Phó TTK Dương Nghiệp Khôi và hành trình 278 ngày giông bão
Các Website khác - 18/10/2005
Hành trình đầy giông bão của ông Khôi bắt đầu vào một ngày cuối năm 2004, khi ông nhậm chức trưởng ban thi đấu...

Thời điểm ông Dương Nghiệp Khôi từ TPHCM ra “định cư” tại Hà Nội với chức danh trưởng ban thi đấu cũng là lúc bóng đá VN vừa trải qua những biến cố nặng nề. Chính các ủy viên BCH sau đó nhận định thời điểm đó là “sóng thần, động đất”, với các sự kiện vụå khởi kiện VFF của ông Letard và thất bại của đội tuyển bóng đá nam tại Tiger Cup 2004.

Dũng cảm bước vào sóng dữ?

Lúc ấy, ai cũng bảo hoặc là ông Khôi dũng cảm hoặc là thấy “ghế thơm” thì nhảy vào. Sau này, với những gì ông Khôi trần tình mới thấy ông dũng cảm. Chẳng hạn, ông nói: “Tôi không làm vì tiền và dẫn chứng thu nhập của trưởng BTC cả 3 giải chỉ tròm trềm 3,5 triệu đồng/tháng. Quá “bèo” so với áp lực. Áp lực nặng nề tới mức vừa nhậm chức được đúng 20 ngày, ông Dương Nghiệp Khôi đã phải thốt lên: “20 ngày mà tôi ngỡ như... 2 năm”.

Thấm thoát đã gần 300 ngày, từ khi nhảy vào “lửa”, nghĩa là như... 30 năm mà ông Khôi vẫn trụ được là giỏi, là can đảm chứ không vừa.

Nhưng tự nhận là hèn nhát

Câu nói cửa miệng mà các phóng viên hay nghe được mỗi lần có vụ việc xảy ra trong các giải từ miệng ông Khôi là: “Cứ theo luật mà làm”. Luật ở đây, ngoài luật pháp cứng nhắc là luật của FIFA, của VFF. Thế nhưng, bóng đá mà cứ theo luật cứng nhắc là chết, là rối.

Một cựu PCT VFF từng nói: “Làm cái anh trưởng giải không chỉ nghiêm mà còn có uy, xử lý khéo léo quan trọng là biết cách để mọi việc lớn nhỏ nằm trong tầm kiểm soát của mình”.

Ông Khôi dường như còn thiếu cái uy, cái khéo léo để phía dưới phải tâm phục, khẩu phục. Uy sao được khi chính ông đã phát biểu: “Tôi không thể nhắm mắt xử theo dư luận mà phải theo luật. Tôi xử các đội bóng, họ kiện lên AFC hay FIFA thì ai đứng ra bảo vệ tôi? Tôi chấp nhận để người ta gọi mình là trốn tránh hèn nhát, bất lực...”. Như thế là mất cái giá trị và cái oai của người đầu lĩnh trong vai trò trưởng BTC của cả ba giải thi đấu.

Uy sao được khi bản đề án thành lập bồi thẩm đoàn mà ông Khôi lao tâm khổ tứ xây dựng bị đá văng vào sọt rác.

Đừng ngã tay chèo

Dùng luật là đúng, nhưng cách dùng trong thực tế, áp dụng cho từng trường hợp cụ thể thì có hàng trăm cách. Ông Khôi chọn cách đi thẳng, nghĩa là cứng nhắc. Ví dụ như việc lấy khuyến cáo của AFC và FIFA ra để bảo vệ trọng tài trước công luận.

Điều mà chính ông Khôi cũng không thể ngờ tới là đổi lại cái ý tốt ấy, ông đã bị chính đội ngũ trọng tài có cả những người thân tín, “đâm sau lưng”. Hóa ra ông đang bảo vệ cho cái xấu, cái sai, để ung nhọt trong giới trọng tài tự tung tự tác? Hóa ra bao nhiêu kẻ ông đặt niềm tin bằng mỹ từ “đạn bắn không thủng” lại “thủng lỗ chỗ”?

Trước mùa giải mới, ông Khôi như ngồi trong căn nhà ọp ẹp, có thể đổ sụp trong bão bất kỳ lúc nào. Điểm lại những gì ông đang có: một lịch thi đấu chưa có ngày khai mạc, V-League chưa rõ số đội, hạng Nhất cũng chẳng biết ai xuống, ai lên, tài trợ rút dần, lãnh đạo CLB trách móc vì VFF mà đổ hết kế hoạch... Nghĩa là chưa có một cái gì chắc chắn cả.

Đổ tất cả lên đầu ông Khôi thì hơi oan, bởi sự thật thì sức người có hạn. Nhưng ở vai trò người cầm lái, ông Khôi không được phép dao động trước sóng cả, dù chỉ là trong tư tưởng.

(Theo TTNN)