Khoa học cho người nghèo Trong chương trình chia sẻ kiến thức khoa học với các cộng đồng nông thôn, 2.000 nhà khoa học Trung Quốc (TQ) đã được cử về các địa phương công tác trong thời gian 2 năm. Với những kiến thức chuyên môn của mình, họ đã góp phần quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Một công đôi việc
Li Jun - cán bộ Viện Hải Dương học Thanh Đảo - là một người trong số đó. Khi ông đến Putian, vùng bờ biển của nó bị ô nhiễm trầm trọng bởi các trang trại nuôi cá và tôm. Nghề nuôi thuỷ sản ở đó phát triển đến mức hải sản giá rẻ trở nên quá dư thừa - một tin tốt lành cho người tiêu dùng, nhưng lại là điều khủng khiếp đối với người nông dân. Li cho biết: "Khi đó tôi nghĩ đến Eucheuma, một loài rong biển tôi nghiên cứu lần đầu tiên ở đảo Hải Nam 20 năm trước". Eucheuma phát triển nhanh chóng, đồng thời hấp thu và khử các chất gây ô nhiễm. Nó có thể được sử dụng làm hồ dán và cũng có thể ăn được. Vấn đề đầu tiên của Li là làm thế nào để cây Eucheuma nhiệt đới phát triển được trong nước lạnh hơn ở vùng biển Putian. Với sự trợ giúp của các nhà khoa học của CAS, Li đã tạo ra một loài có thể mọc trong môi trường lạnh hơn. Năm 2003, sau một số thử nghiệm, một số ít nông dân địa phương quyết định trồng loại tảo này. Nó phát triển chậm hơn so với ở vùng biển ấm. Tuy nhiên, khi chế biến, chúng tạo ra nhiều hồ hơn, có nghĩa là mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người nông dân. Và người ta đổ xô đi trồng Eucheuma. Hiện nay, 500 nông dân mỗi người kiếm được khoảng 50.000 nhân dân tệ (6.211USD/1 năm) từ việc trồng loại tảo này - gấp 6 lần so với thu nhập của họ trước đây. Môi trường bờ biển của Putian nhờ loại cây này cũng đã được cải thiện đáng kể. Khoai tây đi trước Một nhà khoa học khác đã kéo dài thời gian ở địa phương là Zeng Fuping, nhà sinh thái nông nghiệp. Năm 1994, Zeng rời Viện Nông nghiệp cận nhiệt đới ở Changsha để làm việc ở Huanjiang tại vùng tự trị Quảng Tây. Ông đã làm việc 4 nhiệm kỳ trong chính quyền địa phương để giúp người dân chống lại đói nghèo. Năm 1998, ông đã được bầu làm Phó Thị trưởng Huanjiang do có công ổn định cuộc sống cho 60.000 người nhập cư đến từ các vùng núi cằn cỗi và giúp họ thích nghi với môi trường mới. Zeng đề xuất trồng cây ăn quả, vì nó đòi hỏi ít đất hơn trồng lúa và giúp ổn định cho lớp đất mỏng. Tuy nhiên, những cây này phải mất 3 năm mới cho trái. Do vậy, cùng với nhóm các nhà khoa học từ VNC của mình, Zeng bắt đầu dạy những người nhập cư cách trồng khoai tây - loại cây họ chưa từng thấy bao giờ. Lúc đầu, nhiều người không dám ăn loại củ này nên ông đã học nhiều cách nấu khoai tây khác nhau rồi đi từ làng này sang làng khác mời người dân ăn thử. Khi những người nông dân đã từng bước ổn định đời sống trên cao nguyên Huanjiang, Zeng cũng đã trở thành đầu bếp nấu khoai tây giỏi. Đến nay những vườn cây ăn quả đã cho trái và góp phần làm tăng thu nhập bình quân hàng năm của người nông dân từ mức 37USD năm 1994 lên đến 200USD hiện nay. Những khó khăn Tuy nhiên, không phải bất cứ nhà khoa học nào cũng hài lòng với chức vụ mới của mình. Chương trình này đã trở thành chương trình tình nguyện từ năm 2005, nhưng trong 20 năm trước, mỗi VNC và trung tâm nghiên cứu của CAS đều được phân bổ chỉ tiêu cử 3 nhà khoa học đến các chính quyền địa phương hay các Cty sở hữu nhà nước trong 2 hoặc 3 năm. Phần lớn các nhà khoa học được cử đi có liên quan đến nghiên cứu của mình cũng như tự nguyện tham gia. Nhưng cũng không ít người đã trở nên dư thừa trong môi trường lao động nông nghiệp. Một số người còn phẫn nộ đã không thể hiện được năng lực của mình. Li thừa nhận không phải nhà khoa học nào cũng làm tốt, nhất là tại các tỉnh rất nghèo ở phía tây. Ngoài ra sự thành công của chương trình này còn phụ thuộc vào chính quyền địa phương có tạo điều kiện và khuyến khích các nhà khoa học làm việc không. Một vấn đề khác mà các nhà khoa học gặp phải là họ khó lòng quay trở lại vị trí cũ ở VNC do vị trí của họ đã có người khác thay thế - Zhang Keren cho biết. Ông đề xuất các viện phải để các nhà khoa học trở về có thời gian chuyển tiếp ổn định và được trợ giúp về tài chính để phục hồi những nghiên cứu của họ. Kỳ Phong (Theo SciDev) |
▪ Robin Hood thời hiện đại? (14/05/2006)
▪ Chất lượng giảm, học phí tăng (14/05/2006)
▪ Cảnh sát Malaysia điều tra vụ bán đấu giá phụ nữ Việt Nam (13/05/2006)
▪ Tin vắn quốc tế ngày 13.5.2006 (13/05/2006)
▪ Ông Bush lại gặp rắc rối về vụ cho phép nghe trộm (13/05/2006)
▪ Nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-suk bị truy tố (13/05/2006)
▪ Giải thưởng môi trường dành cho một phụ nữ Peru can đảm (13/05/2006)
▪ 3 con tin ở Nigeria được trả tự do (13/05/2006)
▪ Sri Lanka: Cơ hội hoà đàm càng xa vời (13/05/2006)
▪ Quả bom dư luận lại bị kích nổ (13/05/2006)