Nghỉ thi đấu vì chấn thương, điều các vận động viên căm ghét, thực tế có thể khiến họ trở nên mạnh mẽ và ổn định hơn! Với ai đó, chấn thương khiến họ buông xuôi, nhưng với những nhà vô địch “đích thực” như Clijsters, Armstrong, Ronaldo... khó khăn chỉ càng làm tăng bản năng chiến đấu và chiến thắng
Không phải là nạn nhân duy nhất
Điều duy nhất Pierce có thể tự an ủi là cô chẳng phải người duy nhất “bé cái nhầm”! Cũng như Nadal bị James Blake (từng tưởng đã gác vợt) loại tại US Open 2005, thủ môn Kahn bị Ronaldo đánh bại tại chung kết World Cup 2002 hay hàng trăm tay đua liên tiếp bị Armstrong tra tấn bảy năm qua tại vòng đua nước Pháp, tất cả họ đều là “nạn nhân” hiện tượng: Một số nhà vô địch càng trở nên mạnh mẽ, xuất sắc hơn sau đợt nghỉ dài hạn do điều trị chấn thương!
Đầu tiên, giới chuyên môn ghi nhận kỳ tích Armstrong. Sau khi bị đẩy đến sát bờ vực thẳm bởi căn bệnh ung thư tinh hoàn, chỉ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nhờ vào phẫu thuật kịp lúc và điều trị dài hạn, Lance Armstrong quay lại đường đua để rồi lập tức làm rúng động thể thao thế giới với bảy chiến thắng liên tục tại Tour de France, kỳ tích đưa anh trở thành “vua” xe đạp của lịch sử.
Kế tiếp là Ronaldo. “Chàng béo” tưởng chừng chia tay vĩnh viễn với thể thao bởi chấn thương dài hạn sau World Cup 98. Nhưng đến World Cup 2002, chẳng ai tin vào mắt mình khi chứng kiến Ronaldo tung hoành ngang dọc, trở thành vua phá lưới với 8 bàn thắng. Đặc biệt hai bàn thắng ở trận chung kết đã đưa Ronaldo cùng Brazil trở thành vô địch thế giới lần thứ năm, điều anh không làm được trước khi chấn thương!
![]() |
Nghỉ thi đấu gần 1 năm, Clijsters thực hiện cuộc trở lại ấn tượng với chức vô địch Mỹ mở rộng 2005 |
Rồi Clijsters bốn lần liền thất bại ở chung kết Grand Slam, nhưng sau khi chữa trị chấn thương lập tức có danh hiệu Mỹ mở rộng đầu tiên. Đồng hương Henin sau chấn thương cũng trở thành vô địch Roland Garros. Quá nhiều sự trùng lặp để đơn giản giải thích bởi ngẫu nhiên! Giới chuyên môn đặt câu hỏi: Chuyện gì thực tế xảy ra trong quá trình điều trị chấn thương để sau đó nhiều vận động viên (VĐV) trở nên xuất sắc hơn?
Sinh hóa và tâm lý
Về mặt khoa học, tuy chưa được chứng minh, nhưng từng có lý thuyết của cựu HLV Ukraine V. Lobanovski nổi tiếng: Khi bị đẩy đến mức giới hạn, cơ thể VĐV có khả năng sản sinh vài hoóc-môn đặc biệt khiến sức chịu đựng của họ được nâng cao. Áp dụng vào thực tế, “Loba” tạo ra thế hệ cầu thủ Dynamo Kiev chạy như ngựa, chơi pressing cả trận không biết mệt.
Trong trường hợp Armstrong, các cuộc kiểm tra sinh hóa sau khi xạ trị và hóa trị cho thấy, lượng hấp thụ oxygen trong máu tăng đáng kể, còn lượng acid lactic trong cơ lại giảm rất nhiều so với VĐV thường, điều khiến Armstrong trên yên xe vừa mạnh mẽ vừa dẻo dai không tưởng. Phải chăng quá trị xạ - hóa trị đã “vô tình” biến Armstrong thành một X-men mới?
Tuy nhiên, lý do xác thực hơn có vẻ thuộc về lãnh vực tâm lý. Buộc phải nghỉ thi đấu để điều trị chấn thương, các VĐV có khoảng lặng quý giá để suy ngẫm, phân tích, ổn định tâm lý vốn thường bị đẩy đến căng thẳng cùng cực. Khoảng lặng đóng vai trò tích cực: Khi “tái xuất giang hồ”, họ có động cơ phấn đấu, thái độ cùng phong cách thi đấu ổn định, sắc sảo hơn. Những hoàn thiện dễ nhận thấy trong lối chơi Ronaldo, Henin, Clijsters: khôn ngoan hơn, ít bùng nổ nhưng hiệu quả và ổn định hơn.
Mà cũng có thể tất cả chỉ đóng vai trò phụ, yếu tố chính vẫn là con người! Với ai đó, chấn thương khiến họ buông xuôi, nhưng với những nhà vô địch “đích thực”, khó khăn chỉ càng làm tăng bản năng chiến đấu và chiến thắng. Cần bổ sung căn cứ khoa học, nhưng từ nay giới hâm mộ càng nên theo dõi những gương mặt thể thao lớn sau khi họ điều trị chấn thương dài hạn!
Lê Nhi
▪ Giải vô địch bóng đá U-17 thế giới (16/09/2005)
▪ Vòng 6 giải Premiership: Tâm điểm sân Anfield (16/09/2005)
▪ LG - Cúp TPHCM 2005: Chỉ là dịp cọ xát (15/09/2005)
▪ Về vụ Đông Á Pomina: "Hết khả năng lật ngược tình thế" (15/09/2005)
▪ Champions League: Làm quen với thất bại (15/09/2005)
▪ Giám đốc điều hành (15/09/2005)
▪ Dự án xây dựng trung tâm đào tạo trẻ: "Tay không bắt giặc" (16/09/2005)
▪ Chưa bàn chuyện hoãn V-League và giải hạng nhất 2006 (16/09/2005)
▪ Champions League: Ba người đáng nhớ (16/09/2005)
▪ Thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội tại Việt Nam: Thực và ảo (16/09/2005)