Những gương mặt "đen" - mặt trái và số phận nghiệt ngã
Các Website khác - 26/12/2005
Những gương mặt "đen" - mặt trái và số phận nghiệt ngã

Còn đúng 1 tuần nữa, năm 2005 sẽ đi qua. Một năm với biết bao biến động trong đời sống bóng đá nước nhà. Vui - buồn có cả; nhưng đỉnh điểm lại là mặt trái với vụ án tiêu cực của trọng tài, HLV, đội bóng và một số cầu thủ U.23 VN bán độ tại SEA Games 23. Lao Động khởi đăng loạt bài: "Những gương mặt "đen" - mặt trái và số phận nghiệt ngã" nhằm có cái nhìn đa chiều, góp phần lột tả bản chất nền bóng đá nước nhà...

Kỳ 1: Những cái tên từng là thần tượng

Ông Nguyễn Thành Vinh ngày bị bắt.
Nguyễn Thành Vinh, Vũ Tiến Thành, Trương Thế Toàn, Lương Trung Việt, Phạm Văn Quyến, Lê Quốc Vượng - những cái tên từng là thần tượng của bóng đá Việt Nam, là tấm gương tiêu biểu cho sự vươn lên từ hoàn cảnh nghèo khó, nghị lực và sự yêu nghề. Thế mà giờ đây, họ đều đã vào trại giam, liên quan đến vụ án bóng đá lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử bóng đá Việt Nam...

Ngày ông Vũ Tiến Thành bị bắt giam vì cái khoản 20 triệu đồng chung cho Lương Trung Việt, nhiều người sững sờ bởi với lệnh bắt khẩn cấp ấy và những bằng chứng đưa ra, cũng đồng nghĩa với việc người có nhiều bằng cấp bóng đá nhất Việt Nam đã tự đóng lại cuộc đời bóng đá của mình.

Ông Thành khi ấy đang sắp sửa lấy bằng HLV chuyên nghiệp quốc tế đầu tiên của Việt Nam, sau khi là một trong những giảng viên FIFA đầu tiên tại Việt Nam và là người đang nắm giữ kỷ lục làm trợ lý cho nhiều đời HLV ngoại nhất.

Ông Thành có cả một tương lai trước mắt, nhưng bị khép lại chỉ vì 20 triệu đồng tiền bồi dưỡng, mở đầu cho một vụ án mà hiện tượng ấy đã tồn tại hàng chục năm, đồng thời trở thành căn bệnh của làng bóng nước nhà.

Trọng tài Lương Trung Việt.
Sau đó, đến lượt ông Nguyễn Thành Vinh - người có quá trình 46 năm gắn bó với bóng đá từ thời cầu thủ sang đến HLV và là một trong những HLV nội sáng giá nhất Việt Nam, dám "cầm" đội bóng đi dự ASIAD tại Busan, Hàn Quốc năm 2003. Ông Vinh vướng vào tội hối lộ, mà dân bóng đá nói với nhau rằng tại ông xui nên "dính", chứ với tội ấy "sờ" vào HLV bóng đá nào mà chẳng "dính".

Cái tội của ông Vinh cũng là căn bệnh của cả nền bóng đá, mà người ta phải mất tiền cho cái gọi là tìm sự công bằng và để khỏi bị xử ép.

Ông Trương Thế Toàn đến ngày bị bắt, nhiều người vẫn ngạc nhiên bởi ông đang là trọng tài số 1 Việt Nam, lại cũng là người duy nhất được mời điều khiển giải bóng đá Olympic tại Athens.

Khi ông Toàn bị bắt, nhiều người cũng lên tiếng không phải để chia sẻ với ông, mà là để nói lên một thực trạng bóng đá nội đã thành dịch: Hầu hết các trọng tài Việt Nam đều dính líu, vì nếu từ chối, có khi sẽ bị tẩy chay và trở nên người bơi ngược dòng với đội ngũ cầm cân nảy mực, nhưng lại rất được trân trọng vì mục đích riêng của từng đội.

Ông Toàn có rất nhiều nỗi niềm, bởi ông biết ông không oan, nhưng với tội ấy mà làm đủ và làm triệt để, thì bóng đá Việt Nam sẽ chẳng còn trọng tài.

Mới đây, cùng chung số phận với những nhân vật trên là Phạm Văn Quyến và Lê Quốc Vượng. Hai thần tượng một thời của bóng đá Việt Nam phải cúi đầu vào trại giam vì tội dàn xếp tỉ số.

Đấy chưa phải là những con số cuối cùng của vụ án, bởi nói như những người hiểu sâu về bóng đá, từng lăn lộn với bóng đá thì với thực trạng của bóng đá Việt Nam không sờ đến thì thôi, chứ đã sờ và đã làm thì đụng đâu trúng đó.

Ông Trương Thế Toàn khi bị bắt.
Chúng tôi cứ nhớ mãi lời cựu Tổng Thư ký LĐBĐVN Trần Bảy cách đây 10 năm, khi đề cập đến sự hỗn loạn và thiếu kỷ cương của bóng đá Việt Nam, đã thản nhiên nói một câu để đời: "Bóng đá Việt Nam phải làm lại từ đầu".

Cái "đầu" mà ông Bảy đề cập mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: Cái đầu của một cơ quan lãnh đạo quản lý bóng đá lúc bấy giờ (cũng là cấp trên của liên đoàn) và cũng là làm lại từ đầu một cách tử tế sau khi trượt dài. 10 năm sau, lời nói ấy vẫn còn nguyên giá trị và tệ hại ở chỗ không biết phải bắt đầu làm lại từ đâu.

Loạt bài viết: "Những gương mặt "đen" - mặt trái và số phận nghiệt ngã" Lao Động khởi đăng hôm nay sẽ đi sâu vào từng nhân vật, từng gương mặt với những hoàn cảnh khác nhau. Nói họ là tội phạm cũng đúng, nhưng nói họ là nạn nhân cũng chẳng sai. Họ là những người có công với bóng đá Việt Nam, nhưng cũng là người huỷ hoại bóng đá Việt Nam qua những việc làm, mà khi bị bắt ai cũng xem đấy là việc rất bình thường, cứ như rằng chấp nhận sống với bóng đá Việt Nam thì sẽ khó thoát được con đường ấy.

Đi sâu vào khía cạnh từng con người, sẽ có một cái nhìn rõ hơn. Cái rõ không hẳn ở từng gương mặt "đen", mà cái rõ còn lột tả cả nền bóng đá với những loại tội phạm khác nhau và ở nhiều vị trí, cương vị khác nhau...

Nguyễn Nguyên