Nghề bạc hay người bạc?
Các Website khác - 28/04/2006

BÌNH LUẬN
Nghề bạc hay người bạc?


Nguyễn Nguyên
Bà Niềm - mẹ cầu thủ Phạm Văn Quyến - than thở rất thật: "Thằng Quyến chỉ có mỗi cái nghề đá bóng thôi, bây giờ nhỡ người ta có cấm không cho nó đá bóng nữa thì tôi cũng chẳng biết nó sẽ làm nghề gì...".

Hiểu về Quyến có lẽ chẳng ai bằng mẹ Niềm, người theo Quyến từ cái ngày nó còn chăn trâu đến lúc rời vùng quê lam lũ ở Hưng Tiến, Hưng Nguyên lên thành phố Vinh tập trung năng khiếu rồi thành tuyển thủ U.16, tuyển thủ Việt Nam.

Bốn tháng khi trông chờ con ở trại giam về, có lúc người mẹ này than thở: "Giá nó cứ như cái thằng bé chăn trâu ngày nào...". Cái "giá" của một người mẹ thấy con mình phải trả giá quá đắt cho cái nghề bóng đá đưa nó lên đỉnh cao rồi vùi dập xuống thật nhanh.

Bây giờ, khi thấy con trở về và khao khát với nghề, bà lại chặc lưỡi than thở: "Thằng Quyến giờ mà không đá bóng thì nó biết làm gì...".

Bà nghĩ đơn giản như thế, nhưng với Quyến thì là một nỗi khát khao của một cầu thủ thèm được chạy nhảy trên sân cỏ.

Khác với hai mẹ con Quyến, ông Huỳnh Quốc Thu - cha của cầu thủ Quốc Anh vừa được tại ngoại chung với Quyến - tái xác định việc sẽ buộc con trai mình bỏ nghiệp bóng đá.

Trong khi ở Nghệ An, việc cho con theo bóng đá và chen chân vào đến đội lớn là cơ hội để đổi đời thì ở huyện miền núi Trà My, tỉnh Quảng Nam, ông Thu lại muốn con mình đoạn tuyệt với bóng đá khi tài năng chớm nở.

Với một phụ huynh chăm cho con từng bước chân từ hồi bé đến giờ thì bóng đá là một nghề nguy hiểm.

Trong khi đó, đến giờ ông Thu vẫn không tin đứa con nổi tiếng là ngoan và hiền ở trường lẫn ở đội Đà Nẵng lần đầu lên tuyển đã vướng vào tù với tội danh bán độ và tổ chức bán độ. Cả nhà ông đều không tin Quốc Anh vốn là một người vốn không có tiền thì xin, chứ không dám ăn chịu của ai đồng nào lại dám làm cái việc tày trời ấy. Ông bất chấp sự năn nỉ, bất chấp đam mê của con và buộc phải đổi nghề để còn làm lại cuộc đời. Đã có nhiều người khuyên ông đó là ý nghĩ tiêu cực và Quốc Anh đã lớn nên hãy để Quốc Anh quyết định sự nghiệp của mình nhưng ông lại cho suy nghĩ của mình tích cực.

Để con rời môi trường bóng đá có nghĩa là tránh cho con sự gần gũi những cạm bẫy? Ông Thu luôn nghĩ vậy, bởi ông gần con từ nhỏ cho đến lúc nó xa vợ chồng ông đi đá bóng và lên đội tuyển.

Sẽ còn bao nhiêu phụ huynh có những suy nghĩ như ông Thu trong việc hướng nghiệp cho con mình?

Sự dứt khoát của ông Thu với Quốc Anh chính là nỗi đau của những người làm bóng đá Việt Nam.

Làm gì để cái nơi ấy và môi trường ấy lấy lại được niềm tin?

Một người mẹ mong con trở lại sân cỏ với một ý nghĩ con không còn nghề nào cả. Một ông bố bắt con đoạn tuyệt với bóng đá để chuẩn bị cho con vào đời với một chương mới không liên quan gì đến cái nghề nguy hiểm.

Nghề không bạc với người, chỉ có người chưa ý thực được nghề với những cạm bẫy. Điều mà những nhà làm bóng đá chỉ tính đến chuyện đá được và đá giỏi chứ ít ai trang bị vốn kiến thức và đạo làm người cho các em, các cháu trưởng thành.