Trung Quốc: Vụ rò rỉ benzene thứ hai
Các Website khác - 26/11/2005
Trung Quốc: Vụ rò rỉ benzene thứ hai

Trong khi giới chức Cáp Nhĩ Tân đang lo lắng đối phó với vụ ô nhiễm nguồn nước có chứa chất độc benzene do vụ nổ nhà máy hoá dầu ở tỉnh Cát Lâm ngày 13.11 gây ra, thì hôm 24.11 lại có thêm một vụ nổ tại nhà máy hoá chất của Công ty Yingte ở Trùng Khánh.

Người dân Cáp Nhĩ Tân
phải dùng nước từ nơi khác
mang tới.
Hoạ vô đơn chí

Vụ nổ mới nhất xảy ra trưa 24.11 tại một nhà máy trực thuộc Công ty hoá chất Yingte ở hạt Dianjiang, thành phố Trùng Khánh khiến 1 người chết, 3 người bị thương. Theo kết quả điều tra ban đầu, nguyên nhân vụ nổ là do chất hydrogen peroxide bị tích tụ. Sự cố trên khiến cho các trường học gần nhà máy đã phải đóng cửa.

Vụ việc xảy ra khi các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực đối phó với thảm hoạ tràn 100 tấn chất độc benzene vào sông Tùng Hoa, sau vụ nổ nhà máy hoá chất ở Cát Lâm hôm 13.11. Hiện tại, cuộc sống của 9 triệu dân thành phố Cáp Nhĩ Tân đang bị đảo lộn vì nguồn cung cấp nước chính cho thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sáng 24.11, dòng nước sánh đặc hoá chất từ thượng nguồn đã bắt đầu chảy vào thành phố.

Rút kinh nghiệm về cách phản ứng chậm chạp và thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin và xử lý ô nhiễm ở Cáp Nhĩ Tân, chính quyền Dianjiang hôm 24.11 đã cảnh báo người dân ở quanh các con suối cảnh giác với hiện tượng ngộ độc chất benzene, có thể dẫn tới chứng thiếu máu, tổn thương thận, gan.

Nga tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Theo ông Zhang Lijun, Cục phó Cục Bảo vệ môi trường Trung Quốc (SEPA), với tốc độ dòng chảy như hiện nay thì phải mất ít nhất 40 tiếng đồng hồ, dòng nước bị ô nhiễm dài 80km mới chảy qua Cáp Nhĩ Tân và dự kiến sẽ tràn vào sông Hắc Long Giang ở biên giới Nga - Trung (phía Nga gọi là sông Amur) trong 14 ngày nữa.

Ngày 24.11, Trung Quốc đã cảnh báo Nga về việc dòng nước độc đang chảy về phía biên giới. Trung Quốc cam kết sẽ làm hết sức mình để giảm thiểu những ảnh hưởng từ vụ ô nhiễm sang nước láng giềng Nga. Ông Zhang cho biết, Trung Quốc và Nga đã thiết lập đường dây nóng để giám sát sự cố này.

Hôm 24.11, tỉnh Khabarovsk ở vùng Viễn Đông, Nga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Các quan chức Nga hiện đã bắt đầu xét nghiệm nước ở sông Amur, nguồn cung cấp nước chính cho 1,5 triệu dân ở tỉnh Khabarovsk. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết, hệ thống cung cấp nước ở Khabarovsk cũng sẽ ngừng hoạt động trong 3 ngày. Người dân ở đây đang bắt đầu lo lắng trữ nước đóng chai, khiến cho chính quyền địa phương phải ra lệnh tăng nguồn cung khẩn cấp.

Tại Cáp Nhĩ Tân, các chuyên gia môi trường cũng đang phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp để cải thiện tình trạng thiếu nước bằng cách mua nước đóng chai từ các địa phương khác, khai thác triệt để nguồn nước ngầm và khoan thêm khoảng 100 giếng mới. Theo các chuyên gia, vết ô nhiễm dài 80km đã ngày càng loãng hơn. Hiện carbon hoạt tính đang được dùng để xử lý nước ô nhiễm.

TR.M (Theo Tân Hoa xã, AFP)