Thomas O'Dore - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội: Tiếng nói ủng hộ PNTR cho VN gia tăng tại Washington "Sự ủng hộ của doanh nghiệp (DN) Mỹ sẽ góp phần quan trọng trong việc vận động chính giới Mỹ trao Quy chế Bình thường hoá thương mại vĩnh viễn (PNTR) cho VN. Thách thức của VN hiện nay là phải chạy đua với thời gian để có được quy chế này vào trước tháng 8" - ông Thomas O'Dore (ảnh) trả lời PV Báo Lao Động. - Liên minh các DN Mỹ ủng hộ VN đã có kế hoạch rất cụ thể, đặc biệt là chiến dịch vận động chính giới Mỹ. Tiếng nói của DN Mỹ là một yếu tố quan trọng để Quốc hội Mỹ phải xem xét PNTR cho VN. Nếu sự ủng hộ chỉ dừng ở mức riêng lẻ từng công ty thì không tạo được tiếng vang lớn. Nhưng khi những tiếng nói đó được tập trung trong liên minh, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn và lan xa trong chính giới Mỹ. Số DN Mỹ gia nhập liên minh đang tăng hằng ngày và tới nay đã có hơn 100 thành viên đăng ký. Rất nhiều công ty chưa làm ăn với VN, nhưng nhìn thấy cơ hội tiềm năng tại thị trường này, cũng xin gia nhập. Điều đó cho thấy, những tiếng nói ủng hộ VN đang ngày càng tăng tại Washington. AmCham tại VN cũng sẽ cử một phái đoàn về Washington vào đầu tháng 6 để vận động cho VN. ´ Theo ông, yếu tố nào có thể ảnh hưởng tới lộ trình trao PNTR cho VN? - Thách thức lớn nhất là thời gian, bởi VN chỉ còn 2 tháng để vận động Quốc hội Mỹ. Đây thực sự là vấn đề khó khăn nhất. Tất nhiên, có một số ý kiến chống đối VN về mặt chính trị trong Quốc hội Mỹ, nhưng nó không đủ sức mạnh để ảnh hưởng đến quyết định của Quốc hội Mỹ. Điều kiện quan trọng nhất để xem xét trao PNTR là nó có đáp ứng lợi ích của các DN Mỹ. Vì vậy, khi VN đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi và hầu khắp của giới DN Mỹ thì việc được trao PNTR là điều trong tầm tay. ´ Ông nhìn nhận thế nào về việc Mỹ đưa ra thời hạn 12 năm đối xử với VN như nền kinh tế phi thị trường? - Một quốc gia muốn trở thành nền kinh tế thị trường cần phải thúc đẩy và mở rộng số lượng người tiêu dùng. VN phải tạo ra một xã hội tiêu dùng lớn hơn. Tôi nghĩ, để làm được điều đó VN cần có một khoảng thời gian chuyển đổi. 12 năm là một chặng đường dài, nhưng đó đã là một thắng lợi của VN so với thời hạn 15 năm của Trung Quốc. ´ Lời khuyên của ông để VN hội nhập WTO thành công? - Hãy tận hưởng cảm giác "cạnh tranh và được cạnh tranh". Người tiêu dùng sẽ là đối tượng đầu tiên hưởng lợi từ cạnh tranh. Cạnh tranh sẽ giúp rèn luyện kỹ năng và sự nhạy bén cho các DN VN bước vào thương trường quốc tế. Bên cạnh đó, VN cần nỗ lực trong việc thực hiện những điều khoản WTO đã cam kết. VN không chỉ cần thông qua các đạo luật, mà phải thực thi chúng một cách hiệu quả, nhất là trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. ´ Dư luận VN đang nhìn vào sự tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc (TQ) để kỳ vọng cho sự khởi sắc của nền kinh tế VN thời hậu WTO. Ông nghĩ sao? - Cả thế giới đều nhìn về TQ như một hiện tượng cho sự tăng trưởng kinh tế. Tôi tin chắc rằng, hội nhập WTO sẽ giúp cải thiện nhanh chóng nền kinh tế VN và nâng cao mức sống của người dân. Nhưng WTO cũng có thể ví như con dao hai lưỡi: Mặt tích cực là tăng trưởng kinh tế và tiêu cực là làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội. Ví dụ như nền kinh tế TQ đang tận hưởng lợi ích từ thặng dư thương mại với nhiều nước, trong đó có Mỹ, EU. Nhưng điều đó cũng khiến nước này chịu sức ép chính trị rất lớn. Bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, đang gây ra nhiều vấn đề xã hội tại TQ. Tôi nghĩ, đây cũng sẽ là thách thức không tránh khỏi đối với VN. - Xin cảm ơn ông! Phương Thuỷ thực hiện |
▪ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phải dời địa điểm vì bão (16/05/2006)
▪ Trẻ em dưới 2 tuổi có kênh truyền hình riêng (16/05/2006)
▪ Thượng nghị sĩ Edward Kennedy thoát hiểm (16/05/2006)
▪ Ăn trộm bị mắc trong ống khói (15/05/2006)
▪ Quá trình bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt gần như hoàn tất (16/05/2006)
▪ Indonesia: Hàng nghìn người tránh xa núi lửa (15/05/2006)
▪ Robin Hood thời hiện đại? (14/05/2006)
▪ Chất lượng giảm, học phí tăng (14/05/2006)
▪ Khoa học cho người nghèo (14/05/2006)
▪ Người Nhật phải đổi thói quen dùng đũa (15/05/2006)