|
Tháng trước, ở kỳ tổng kết V-League 2008, cựu trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi đã công bố đề án cải tổ V-League, trong đó nhấn mạnh việc chuẩn hóa chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn LĐBĐ châuÁ (AFC) cũng như thành lập một công ty con, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản tách bạch với Liên đoàn bóng đá VN - VFF để chuyên làm nhiệm vụ tổ chức, điều hành V-League và các giải đấu khác.
Kế hoạch cải tổ này còn đi kèm với cảnh báo của FIFA, AFC: nếu không chấp nhận chuẩn hóa, bóng đá Việt Nam có thể bị trả giá bằng việc CLB, ĐTQG bị cấm thi đấu quốc tế.
AFC không phải là "ngáo ộp"!
Việc sớm công bố đề án đổi mới V-League đã khiến các ủy viên Ban chấp hành VFF tự ái vì bị qua mặt. Và họ đã công kích lại rất … có lý: "BCH chưa được lấy ý kiến, vậy phải chăng là muốn đặt chúng tôi vào thế đã rồi?
Việc những người làm đề án in đậm dòng: "Nếu LĐBĐ nước nào không đáp ứng được những yêu cầu trên, AFC sẽ xem xét và không cho đội tuyển, các CLB của các nước đó tham dự các giải quốc tế năm 2009-2010" bị nghi ngờ rằng đó chỉ là từ "khuyến cáo" bị chủ ý dịch ra thành "yêu cầu" đểcố tình lấy AFC để hù dọa các thành viên ban chấp hành.
Bị chỉ trích từ nhiều phía "cha đẻ" của đề án cải tổ Dương Nghiệp Khôi bao biện phản ứng: "Tôi muốn in đậm khuyến cáo của AFC là để thông báo cho tất cả biết AFC yêu cầu thế. Bằng không nếu nhỡ có chuyện, tất cả lại kêu là không biết gì như vụ kiện Letard khóa trước. Tôi không muốn hù dọa ai cả. Còn về mô hình tổ chức mới, tôi cho rằng nó không trái với điều lệ VFF".
Tuy vậy, người ủng hộ mạnh nhất đề án cải tổ là Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng "tỉnh ngộ" và xin rút lại ý kiến ủng hộ trước đây. Ông Dũng nói: "Ban đầu, tôi nghĩ mọi việc đơn giản, nhưng bây giờ thì tôi giác ngộ nhiều rồi. Tôi xin rút lại ý kiến ủng hộ đề án cải tổ V-League. Theo tôi, AFC không phải là con ngáo ộp nên đừng đưa ra để dọa nhau. AFC có khuyến cáo, nhưng chúng ta phải tiến hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của bóng đá Việt Nam chứ không thể cứ răm rắp nghe theo thì chỉ từ thua đến… hy sinh".
LĐBĐVN dám … kháng chỉ?
Vẫn biết bóng đá Việt Nam không bị tụt hậu cần phải thực hiện lộtrình phù hợp để chuyên nghiệp hóa, nhưng không thể đáp ứng ngay 7 nội dung trọng tâm mà AFC yêu cầu giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam phải đáp ứng, bao gồm: CLB phải nộp báo cáo tài chính hằng năm theo mẫu của AFC. Mỗi CLB chuyên nghiệp phải có ít nhất 16 cầu thủ được ký hợp đồng chuyên nghiệp. Phải thống kê chính xác số lượng khán giả đến xem và thông báo tại mỗi trận đấu;Mỗi SVĐ tại giải V-League phải có một khu vực phỏng vấn nhanh ở tất cả các trận đấu V-League. Tất cả các CLB tham dự V-League phải là doanh nghiệp; BTC giải chuyên nghiệp phải là một đơn vị pháp lý riêng, được đại hội bầu chọn, do LĐBĐ Việt Nam, quản lý. Các HLV trưởng tại V-League phải có chứng chỉ bằng A của AFC hoặc bằng chứng chỉ tương đương được AFC công nhận.
Thực tế, trong số 7 nội dung yêu cầu của AFC, có 2 yêu cầu mà bóng đá Việt Nam rất khó có đủ điều kiện để thực hiện ở thời điểm này, đó là việc tất cả các CLB tham dự V-League phải là doanh nghiệp độc lập; và BTC giải chuyên nghiệp phải là đơn vị pháp lý riêng được đại hội bầu chọn, do VFF quản lý.
Hiện nay, trong số các CLB dự V-League, mới có một số ít CLB đã là doanh nghiệp hoạt động độc lập như Đồng Tâm Long An, Becamex Bình Dương... Đa phần còn lại đều là những CLB đã là doanh nghiệp nhưng chưa thực sự độc lập (hình thức công ty mẹ - công ty con) như HAGL; còn nhiều CLB chưa phải là doanh nghiệp như TCDK.SLNA, Nam Định, Đà Nẵng…; hoặc hình thức khác như Thể Công (do Quân đội quản lý). Khó có thể ngày một ngày hai chuyển đổi cơ cấu hoạt động của toàn bộ các CLB thành các doanh nghiệp độc lập, nhất là khi chưa có giải pháp về cơ chế, chính sách.
BTC giải chuyên nghiệp cũng không thể dễ dàng lập tách riêng vìđiều lệ VFF chưa chấp nhận mô hình này. Theo Điều lệ, VFF là chủ sở hữu của các quyền lợi vật chất phát sinh từ việc tổ chức giải VĐQG (V-League) như tiền bản quyền truyền hình, tài trợ... Nếu cho ra đời BTC giải độc lập về tài chính, thì VFF tồn tại bằng gì, lấy đâu ra kinh phí để hoạt động? Sự xuất hiện của BTC giải kiểu mới này sẽ dẫn tới sự tồn tại song song của hai bộ máy có cùng nhiệm vụ, chức năng giống nhau, một của VFF và một của BTC giải.
Điều lệ VFF đã được FIFA, AFC thông qua, như thế có nghĩa họ chấp nhận các điều kiện của bóng đá Việt Nam hiện nay. Vì vậy, dám chắc rằng nếu Việt Nam không cải tổ theo chuẩn của AFC, họ không thể cấm đội tuyển Việt Nam thi đấu. Nếu AFC treo giò tuyển Việt Nam vì không chịu thay đổi mô hình, thì họ phủ nhận những gì đã công nhận.
Cuối cùng thì kế hoạch cải tổ V.League coi như đã khai tử trong trứng nước. Thay vào đó, BCH VFF đồng thuận, mùa sau giải đấu vẫn có một BTC với mô hình… cũ, nhưng mở rộng tính dân chủ qua việc để cho các thành viên đội bóng tham dự. Còn việc"hợp thức hóa" BTC này với AFC như thế nào là chuyện của các quan chức VFF phải lo trình bày buổi làm việc cụ thể với đoàn cán bộ AFC về những yêu cầu của tổ chức này vào ngày 18/10 tới.
Đức Tuấn
▪ Maradona muốn làm HLV trưởng Argentina (18/10/2008)
▪ Derby Madrid: Rũ bùn đứng dậy sáng lòa? (18/10/2008)
▪ LĐBĐ Anh điều tra nghi án dàn xếp tỷ số (18/10/2008)
▪ Công Vinh bất ngờ từ chối Thể Công để tới T&T Hà Nội (18/10/2008)
▪ Hạ gục Myanmar, tuyển U22 “trả nợ” xong cho đàn anh (17/10/2008)
▪ Nhiễm “virus FIFA”, Torres lỡ chuyến tái hồi Vicente Calderon (16/10/2008)
▪ Kaka được in dấu chân tại SVĐ lớn nhất thế giới (16/10/2008)
▪ Rooney rực sáng giúp “Tam sư” nối dài mạch toàn thắng (16/10/2008)
▪ CRonaldo thắng trong cuộc bình chọn Quả bóng vàng? (15/10/2008)
▪ Ronaldo vui vì được CĐV rộng lượng tha thứ (14/10/2008)