Những "lò" bóng đá và nguy cơ xoá sổ
Các Website khác - 31/12/2005
Những "lò" bóng đá và nguy cơ xoá sổ

Nguyễn Nguyên
Bóng đá TPHCM từng là lò bóng đá nổi tiếng số 1 quốc gia. Nổi từ cái thời ông cựu Giám đốc Sở TDTT Lê Bửu "căng sợi dây" đo chiều cao để loại Lư Đình Tuấn ra khỏi hệ thống năng khiếu và nổi từ thời Đặng Trần Chỉnh vừa thoát khỏi sân golf Phú Nhuận thi vào Hoa Lư. Hồi đấy, lò bóng đá TPHCM mỗi khi đưa quân năng khiếu đi đá thì các thầy thường hỏi: "Thắng mấy bàn?" chứ chẳng bao giờ chất vấn: "Thắng hay thua?".

Bây giờ thì cái lò bóng đá TPHCM đang thoái hóa vì cả thành phố 8 triệu dân giờ đào không ra cầu thủ năng khiếu.

Những người làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con mình thành tài và đổi đời, muốn trở thành những cầu thủ tài năng ở tương lai nhưng không ai muốn đánh đu với số phận của con cái mình ở nghiệp bóng đá. Ngôi trường Năng khiếu từng đào tạo nhiều tài năng cho bóng đá Việt Nam đã có lúc chịu điều tiếng xấu từ mầm bệnh mà có những cầu thủ trẻ vào đấy để trốn nghĩa vụ và để... phê khói thuốc lẫn hút, hít...

Bây giờ thì cái lò ấy đang cố lấy lại những gì đã mất. Họ có thể bắt đầu lại từ con số âm. Có một cái lò đào tạo nổi tiếng khác từng mang lại nhiều tuyển thủ là lò Thể Công. Lò bóng đá mà đất Hà thành các bậc phụ huynh sau khi nghe tên con trúng tuyển năng khiếu thôi cũng đủ để tự hào. Ơ đấy cầu thủ được huấn luyện như một người lính và rèn luyện nhiều thứ trước khi thành cầu thủ.

Bây giờ thì cái lò ấy cũng đang cạn nguồn và cạn người vì đầu ra ở đội lớn nhìn đâu cũng có vấn đề. Còn một cái lò đến giờ vẫn là số 1 quốc gia nhưng có nguy cơ bị xóa sổ: Lò Sông Lam. Lò bóng đá mà những nhà quản lý từng tự hào với mùa thu hoạch từ đội nhi đồng đến đội lớn vô địch với cái chất bóng đá máu lửa nổi tiếng số 1 Việt Nam.

Cái lò ấy đang gặp những phản ứng phụ sau một chiến lược tìm người tài. Sau khi những con người làm nên hào quang của lò bóng đá ấy ra đi thì hàng loạt những tên tuổi thành danh bị tạm giam vì dính vào bán độ; hàng loạt những cựu HLV, cựu cầu thủ và cựu tuyển thủ bị hoặc "được" công an triệu tập vì liên quan đến tiêu cực.

Tuần qua, những người làm cha, làm mẹ từng tự hào vì con cái mình trưởng thành từ cái lò ấy đều lên tiếng xin lỗi về việc làm tệ hại của con cái mình. Họ cảm thấy mình có một phần trách nhiệm cho dù thời gian con cái họ học và vào nghề bóng đá là thời gian gắn với đội năng khiếu, với đoàn bóng đá, với CLB. Đã có người cha, người mẹ than thở: "Giá mà hồi ấy đừng chiều con, bắt nó học đến hết lớp 12 thì đâu đến nỗi".

Bây giờ thì nhiều người lại giật mình với những cái lò chỉ lo chăm bẵm cho những đôi chân.