họ hơn lệnh ngừng bắn 6 tháng trước đó. Trong khi đó, Israel tuy hầu như đã ngừng các cuộc tấn công quân sự vào Gaza nhưng lại phong tỏa đường biên giới với Gaza. Việc phong tỏa cũng nằm trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Bush muốn gây sức ép khiến người dân Palestine phải lật đổ chính quyền Hamas, chính quyền đã chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006.

 

Thực tế đã chứng tỏ lệnh ngừng bắn giữa IsraelPalestine không thể đứng vững. “Bình yên đổi lấy bình yên” – thỏa thuận mà Israel gọi tên để ngừng các cuộc tấn công và nã pháo, đã không có tác dụng với Hamas. Bởi Hamas vẫn không thể chuyển những cứu trợ về kinh tế cho người dân Palestine. Thực tế, chiến dịch bắn rocket mới của Hamas được nhiều người đánh giá là “chiến thuật thương lượng” nhằm giành thêm những điều khoản ngừng bắn có lợi hơn, nổi bật nhất là dỡ bỏ sự phong tỏa về kinh tế.

 

Còn Israel lại đang lúng túng giữa hai mục tiêu. Một mặt, họ muốn phá hủy chính phủ Hamas, mặt khác lại muốn tìm kiếm giải pháp cùng tồn tại với phong trào này nhằm đảm bảo an ninh dọc biên giới phía nam của Israel. Vì vậy mà họ có thỏa thuận “bình yên đổi lấy bình yên” và vẫn phong tỏa kinh tế của Gaza.

 

Cuộc tấn công hiện nay của Israel khiến nước này càng ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Gaza. Tấn công Gaza, Israel đã đẩy cuộc xung đột với người Palestine trở lại ưu tiên hàng đầu tại Trung Đông của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama. Cuộc chiến sẽ gây ra làn sóng phản đối trên khắp các đường phố đối với Mỹ và Israel từ Li-băng cho đến Pakistan, khiến cho những người có thiên hướng hợp tác với Washington bị đặt trong tình thế khó khăn. Nổi bật nhất trong những người này là chính quyền của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Trong khi đó, cuộc tấn công sẽ tạo cơ hội cho các kẻ thù của Mỹ củng cố vị trí của mình trong lòng công chúng Ả rập và Hồi giáo.

 

Tổng thống Mỹ Obama sẽ nhậm chức trong bối cảnh một lần nữa vấn đề Israel – Palestine lại trở thành nhân tố gây ra bất ổn trong khu vực, cần phải được hành động, và có lẽ cần phải có một hướng tiếp cận mới.

 

Ngoài ra, còn có những vấn đề chiến lược khác nữa tại thời điểm hiện nay. Israel đã hành động để bảo vệ người dân nước mình khỏi các cuộc tấn công roket, nhưng có thể những cuộc tấn công như thế vẫn tiếp diễn và mạnh hơn. Hậu quả này dẫn đến việc Israel phải đưa bộ binh vào Gaza, nơi họ cũng sẽ phải chịu tổn thất dưới tay của các chiến binh Palestine.

 

Song số người thiệt mạng ở phía Palestine chắc chắn sẽ cao hơn phía Israel rất nhiều. Điều này sẽ khiến Israel bị cô lập trên mặt trận ngoại giao. Các nhà nước Ả rập mặc dù không hài lòng với Hamas (bởi họ sợ phong trào Hồi giáo này sẽ trở thành hình mẫu cho các phong trào tương tự ở nước họ) cũng sẽ buộc phải xa lánh Israel.

 

Các cuộc không kích cũng khiến Tổng thống Palesinte không có lựa chọn nào khác ngoài từ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với Israel. Chắc chắn, cuộc tấn công của Israel sẽ càng làm cho Hamas được ủng hộ về mặt chính trị, và làm suy yếu Abbas. Trước khi tấn công Gaza, các quan chức Israel đã cảnh báo trò chơi sẽ không có hồi kết bởi một cuộc tấn công giới hạn sẽ không thể loại bỏ tận gốc Hamas ở Gaza và vì vậy, xét về lâu dài, một cuộc xâm lược trên bộ quy mô sẽ khiến Israel buộc phải tái chiếm dải đất này.

 

Trong khi đó, phía Hamas đánh giá cuộc can thiệp quân sự của Israel chắc chắn sẽ không thể kết thúc bằng một cuộc chiến trên bộ. Họ hi vọng rằng, giống như lực lượng Hezbollah ở Li-băng năm 2006, chỉ cần sống sót trong cuộc tàn sát của Israel là họ đã đại thắng về mặt chính trị. Còn phía Israel lại hi vọng cuộc tấn công của họ sẽ gây đổ máu lớn cho Hamas, khiến phong trào này phải đặt ưu tiên sống sót lên trên mục tiêu buộc Israel ngừng phong tỏa kinh tế Gaza. Và theo các nhà phân tích sẽ có thêm hàng trăm người nữa thiệt mạng trong những tuần tiếp theo khi hai bên tìm kiếm chiến thắng trong cuộc chiến “ý chí” đó.

 

Cuộc xung đột mới sẽ củng cố cho các lực lượng cực hữu trên chính trường Israel và kết thúc các cuộc đàm phán hòa bình phần lớn mang tính biểu tượng do chính quyền Bush làm “nhạc trưởng” giữa Israel và Tổng thống Abbas.

 

Vì vậy, khi ngồi vào bàn làm việc tại Phòng Bầu dục vào tháng 1 này, Tổng thống Obama sẽ được thừa hưởng hàng loạt thất bại của chính quyền Bush đối với vấn đề Hamas ở Gaza và cần phải có ý tưởng mới ngay lập tức.

 

Theo DanTri