Tội và đời cầu thủ
Các Website khác - 27/12/2005
Tội và đời cầu thủ

Nguyễn Nguyên
Tôi còn nhớ sau vụ xử cầu thủ Hải quan mua bán độ ở mùa giải năm 1997, Trường Nghiệp vụ thể thao TPHCM khi ấy tuyển sinh không tìm ra được nhiều cầu thủ trẻ như mặt bằng tuyển chọn hàng năm. Nhiều phụ huynh đã chủ động rút con mình ra khỏi môi trường đá bóng để học hành kiếm cái bằng cấp, hay tìm cái nghề gì khác sinh sống an toàn hơn.

Nguyên Chương (giữa) từng tâm sự
"phải theo mấy anh thì mới được
đá chính".
Cùng thời điểm ấy, tại Nghệ An việc cho con em vào trường năng khiếu là khát vọng của nhiều bậc phụ huynh vì có tài mới đậu nổi trường ấy và vào với bóng đá là cơ hội đổi đời. "Tấm gương" về những cầu thủ khi ấy như anh Hữu Thắng, anh Sỹ Hùng,... một, hai tháng đá bóng bằng tiền làm công cả năm chân lấm tay bùn bên ruộng vườn khiến được đá bóng ở Nghệ An là ghê gớm lắm.

Sự mâu thuẫn giữa hai cái nôi đào tạo bóng đá có lần đã trở nên một hội nghị bàn tròn về giải pháp tại sao TPHCM đông dân, nhiều người tài, đủ mọi điều kiện mà càng ngày càng ít cầu thủ giỏi.

* * *
Hôm qua, nghe mẹ cầu thủ Lê Văn Trương nói chuyện với báo chí thấy thật đau lòng: "Con tôi lúc bé được tỉnh xuống thuyết phục cho đi đá bóng. Tôi giao con cho tỉnh, cho liên đoàn thì tỉnh và liên đoàn phải có trách nhiệm dạy dỗ nó cho tôi chứ!".

Cũng câu chuyện trên, một người thân với cầu thủ Tô Đức Cường (Hải Phòng) than thở: "Báo chí nói Cường làm độ, bán độ từ hồi SEA Games 21 song lại nói cả việc cậu ta liên quan đến giới cá độ, giới xã hội đen ghê gớm lắm. Dù là có báo không nêu đích danh nó, nhưng với cái kiểu đề cập cầu thủ T.Đ.C của đội Hải Phòng... ai mà chẳng biết là nói tới Cường. Tôi chưa nói nó đúng hay sai, nhưng có thể kể lại chuyện hồi nó quyết định theo bóng đá, cậu ta là một học sinh giỏi toàn quốc và rất tương lai...".

Câu chuyện của người thân Tô Đức Cường tâm sự khiến nhiều người nhớ cái ngày cầu thủ này thi đấu giải Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc năm 1996 và đoạt chức vua phá lưới thì Cường còn đang là học sinh giỏi lý toàn quốc trong trường chuyên của Hải Phòng. Thế rồi sau đó, Cường quyết định bỏ tất cả chuyện học vấn, bỏ cả tương lai để chạy theo quả bóng và trượt theo quả bóng...

* * *
Mẹ của cựu tuyển thủ Nguyễn Phúc Nguyên Chương khi kể lại đời cầu thủ của con trai mình bà vẫn hay chảy nước mắt vì thương con. Bà còn nhớ cái ngày đầu tiên Chương ghi bàn cho trường năng khiếu rồi cái ngày Chương ghi bàn đầu tiên trong màu áo Hải quan và sau đó là bàn thắng để đời ở đội tuyển quốc gia. Trong mắt bà, Chương luôn là một thằng bé ngoan và học rất giỏi. Chỉ đến khi con vào năng khiếu bóng đá rồi đi đá bóng thì người mẹ ấy có lúc tưởng chừng như mình bị mất con vì cái vòng xoáy ở môi trường bóng đá.

Ngày Nguyên Chương ra toà, bà khóc hết nước mắt vì con và tâm sự: "Có lần nó về bảo phải theo mấy anh ở đội thì mới được đưa bóng, mới được đá chính. Đời cầu thủ cứ ngồi ghế dự bị hoặc vào sân mà không đá được, không được chuyền bóng thì con đá bóng để làm gì?".

* **
Cái vòng luẩn quẩn ấy nó cứ ám ảnh cuộc đời cầu thủ.

Cũng hệt như bà Niềm bây giờ chỉ mong thằng Quyến con bà cứ mãi mãi là thằng bé chăn trâu khờ khạo và chân chất. Hoặc bà mẹ của Lê Văn Trương vẫn ao ước con trai khổ cực gánh lúa cùng mẹ như ngày nào.

Cầu thủ vốn không được trang bị hành trang để vào đời và vào nghề, nhưng những nhà quản lý không làm sạch được môi trường của ngành mình, khiến những tài năng cứ sa vào vòng luẩn quấn ấy thì đấy cũng là một cái tội.