Vực thẳm đói nghèo ở Châu Á
Trong 25 năm qua, Châu Á đã và đang phát triển với tốc độ khá ấn tượng. Nhưng điều đó không hề làm dịu bớt, mà thậm chí còn gia tăng sự phân hoá xã hội vốn khá sâu sắc trong khu vực. Trái ngược với cảm nhận của nhiều người, Châu Á là nơi có nhiều người nghèo nhất trên thế giới (hơn cả Châu Phi) với 1,9 tỉ người sống dưới mức nghèo khổ; cũng là nơi 7/10 số người trên thế giới có mức sống dưới 1USD/ngày (khoảng 700 triệu người).  | Cảnh thường gặp ở các vùng quê Ấn Độ. | Với tư cách chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ở Busan, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun đã có ý định đưa vấn đề đói nghèo tại Châu Á thành điểm nhấn của chương trình nghị sự. Dường như ông muốn thuyết phục mọi người rằng, thị trường tự do và mở cửa thị trường không làm giảm mà ngược lại, gia tăng tình trạng đói nghèo. "Càng cố tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện, sự phân hoá xã hội càng có xu hướng tăng lên" - Ông cảnh báo.
Tuyên bố của Roh dường như đối nghịch với những gì đang diễn ra ở Châu Á. Những cuộc cải cách ở Trung Quốc chẳng đã nâng cao đời sống của hàng trăm triệu người dân đang trên bờ vực của đói nghèo chỉ trong vòng 25 năm - thành tích mà hiện Ấn Độ đang muốn theo đuổi - đó sao? Các nước công nghiệp mới trong khu vực (trong đó có cả Hàn Quốc) chẳng thuộc về những xã hội tiêu dùng năng động nhất thế giới hay sao? Chắc chắn rồi! Tuy nhiên, theo Haruhiko Kuroda - Chủ tịch ADB, "tỉ lệ những người nghèo khổ ở Châu Á - Thái Bình Dương đang ở mức báo động. Khu vực này có nhiều người thiếu đói, nhiều người sống trong các khu ổ chuột và nhiều người không được dùng nước sạch và các hệ thống vệ sinh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới".
 | Quá nhiều người Ấn Độ sống trong cảnh bần hàn. | Về số lượng, 7/10 số người nghèo trên thế giới với mức sống dưới 1USD/ngày (khoảng 700 triệu người) là của Châu Á, 1,9 tỉ người Châu Á sống dưới mức nghèo khổ. Nói cách khác, số người nghèo của Châu Á hiện đã vượt quá tổng số dân của khu vực này hồi cuối Chiến tranh Thế giới II. Điều đáng buồn là sự thật này thường bị lu mờ bởi những chiến dịch cứu đói và giảm nợ cho Châu Phi.
"Chúng tôi không nói rằng việc giải quyết vấn đề đói nghèo tại tiểu vùng Sahara của Châu Phi là không quan trọng - Roy Prosterman, Chủ tịch danh dự của Viện Nghiên cứu Phát triển Nông thôn Seattle, nói - Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, số người nghèo sống dưới mức 1 hay 2USD/ngày ở Châu Á nhiều hơn so với ở Châu Phi". Chỉ riêng Ấn Độ đã có ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số nghèo của Châu Á. Hiện nước này có số người nghèo nhiều nhất thế giới (khoảng 300 triệu người Ấn Độ có mức sống dưới 1USD/ngày). Vùng ngoại vi Dharavi của Mumbai có lẽ là khu ổ chuột lớn nhất thế giới. Khu vực nông thôn, nơi cư trú của 70% dân số nước này không hề thay đổi trong nhiều thế kỷ. 1/3 làng mạc không có nước sạch. 50% trẻ em trên toàn quốc thiếu đói, một tỉ lệ còn cao hơn tiểu vùng Sahara ở Châu Phi.
Còn tại Trung Quốc, cuộc chiến chống đói nghèo của nước này là một ví dụ sống động về sự chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Vào đầu những năm 1980, sau khi phá bỏ mô hình hợp tác xã, đời sống của người nông dân đã được cải thiện nhanh chóng. Nhưng điều đó chẳng kéo dài được bao lâu - và trong vòng 2 thập kỷ qua, thu nhập của nông dân Trung Quốc đã và đang bị đình trệ. Năm 1987, tỉ lệ thu nhập bình quân đô thị - nông thôn là 1,8:1, nhưng hiện nay tỉ lệ đó đã là 3,2:1 và vẫn đang tăng lên. Lý do chủ yếu là sự phát triển không đồng đều tại khu vực đô thị và nông thôn. Trong khi các thành phố lớn vùng duyên hải giàu lên nhanh chóng nhờ công nghiệp hoá ồ ạt thì tại các miền quê, người dân được hưởng lợi rất ít từ những thành tựu của công cuộc đổi mới. Việc quản lý cung và cầu trong nông nghiệp khá yếu kém làm người nông dân chao đảo trong vòng quay của các chu trình thừa - thiếu nông sản.
Trong bối cảnh hiện nay, không thể nhanh chóng giải quyết vấn đề bất bình đẳng ở Châu Á, mà đòi hỏi các quốc gia phải có đối sách lâu dài. Nhưng dù sao, Roh - lãnh tụ của một trong những nước giàu nhất Châu Á - đã làm được một việc quan trọng khi gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề đói nghèo của khu vực. Ông cho biết: "Tôi muốn hướng chú ý vào sự phân hoá xã hội vốn khá phổ biến trong các quốc gia cũng như giữa quốc gia này với quốc gia khác. Và tôi muốn đề xuất một nỗ lực chung để làm dịu bớt sự phân hoá đó". Hoàng Giang (Theo Newsweek)
|