BÌNH LUẬN Niềm tin và sự phẫn nộ Tương Lai Cảm giác bị lăng nhục không làm sao xua đi được, khi những hy vọng hão huyền nghi án chỉ là "nghi" đã tan biến theo sự lộ diện của những nghi can thành bị can. Thế nhưng, vẫn còn cái để mà tin, để mà hy vọng và đó cũng là sự kỳ diệu của cuộc sống! Vì không tin thì làm sao sống? Những gương mặt trẻ vốn từng để lại ấn tượng tốt trong lòng người hâm mộ đã bị ma lực đồng tiền hút vào cạm bẫy của những thế lực hắc ám. Họ phải trả giá cho hành vi dại dột của họ. Và đây phải là nỗi đau không chỉ riêng ai, vì nói cho cùng họ cũng là nạn nhân. Báo Lao Động đã viết: "Trong sự sa đoạ dẫn họ đến con đường tha hoá và bán rẻ mình, có ai giật mình với chính mình qua câu hỏi: Đã bao nhiêu lần mình ngó lơ và thiếu trách nhiệm với những cầu thủ mà mình thường thường "bác bác, con con" với họ"; rồi "một người như ông Nguyễn Thành Vinh cũng tiêu cực, thử hỏi cỡ như Quyến làm sao thoát nổi"; và thê thảm hơn, "một khu phố, một xóm mà có đến 40% số thanh niên nghiện thì còn gì để nói nữa". Thế nhưng, cũng đã có những người không chịu biến mình thành nạn nhân. Bản lĩnh của họ góp phần phanh phui tệ nạn, giúp xua tan bớt đám mây đen phủ lên sân cỏ - vốn ấp ủ niềm vui và nỗi buồn của triệu triệu con người yêu bóng đá. Dù phải hết sức cảnh giác song không thể không thấy rằng, môi trường tệ hại và những tấm gương nhơ bẩn chỉ lung lạc được một nhóm nhỏ, số đông cầu thủ đang giữ được mình. Và ông Rield đã thổi một luồng sinh khí vào nền bóng đá nước nhà: "Nếu chúng ta cho những cầu thủ trẻ thời gian và cơ hội, họ sẽ thay thế được (những cầu thủ vừa sa lưới)". Thời gian ở đây không là những phút "đá bù giờ" mà là cơ hội cho cả một đời người, trước hết là cho một tuổi trẻ không bị làm hỏng. Ai và cái gì làm hỏng họ có lẽ không phải nhắc lại. Bài học U.23 vừa rồi không nên chỉ là bài học riêng cho cầu thủ trẻ, mà là bài học chung cho thế hệ trẻ, cho cả xã hội mà thế hệ trẻ sống trong đó. Có thể "sự thê thảm 40%" nêu trên là chỉ riêng của một vài khu phố, một vài xã của một địa phương. Song chuyện "đạo cả niềm tin" khởi nguồn từ "đạo nhạc, đạo văn, đạo chữ, đạo hoạ, đạo não" mà cũng cùng báo "Lao Động" ra ngày 22.12.2005 nêu lên thì không dành riêng cho một địa phương nào, cho một lĩnh vực hoạt động nào. Báo chí phải dũng cảm nói lên sự thật đó để bảo vệ không chỉ những cầu thủ trẻ đang giữ được mình, mà là cho tuổi trẻ nói chung có "thời gian và cơ hội" để khẳng định được mình. Hãy nhớ đến một khuyến cáo của C.Mác: "Cần phải bắt những trật tự đã cứng đờ phải nhảy múa lên bằng cách hát cho chúng nghe những âm điệu của chính bản thân chúng! Cần phải bắt nhân dân khiếp sợ bản thân mình để tiêm dũng khí vào cho họ". Và hãy tin rằng: "Cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ trở thành pha lê", như V.Hugo đã viết. Cơ hội phải được tạo ra trong sự nghiêm túc của giáo dục và rèn luyện với một môi trường xã hội không ô nhiễm. Thời gian vẫn đang ủng hộ chúng ta. Đó chính là niềm tin vào cuộc sống! |
▪ Thể thao người khuyết tật VN tự tin bước ra đấu trường Châu Á (23/12/2005)
▪ Giáng sinh buồn cho Real (23/12/2005)
▪ Kết luận về ông Thọ được "đẩy" lên UBTDTT (23/12/2005)
▪ Bảng xếp hạng bóng đá nữ FIFA: Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á (22/12/2005)
▪ Cầu thủ “bán độ”: phạm vào tội gì? (22/12/2005)
▪ Triệu tập Phi Hùng và anh họ Quốc Vượng (23/12/2005)
▪ Gạch ĐTLA và Sơn ĐTLA không được đấu chung một giải (23/12/2005)
▪ Tôi làm tròn trách nhiệm! VFF: Chưa! (23/12/2005)
▪ Đã có 12 người được triệu tập (23/12/2005)
▪ Quốc Vượng, Văn Quyến khai gì trong trại giam? (23/12/2005)