Thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội tại Việt Nam: Thực và ảo
Các Website khác - 16/09/2005
Thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội tại Việt Nam:
Thực và ảo

Nguyên Anh
Trong mấy ngày qua, người hâm mộ bóng đá quan tâm tới vụ chuyển nhượng trung vệ Duy Hoàng (đội Sông Đà - Nam Định). Ngoài ra, nhiều CLB bóng đá khác cũng đang lao vào cuộc "săn lùng" cầu thủ nội. Do chưa có những quy định chính thức nên rất nhiều CLB lúng túng trong việc định giá cầu thủ.

Cầu thủ Minh Phương.
Cách đây 3 mùa bóng, vụ tranh chấp giữa Gạch Đồng Tâm và Cảng Sài Gòn về cầu thủ Nguyễn Minh Phương đã mở ra một thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội và buộc các CLB phải chặt chẽ trong việc ký hợp đồng quản lý cầu thủ hơn. 400 triệu đồng mà phía Gạch Đồng Tâm trả cho Cảng Sài Gòn lúc ấy chỉ là cái giá tượng trưng, hơn là giá trị của một cầu thủ được chuyển từ CLB này sang CLB khác. Tương tự là giá chuyển nhượng Lê Quang Trãi mà Hoàng Anh Gia Lai phải trả cho phía Đồng Tháp, dù về lý Đồng Tháp ở thời điểm ấy chỉ có trả lương chứ không có hợp đồng ràng buộc nào với Quang Trãi. Sau hai vụ chuyển nhượng này, việc quản cầu thủ mới bắt đầu đi vào bài bản.

Chấn động nhất là sự kiện Trần Trường Giang của đội hạng nhất Tiền Giang về Bình Dương với giá 1 tỉ đồng. Đến lúc này thì nhiều CLB - hay nói đúng hơn là nhiều sở TDTT - giật mình nhận ra mình sở hữu những hũ vàng từ các cầu thủ mà nhiều CLB đang dòm ngó để mua.

Nghịch lý của bóng đá VN là lương của cầu thủ nội không cao bằng lương cầu thủ ngoại, nhưng giá chuyển nhượng thì rất vô chừng. Sự vô chừng ấy xuất phát từ mặt bằng cầu thủ nội không cao và không phong phú, đồng thời điều lệ của giải chuyên nghiệp không giới hạn cầu thủ nội. Thế nên quay trở lại với chuyện phải chi 400 triệu đồng để có Minh Phương vào thời điểm đầu mùa giải 2003 của Gạch Đồng Tâm, ai cũng nghĩ là lớn, nhưng thực chất đó là một giá quá rẻ so với mặt bằng cầu thủ nội.

Bây giờ để bắt một cầu thủ bỏ xứ (hay bỏ đội bóng cũ mà đi) như Minh Phương ngày nào là không thể, bởi luật chuyển nhượng và hợp đồng mà các CLB thực hiện rất chặt. Thế nên khi Thép Miền Nam cần một tiền vệ có vai trò tổ chức như Trung Kiên, nghe nói họ đã phải chấp nhận cái giá 1,2 tỉ. Nhiều người nói giá là do ông Đỗ Thanh Xuân (Giám đốc Sở TDTT Nam Định) hét và Thép - Cảng cần nên cắn răng mua và đã tạo nên cơn sốt ảo. Tuy nhiên, chính bên mua Kiên đã khẳng định giá chỉ là 600 triệu. Dẫu thế, nhiều người đã cho rằng Thép Miền Nam phá giá và tạo ra một tiền lệ cho hàng loạt cầu thủ tiếp theo như Duy Hoàng sau này được phía Nam Định hét lên đến 2 tỉ và tiếp theo là lò Sông Lam rao bán hàng loạt những lính trẻ với cái giá không dưới 10 con số.

Thực chất thì sự phá giá đầu tiên xuất phát từ việc Bình Dương mua Trường Giang với giá 1 tỉ. Một tỉ ấy thực chất không phải là giá thực mà là quan hệ giữa hai địa phương với nhau và nó mở đầu cho một chính sách hỗ trợ của hai sở TDTT mà Becamex là ông chủ chịu trách nhiệm phần chung chi. Trường Giang thực chất không được hưởng lợi gì từ thương vụ này ngoại trừ việc về Becamex, Giang được mức lương chuyên nghiệp lên trên 10 triệu.

Với Trung Kiên, cái giá được bên cung đưa ra để có tiền tái đầu tư vào bóng đá trẻ, vào cái trung tâm đào tạo và vào đủ thứ dịch vụ phí kèm theo, trong khi bên cầu thì có được một tiền vệ theo ý muốn cho chiến dịch và chiến lược của mình. Giám đốc điều hành Thép Miền Nam CSG Nguyễn Văn Hiệp cũng cho là không mắc. Nguyên do, để đào tạo được một cầu thủ như Trung Kiên phải tốn kém rất nhiều.

Giá trị của một cầu thủ được nuôi bằng tiền nhà nước, giờ đã được bán cho một đội bóng không thuộc nhà nước, nhưng cách tính thì ngày, tháng liệt kê để định giá một tài năng vẫn được cộng trừ theo những con số thông thường gộp lại.

Cái giá ấy đang nhảy múa theo phong trào giữa cung và cầu. Thậm chí là nó có thể rớt hơn cả giá vàng, bởi việc thẩm định giá trị thực thường là cảm tính hơn là một khung giá nhất định, theo kiểu mua - bán đúng chất với thị trường cầu thủ.
Ý kiến người trong cuộc

* Giám đốc điều hành TMN-CSG Nguyễn Văn Hiệp: Giá Trung Kiên chỉ 600 triệu đồng
Dư luận cứ đồn thổi thế, chứ không có chuyện TMN-CSG mua Trung Kiên đến 1,2 tỉ đồng đâu. Chính xác là 600 triệu thôi. Theo tôi, giá trung bình của một cầu thủ đá được hiện nay ở V-League chỉ ở mức 300 triệu, còn các cầu thủ trẻ ở giải hạng nhất, hạng nhì chỉ ở tầm 100 - 200 triệu. Nhưng việc các CLB có cầu thủ bán, phát những cái giá hàng tỉ cũng là chuyện thường thôi, mình phải quen dần với chuyện đó. Thuận mua vừa bán, thích thì mua, người ta có ép mình đâu.

* Giám đốc điều hành GĐT-LA Phạm Phú Hoà: Cần nhà môi giới được FIFA chấp nhận
Thị trường chuyển nhượng ở VN hiện nay chưa rõ ràng. Có một số CLB thuộc sở thường đưa ra những cái giá quá cao, không thể mua nổi, thực chất đó là một hình thức giữ chân cầu thủ. Trường hợp Duy Hoàng của SĐ-NĐ mà chúng tôi đang muốn mua cũng vậy. Họ đưa ra cái giá 1,5 tỉ đồng và yêu cầu phải trả lời trong vòng 1 tuần. Chúng tôi đã gửi công văn phúc đáp là chỉ có thể chấp nhận giá cao nhất là 500 triệu, nhưng đến giờ chưa thấy NĐ hồi âm. Đành rằng thị trường cầu thủ nội hiện nay rất khan hiếm, nhưng giá đưa ra cũng phải thích hợp. Muốn có một thị trường chuyển nhượng "thoáng" hơn, BĐVN cần có những nhà môi giới được FIFA cấp giấy chứng nhận, họ sẽ giúp hai bên cân đối giá cả và đưa ra những tư vấn hợp lý.

* Chủ tịch CLB Hoà Phát Nguyễn Mạnh Tuấn: Đó là giá ảo
Tôi cũng có nghe những thông tin về cầu thủ này giá 2 tỉ, cầu thủ kia hơn 1 tỉ. Họ cứ "hét" như thế chứ thực ra đó là giá ảo, chẳng ai mua giá ấy đâu. Riêng với HPHN, chúng tôi có thể khẳng định là không mua cầu thủ nào giá vượt quá 500 triệu.

* Phó Giám đốc Sở TDTT Nam Định Nguyễn Hưng Thái: Không có gì là điên rồ...
Tôi nghĩ mức giá hơn 1 tỉ, thậm chí 2 tỉ cho một cầu thủ là bình thường, chẳng có gì ghê gớm. Thử làm phép tính nhẩm xem: Một lứa cầu thủ 40-50 người, mất hàng chục năm đào tạo, thử hỏi còn lại được mấy người, họ lại còn phục vụ được trên dưới 10 năm nữa - không có gì là điên rồ, siêu tưởng đâu. Quang Minh thực hiện