Một kỷ niệm buồn của bóng đá VN
Các Website khác - 05/06/2008

 

CĐV Hải Phòng trên sân Mỹ Đình trong trận gặp Thể Công

Nhà sử học Dương Trung Quốc là một người cực kỳ hâm mộ bóng đá. Không chỉ thế, ông còn được Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cậy viết cuốn 100 năm lịch sử bóng đá VN (1908-2008). Với tư cách là một nhà sử học, am hiểu sâu sắc xã hội lẫn bóng đá VN, ông Quốc đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi thú vị bắt đầu từ vụ loạn đả trên sân Vinh...

Vụ loạn đả trên sân Vinh chiều 25-5 được nhiều người coi như một Heysel (*) của bóng đá VN. Nhưng Heysel đã làm cả châu Âu bàng hoàng và ngoài những biện pháp trừng phạt và răn đe kịp thời, người ta phải lập tức tổ chức nghiên cứu về một đối tượng xã hội có tên "hooligan" với tất cả những nguyên nhân và hệ lụy. Còn ở VN thì sao? Liệu vấn nạn này đã được quan tâm đúng mức?

Ông Dương Trung Quốc nói: "Thật trớ trêu là năm nay, 2008, lại được coi là năm kỷ niệm bóng đá VN tròn 100 tuổi. Bóng đá vào VN sớm hơn một chút, đi cùng với đoàn quân viễn chinh Pháp, nhưng năm 1908 là cái mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm vì lần đầu tiên có hai đội bóng toàn người Việt thi đấu với nhau. Tôi đã có ý định cùng anh Ngô Xuân Quýnh (đã mất) viết một cuốn lịch sử bóng đá VN và ra mắt nhân sự kiện này. Nhưng với các sự kiện bạo lực tồi tệ xảy ra dồn dập gần đây trên sân cỏ, có lẽ phải đặt vấn đề theo cách khác: sau 100 năm, bóng đá VN phát triển hay thụt lùi?".

* Thưa ông, nhìn nhận về bạo lực sân cỏ, những người có trách nhiệm của ngành thể thao và công luận vẫn chưa có sự đồng thuận, một bên coi đó chỉ là một nhóm nhỏ quá khích, một bên coi đó là một hiện tượng xã hội. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao trên cả ba cương vị: người hâm mộ, nhà sử học và đại biểu Quốc hội?

Một nạn nhân bị đánh đến toác đầu trên sân Vinh, trận SLNA-Thể Công hôm 13-4
- Về hiện tượng bạo lực trên khán đài bóng đá, tạm gọi theo tiếng tây là hooligan, theo tôi, tuy nó chưa đến mức quá phổ biến ở VN nhưng thật sự đã ở mức độ đáng lo ngại. Nếu phân tích theo qui luật chung, có thể thấy hooligan của bóng đá thế giới xuất hiện cả ở những nước có trình độ xã hội và trình độ bóng đá phát triển rất cao như Anh, Đức, Ý...

Nhưng xét theo thực tế tại VN, có thể thấy tình hình hơi khác một chút, hooligan ở VN phản ánh trình độ phát triển của xã hội VN: hệ thống luật pháp chưa phát triển và ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa tốt. Một nguyên nhân cực kỳ quan trọng khác là tâm trạng xã hội của một bộ phận, một nhóm người không nhỏ, tâm trạng đó có nhiều biểu hiện và nguyên nhân khác nhau: sự đam mê bóng đá thái quá, tâm lý cay cú ăn thua (do cá cược), và không thể phủ nhận sự bức xúc trong cuộc sống của một bộ phận xã hội.

"Thời hoàng kim của bóng đá VN mà tôi được chứng kiến vào những năm 1960-1970, xã hội bao cấp, CĐV đổi áo, đổi xe đạp lấy vé, rất cuồng nhiệt, nhưng không bao giờ có chuyện đánh nhau, dù là trong những trận đấu của các đội "kình địch truyền kiếp" như Công An Hà Nội với Thể Công. Bạo lực sân cỏ chỉ thật sự thành một vấn đề xã hội trong giai đoạn này"

Dương Trung Quốc

Trong bóng đá, sự bức xúc ấy góp phần tạo nên nạn hooligan, còn trong những tình huống khác nó là những biểu hiện bạo lực khác. Tôi đã từng phải chứng kiến cảnh một đám đông đổ xô vào đánh một người bị kêu là ăn cắp. Rất nhiều người xông vào đánh một người không quen biết, rất lờ mờ về hành vi bị kết tội kia, rõ ràng trạng thái tâm lý của họ là đánh người khác để thể hiện mình, để giải tỏa bức xúc trong mình chứ không chỉ vì trừng trị kẻ phạm tội.

* Thưa ông, chưa hề có một điều tra xã hội học nào về hooligan ở VN, nhưng theo quan sát của ông, họ sẽ là những người như thế nào?

- Tôi không đủ dữ kiện để đưa ra đánh giá chính xác, nhưng theo quan sát trên sân cỏ lâu ngày của tôi, họ không nhất thiết phải là những người có thu nhập thấp, có vị trí xã hội không vững chắc, mà chủ yếu là những người có nhiều bức xúc và có tâm lý cay cú ăn thua.

* Thưa ông, những trận bóng có xảy ra bạo lực gần đây nhất đều diễn ra trên các sân phía Bắc, tuy chưa thể có nghiên cứu nào kịp thời để rút ra một kết luận mang tính phổ biến, nhưng ông có thể phát biểu ý kiến cá nhân về hiện tượng này?

Một CĐV Thể Công bị giữ trên sân Thiên Trường - Ảnh: Nguyễn Nhật

- Tôi thấy vấn đề rất rõ ràng và tôi xin nói thẳng: hiện tại chỉ các đội bóng phía Nam mới có những "ông chủ” thật sự, có quyền lực thật sự với đội bóng, vì có quyền lực thật sự nên ông ta mới tổ chức được đội bóng theo mô hình chuyên nghiệp. Đã chuyên nghiệp thì CLB, cổ động viên cũng chuyên nghiệp theo là lẽ đương nhiên.

* Ông lại muốn nói đến vấn đề cụ thể của bóng đá: tính chuyên nghiệp. Theo ông, tính chuyên nghiệp và nạn hooligan có quan hệ gì với nhau?

- Quan hệ rất mật thiết, rất quan trọng. Khi một CLB bóng đá được tổ chức thật sự chuyên nghiệp, cổ động viên cũng chính là cổ đông của đội bóng - cổ đông theo cả hai nghĩa: tinh thần và vật chất. Khi quyền lợi của đội bóng cũng chính là quyền lợi của cổ động viên thì không ai dại gì đi gây rối trên khán đài để CLB của mình bị phạt tiền - nghĩa là tự tước đi một phần thu nhập của mình cả. Tôi đã có cơ hội cùng đoàn nghị sĩ Quốc hội Anh đến thăm CLB Chelsea, và tôi rất khâm phục mô hình tổ chức và cách thức điều hành của họ. Các cổ động viên Chelsea trước mỗi trận đấu được phát một cuốn tạp chí, trên đó thông báo giá cổ phiếu, thể hiện qua trị giá vé, các hình thức kỷ luật, những lời nhắn nhủ...

Tất cả những thông tin đó khiến các cổ động viên tuy rất cuồng nhiệt nhưng vẫn giữ được kỷ luật sân cỏ rất cao. Trong khi ở VN chúng ta tuyên bố là làm bóng đá chuyên nghiệp, nhưng toàn bộ hạ tầng cơ sở chả có gì chuyên nghiệp cả, điều hành ở cấp cao lại càng không chuyên nghiệp. Đến khi xảy ra chuyện, lại muốn hành xử như ở các nền bóng đá chuyên nghiệp thì thật không tưởng. Tôi tin chắc những hình thức kỷ luật mà VFF áp dụng vừa qua cho các đội bóng và sân cỏ để xảy ra bạo lực chỉ làm người hâm mộ bức xúc, cảm thấy bị thiệt thòi, không có cơ hội thể hiện mình (vì sân bị cấm tổ chức thi đấu thì làm sao ra sân?) và sẽ càng ức chế, càng quay lưng lại với bóng đá mà thôi.

* Xin cảm ơn ông.

THU HÀ thực hiện