Thị trường bất động sản Thượng Hải (Trung Quốc): Đối mặt với sự trì trệ
Các Website khác - 09/10/2005
Thị trường bất động sản Thượng Hải (Trung Quốc):
Đối mặt với sự trì trệ

Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) của Việt Nam gần như đóng băng hoàn toàn trong hơn một năm qua thì thị trường BĐS của Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đang chững lại do những quy định thuế mới nhằm chống nạn đầu cơ. Không chỉ các nhà đầu tư và các ngân hàng nhỏ chủ yếu dựa trên các khoản cho vay thế chấp bị lao đao, mà cả nền kinh tế của đất nước này cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bước ngoặt

Một trong nhiều khu chung cư mới
được xây dựng ở Thượng Hải.
Sáu tháng trước, Thượng Hải (TH) có thị trường BĐS nóng nhất thế giới. Những người Trung Hoa giàu có từ trong và ngoài nước háo hức rót tiền vào các phi vụ làm ăn mới tại thành phố năng động nhất trong nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới này (ảnh). Thậm chí cả người nước ngoài cũng nhảy vào cuộc: Hãng đầu tư và chứng khoán Morgan Stanley (Mỹ) đã chi tới 90 triệu USD cho các giao dịch BĐS, còn các công dân Mỹ thì ném những đồng đôla vào các căn hộ hay biệt thự ở TH. Dường như cả thế giới đã muốn tham gia vào cuộc chơi đó. Từ 2002 trở đi, giá BĐS ở đây đã tăng 30% /năm. Nhiều nhà đầu cơ mua và ngay lập tức bán các căn hộ trong thời gian một vài tuần, thậm chí... 1 ngày.

Nhưng hiện nay, tình hình đã đảo ngược hoàn toàn. Nhà kinh doanh bất động sản Anthony Ip nhớ lại, đã có thời các nhà đầu tư phát triển tỏ ra bực bội nếu anh ta dám thảo luận về giá cả của một BĐS mới. Thế mà nay chính họ lại đưa ra rất nhiều chiêu khuyến mại hấp dẫn như chỗ đậu xe miễn phí, thẻ hội viên câu lạc bộ, thậm chí xe hơi. Không chỉ các căn hộ cao cấp giảm giá tới 30%, mà số lượng giao dịch cũng suy giảm trầm trọng - tới 70%, Ip và các nhà kinh doanh BĐS khác cho biết.

Thượng Hải phải chịu ngay tác động từ nỗ lực của chính phủ nhằm làm dịu tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nóng. Năm ngoái, do việc vay tiền để mua ôtô đối với người tiêu dùng trở nên khó khăn hơn nhiều, kết quả là thị trường ôtô bị suy giảm trầm trọng. Nay đến lượt thị trường BĐS. Kể từ tháng 6 vừa qua, khi chính quyền Thượng Hải ban hành một loạt thuế đối với các giao dịch BĐS để kiểm soát nạn đầu cơ, giá cả đã hạ nhiệt.

Hậu quả
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Theo Dong Tao - nhà kinh tế của Credit Suisse First Boston, tình hình sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Với tính toán của ông, các tài khoản thế chấp chiếm tới 40-50% tổng số tiền mà các ngân hàng ở TH cho vay, còn các tài khoản cho vay để đầu tư BĐS ở TH chiếm tới 1/5 tổng số thế chấp trên toàn quốc. Sự sụp đổ của thị trường BĐS có thể giáng những đòn chí tử vào các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc. Hơn nữa, sự đổ vỡ này có thể có hậu quả dây chuyền. "Nó tác động đến những ngành công nghiệp và dịch vụ khác như công nghiệp vật liệu và công nghiệp điện tử, ngành bảo hiểm và thế chấp. Nó cũng là nguồn thu ngân sách quan trọng. Nếu con tàu BĐS của TH bị đắm, đó sẽ là nguy cơ to lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc và thị trường toàn cầu". - Dong nói.

Trong nội bộ thành phố, thị trường BĐS đóng băng đã làm nền kinh tế trở nên kém sôi động. Khoảng 4.000 trung tâm môi giới BĐS nhỏ đã phải đóng cửa trong 3 tháng qua. Những người đầu cơ bị mắc kẹt với các ngôi nhà trống rỗng không người ở và các khoản nợ ngân hàng khổng lồ. Nhiều nhà đầu tư phát triển đang tìm mọi cách để cám dỗ người mua. Trước đây, các căn hộ được bán ra mới ở dạng thô, người mua phải tự hoàn thiện nội thất và các trang thiết bị. Còn nay họ mời chào các căn hộ hoàn thiện có đầy đủ trang thiết bị bếp và phòng tắm, điều hoà không khí, thậm chí cả đồ gỗ. "Đó là một cuộc cạnh tranh khốc liệt" - Timothy Addison, Giám đốc tài chính và phát triển của hãng Shui On Land Ltd, nói. Ông ta đang rao bán căn hộ tại Khu Rainbow City với giá 1.840USD/m2, trong khi giá hồi tháng 3 là 2.215USD.

Nhưng cũng giống như bất kỳ một cuộc phá sản nào, người mua thường chờ cho giá xuống thấp hơn, trong khi người bán không muốn tiếp tục hạ giá. Và do vậy họ khó lòng gặp nhau. Alan Zhang - Giám đốc điều hành của AnJia Group, công ty chuyên cung cấp dịch vụ thế chấp ở TH - cho biết, việc kinh doanh của công ty ông đã sụt giảm tới 80% trong vài tháng qua.

Ai sẽ là người chịu thiệt hại nhiều nhất? Đa phần giới quan sát cho rằng đó chính là các nhà đầu tư phát triển, những người sẽ giữ giá cho đến khi thị trường khởi động trở lại. Bởi ngay trước thời điểm thị trường BĐS suy sụp, lợi nhuận của họ đã sụt giảm mạnh do giá vật liệu như thép, ximăng và nhôm tăng cao và giá đất cũng tăng vọt từ tháng 6.2003 khi chính phủ ban hành quy trình đấu giá đất công..., làm giá thành bất động sản đội lên nhiều.

Dấu hiệu khả quan
Một số người lạc quan cho rằng, về lâu dài thị trường BĐS của TH vẫn tiếp tục có tương lai. Thành phố 20 triệu dân này hiện đang thu hút dân nhập cư trên toàn quốc, và là điểm đến hấp dẫn của các công ty nước ngoài. Tim Grady - Giám đốc điều hành của Morgan Stanley Real Estate Fund khu vực Châu AÁ - Thái Bình dương - nói: "Thị trường hiện nay đang trầm lắng. Nhưng chúng tôi tin rằng, về lâu dài nó sẽ sôi động trở lại do quá trình đô thị hoá hiện vẫn đang diễn ra mạnh mẽ".

Và bất chấp sự suy sụp của thị trường BĐS trong thời gian qua, cuối tháng 9 vừa rồi một luật sư Mỹ giấu tên đã trả gần 1 triệu USD để mua một biệt thự 700m2. Theo ông, "đây là cơ hội tốt để mua BĐS". Liệu những người khác có làm theo? Thông thường tháng 10 là tháng mà thị trường BĐS ở TH sôi động khi nhiều người sử dụng Tuần lễ vàng để săn tìm nhà. Nhưng nếu điều đó không xảy ra trong năm nay, chính phủ có thể bắt đầu đưa ra những giải pháp để lấy lại lòng tin cho thị trường. "Nếu giá sụt quá 30%, giá trị của những tài sản thế chấp sẽ bị suy giảm nặng nề - Kenneth Tse, chuyên gia BĐS của Morgan Stanley, nói - Đó không phải là điều mà chính phủ mong muốn". Hoàng Giang (Theo Business Week)