Nước Đức trước giờ G và ngày D: Vừa hồi hộp vừa lo
Các Website khác - 26/05/2006
Nước Đức trước giờ G và ngày D: Vừa hồi hộp vừa lo
Vỹ Lăng (từ Berlin)

Nước Đức trong những ngày này bị giằng xé giữa hồi hộp chờ đợi và lo âu ngại ngần. Hồi hộp chờ đợi thời khắc giải World Cup 2006 chính thức bắt đầu. Lo âu ngại ngần vì những hành vi mang động cơ thù địch với người nước ngoài có chiều hướng gia tăng ở Đức.


Thủ quân Michael Ballack
của đội tuyển Đức.
Sau 32 năm lại có một World Cup được tổ chức trên đất Đức và đã qua từ lâu rồi cái thời một giải vô địch bóng đá thế giới thuần tuý chỉ là một giải thi đấu thể thao. World Cup đã trở thành một ngày hội thể thao toàn cầu và đặc biệt của nước chủ nhà.

Rất nhiều kỳ vọng của nước Đức được gửi gắm vào World Cup năm nay. Kỳ vọng về động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhờ những ngành kinh doanh ăn theo World Cup. Kỳ vọng bầu không khí náo nhiệt của ngày hội thể thao toàn cầu giúp xua tan bóng mây ảm đạm của những vấn đề xã hội cấp thiết của nước Đức, giúp nguôi ngoai nỗi lo đời sống thường nhật của bộ phận không nhỏ người Đức. Còn vô địch thế giới lần thứ tư - đại đa số người Đức hiện đều không dám kỳ vọng điều đó. Cả ba lần trước đó vào năm 1954, 1974 và 1990, nước Đức đều vô địch nhờ may mắn nhiều hơn là bằng thực lực.

Nước Đức bị giằng xé giữa tình cảm và lý trí. Người Đức mơ lại gặp may như năm 1974, khao khát điều đó, thèm muốn như vậy. Nhưng lý trí mách bảo họ rằng điều đó khó xảy ra. Tất cả những người mà tôi đã gặp và trò chuyện, từ chính trị gia đến quan chức chính phủ, từ nhà báo đến thường dân, từ già đến trẻ đều cho rằng Đức lọt vào tứ kết đã là may, xảy ra điều kỳ diệu mới vào được bán kết, vào chung kết là điều không tưởng và vô địch thì... không dám nghĩ tới.

Họ xót xa khi trong đội tuyển Đức không có ngôi sao. Michael Ballack vừa cô đơn trong đội tuyển, vừa chỉ còn là cái bóng của chính mình. Ông bầu Juergen Klinsmann có phương cách hay, nhưng lại không gặp thời.

Có thể người Đức đã chuẩn bị tinh thần đón... thất bại. Họ chẳng vốn nổi tiếng là thực dụng và không ảo tưởng đó sao. Tôi an ủi một cách vụng về: Đội Đức chơi không hay, nhưng hiệu quả, càng tiến xa càng phong độ. Họ đều nhìn tôi, ánh mắt vừa biết ơn lại vừa dò xét xem tôi có thật lòng hay không.

Kết quả một cuộc điều tra dư luận cho thấy người Đức sẵn sàng bỏ ra 17 tỉ euro để đổi lấy Cúp vàng, 17 tỉ euro! Để so sánh: Toàn bộ kế hoạch tăng thuế của chính phủ liên hiệp hiện đang làm phân rẽ cả chính trường và xã hội Đức đưa lại cho chính phủ 19 tỉ euro. Để hai con số này cạnh nhau mới thấy hết mức độ nỗi khổ tâm của nước chủ nhà khi bị giằng xé giữa tình cảm và lý trí.

Nước Đức nêu khẩu hiệu cho World Cup: "Đến nước Đức như đến thăm bạn". Nước Đức muốn giới thiệu với thế giới một đất nước mở rộng cửa thân thiện đón du khách. Cho nên nếu du khách đến mang theo lo ngại bị các phần tử cực hữu tấn công, nước Đức bị phân định thành khu vực du khách có màu da khác với màu da trắng có thể an toàn đến được và nơi không nên đến (no-go-areas) thì sẽ không đúng với khẩu hiệu nói trên.

Chính vì thế mà chính phủ và dư luận Đức hiện đang chủ trương mạnh tay đối với các lực lượng cực hữu, kiên quyết không để các phần tử quốc xã mới này làm tổn hại đến hình ảnh và uy danh của nước Đức cũng như bầu không khí tưng bừng của ngày hội bóng đá thế giới. Nước Đức và người Đức đã và đang làm tất cả để xứng đáng là chủ nhà của một kỳ World Cup hoành tráng nhất từ trước tới nay. Chỉ còn 14 ngày nữa là tới giờ G của ngày D.