Italia, "ngài" đã quá già
Các Website khác - 09/04/2006
Italia, "ngài" đã quá già

Trương Anh Ngọc
Chỉ cần nhìn vào đội hình ra sân trong 2 trận Arsenal-Juvetus là có thể hiểu được một phần, tại sao Juve thua đội bóng của London. Tuổi trẻ đánh bại tuổi già. Mùa xuân thay thế cho mùa đông. Tư tưởng cách tân vượt trội bảo thủ.

Sự già nua là một nguyên nhân khiến Juve thất bại.
Ở London, trong trận lượt đi, cứ mỗi khi Arsenal tăng tốc và đột ngột thay đổi nhịp độ, là Juve chỉ biết thở bằng tai. Ở Torino, trong trận lượt về, đội Arsenal trẻ trung ấy thậm chí chẳng thèm tấn công, nhưng Juve già nua và mệt mỏi vẫn không làm cách nào để ghi nổi dù chỉ một bàn. Sự thật trần trụi: Nếu một Juve mạnh mẽ và ngạo nghễ đến thế ở Serie A bị những chú bé con Arsenal bắt nạt, thì cái gọi là kinh nghiệm hay sự vượt trội về đẳng cấp chỉ là những điều vô nghĩa nhất.

Những chiến trường đỉnh cao và dài hơi luôn đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhưng thất bại của người Italia, ở đây là Juve, Inter và sau nữa, có thể cả Milan, là điều có thể nhìn thấy trước. Họ vẫn chơi một thứ bóng đá hấp dẫn, có những ngôi sao lớn, nhưng họ không nhiều sức lực như đối phương. Năm 1995, khi Ajax đánh bại Milan trong trận chung kết Champions League, họ còn trẻ hơn Arsenal hiện tại nhiều.

Năm 1996, khi Juve VĐ Champions League lần gần nhất, tuổi trung bình của họ chỉ là 26,8. Bây giờ là 28,46. Năm 1995, Juve quyết định không gia hạn hợp đồng với Roberto Baggio đã 29 tuổi, vì họ đã có Del Piero mới 21. 11 năm sau, ngôi sao lớn nhất mà Juve ký vào mùa hè là Vieira đã 29 tuổi và đã sụp đổ đúng lúc Juve cần anh nhất cho chiến dịch Châu Âu.

Hình ảnh biểu tượng của thất bại là việc Vieira ngã gục trước kẻ thay thế anh, Fabregas, 11 tuổi ít hơn. Vụ Fabregas là một bằng chứng điển hình cho thấy sự già cỗi đã giết chết các đội bóng Italia. Đúng là Milan có những người trẻ như Kaka hay Gilardino, Juve có Ibrahimovic, Inter có Martins, nhưng điều đó không thể biện hộ rằng, niềm tin của các CLB lớn Italia vào các cầu thủ trẻ, đặc biệt là những người do chính họ đào tạo, đã chết. Ở Milan, người cuối cùng như vậy, Albertini, mới treo giày. Inter có một đội trẻ đáng khen ngợi, vừa giành được Cúp các đội trẻ, nhưng kể từ 10 năm nay, sau thế hệ Zenga, Bergomi và Ferri, không còn ai trong số họ đáng tin cậy. Còn Juve? Người cuối cùng nổi lên từ đội trẻ của họ là Bettega, cách đây... 30 năm.

Các đội bóng Italia được lập ra không phải cho những chiến thắng trong tương lai, mà cho hôm qua, và có thể, hôm nay. Dĩ nhiên, các CĐV không thể chờ các CLB lớn 3-4 năm để có một danh hiệu, khi các cầu thủ trẻ lớn lên. Nhưng việc không chấp nhận trẻ hoá là dấu hiệu đáng ngại. Trong số 8 đội vào tứ kết Champions League, Arsenal trẻ nhất, tuổi trung bình 25,58; tiếp theo là Villarreal 27,1; Benfica 27,36; Barcelona 27,46. Ba đại gia Italia có tuổi trung bình cao nhất, Juve 28,46; Inter 29,07; Milan 30,49

Người Italia luôn nói họ cần những chiến binh có kinh nghiệm và bản lĩnh, cần sự pha trộn kinh nghiệm và tuổi trẻ, nhưng sự thật là vì sức ép chiến thắng, họ không có đủ can đảm để cho nhiều cầu thủ trẻ cơ hội thể hiện. Năm tháng qua đi, 3 đại gia Italia vẫn chiến đấu trên mặt trận Châu Âu với hầu hết những gương mặt ấy, mỗi năm lên một tuổi. Trong khi ấy, làn sóng trẻ trung tràn ngập trên đất Châu Âu không nói tiếng Italia. Barcelona có Messi, 18 tuổi - một viên ngọc, cũng như Iniesta, 21 tuổi. Arsenal là bài học thực sự. Wenger không chỉ bị cả Châu Âu săn đuổi, mà các cầu thủ trẻ của ông cũng vậy. Trong số 34 cầu thủ đội hình 1 của ông, có đến 9 người từ 15 đến 17 tuổi, với những tài năng trẻ như Fabregas, mới 18 tuổi, hay Senderos, trưởng thành từ Giải VĐTG U17, hoặc chính một người Italia có tên Lupoli, 17 tuổi. Lyon có một đội hình trẻ đáng thèm muốn với Cris, Diarra, Reveillere, Ben Arfa hay Clement. Mỗi năm, những đại gia Châu Âu có thêm một hai cầu thủ trẻ tài năng, 3 đại gia đại diện cho Italia thì không. Mùa xuân ở đâu đó trên đất Châu Âu, nhưng tuyết mùa đông già cỗi vẫn chưa tan hết ở Italia.

11 năm sau trận CK thảm họa ở Vienna trước Ajax, Milan vẫn thế. Dù trong 4 năm qua, không một CLB nào vào bán kết Champions League nhiều như họ (3 lần), nhưng đội hình vô địch năm 2003 vẫn còn hầu như nguyên vẹn, và những nhân tố bổ sung cũng khá cao tuổi. Sự sụp đổ về thể lực trong giai đoạn chót của mùa giải trước từ hàng thủ có tuổi tổng cộng lên tới 139 nghiến răng thi đấu khiến Milan mất cả Scudetto lẫn Champions League. Mùa này, Milan vẫn chơi tốt, nhưng không lấy gì đảm bảo rằng sự sụp đổ ấy không tiếp diễn, khi tuổi trung bình hiện tại của Milan còn cao hơn mùa trước. Mùa bóng càng kéo dài, nguy cơ thất bại càng cao vì tuổi tác, vì khát khao chiến đấu, thể hiện và chinh phục không còn như lớp trẻ. Dĩ nhiên, Juve và Inter bị loại vì nhiều lý do khác nữa, nhưng tuổi tác là một nguyên nhân.

Cứ cho là Milan sẽ đánh bại Barcelona để vào chung kết mùa này với Arsenal (xin lỗi các CĐV của Barca và Villarreal). Đó có thể sẽ là sự lặp lại của trận chung kết năm 1995. Sẽ có một cuộc đối đầu giữa Costacurta và Fabregas. Costacurta đã bước sang tuổi 40, và vừa được Milan gia hạn hợp đồng thêm một năm nữa! Ngày anh đá trận đầu tiên ở Serie A, thậm chí Fabregas còn chưa sinh ra. Khi ấy, nếu Costacurta thắng, đó còn hơn một điều thần kỳ!