AIDS đe doạ làm phát sinh đại dịch mù ở Ấn Độ
Các Website khác - 06/10/2005

Khoảng 50 đến 70% số người nhiễm HIV/AIDS bị mù hoặc gặp các biến chứng liên quan tới mắt. Giải quyết mối liên hệ  này ra sao là vấn đề đang làm đau đầu các nhà khoa học Ấn Độ.

Ai cũng hiểu hệ miễn dịch của những người nhiễm HIV/AIDS thường rất yếu ớt, càng về giai đoạn cuối thì chức năng miễn dịch càng giảm. Do vậy một điều tất nhiên những người nhiễm bệnh này thường mắc phải các bệnh lây nhiễm cơ hội khác.

Với hơn 40 triệu người nhiễm HIV/AIDS trên toàn thế giới, số người mắc các bệnh khác liên quan tới chức năng miễn dịch ngày càng nhiều. Suy giảm thị lực hoặc các biến chứng khác về mắt là một trong những bệnh tật phổ biến hơn cả, chiếm khoảng 50 đến 70% số bệnh nhân HIV/AIDS.

Ở một nước có số dân nhiễm HIV thuộc loại điển hình thế giới như Ấn Độ, bệnh mù đang bùng phát dữ dội trong cộng đồng người bệnh. Theo báo cáo thống kê của tổ chức y tế thế giới, khoảng 10 đến 20% số người nhiễm AIDS không nhìn thấy ở một hoặc hai mắt. Điều đó có nghĩa khoảng 1000,000 người sẽ bị mù do nhiễm HIV.

Cho tới nay, bệnh viêm võng mạc Cytomegalovirus (CMV) là căn bệnh phổ biến nhất ở những người nhiễm AIDS. Loài virus gây bệnh này thuộc nhóm virus Herpes (Éc-pét) thường gây bệnh đậu mùa, bệnh mononucleosis, bệnh Herpes I và II. Hầu hết những người nhiễm CMV đều có rất ít triệu trứng biểu hiện ra ngoài. Thế nhưng, khi virus đã xâm nhập được vào cơ thể, nó ở trạng thái "ngủ đông" và sẵn sàng hoạt động trở lại bất cứ lúc nào. Ở những người nhiễm AIDS, CMV gây ra các bệnh trầm trọng như mù hoặc thậm chí tử vong.

Nếu không được điều trị, CMV sẽ phá hoại võng mạc, phần mô nhạy cảm, nhẹ, mỏng ở phía sau mắt. Giống như cuộn phim trong máy quay, các tế bào thần kinh trong võng mạc có vai trò chuyển đổi ánh sáng thành những ký hiệu giúp não hiểu được. Khi đã nhiễm bệnh, CMV gây mù trong thời gian từ 4 đến 6 tháng. Trong số những người nhiễm CMV, khoảng 25 đến 40% số trường hợp rơi vào trạng thái võng mạc bị tách rời với các tế bào thần kinh ở mắt, và khi đó họ bị mù hoàn toàn.

Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc việc phần nào của võng mạc bị virus tấn công. Người nhiễm CMV có thể sẽ gặp phải những triệu chứng như: mất khả năng nhìn tạm thời, tầm nhìn mù mờ, không rõ ràng, mất độ nhìn trung tâm hay ngoại vi trước cảnh vật hay nhìn thấy những đốm đen chạy chầm chậm trong tầm nhìn.

Số lượng điểm trôi nổi trước tầm mắt tăng là dấu hiệu sớm cho biết người bệnh nhiễm CMV. Tất nhiên, ở các bệnh về võng mạc khác cũng có thể có những triệu chứng tương tự như trên nhưng nếu người nhiễm HIV có những dấu hiệu này thì phải đặc biệt cẩn trọng. Trong trường hợp đó, lời khuyên tốt nhất cho người bệnh là hãy đến gặp ngay bác sĩ nhãn khoa kiểm định.

Nói chung với những bệnh nhân bị chẩn đoán nhiễm CMV thường được điều trị bằng một trong hai loại thuốc antiviral: foscarnet và gancyclovir. Được tiêm vào tĩnh mạch, cả hai loại thuốc này đều có độc tính cao có thể dẫn tới tác dụng phụ nghiêm trọng như làm hỏng thận người bệnh.

Chính vì thế, gần đây người ta đã nghĩ ra phương pháp điều trị mới có tên Intravitreal ganciclovir. Với phương pháp này, gancyclovir dạng viên được cấy vào khoang mắt người bệnh, giúp làm chậm quá trình phân tán thuốc trong khoảng từ 5 đến 8 tháng. Cách làm này giúp giảm bớt những tác dụng phụ không mong muốn và tiên lượng lạc quan hơn về bệnh trạng của những người nhiễm CMV.

Tuy nhiên, cho tới ngày nay, phương pháp điều trị ganciclovir vẫn chưa phổ biến ở Ấn Độ nói chung và ở Mysore nói riêng. Do vậy, nhằm phổ biến biện pháp này, ông Avinash Pathengay DO, chuyên gia cố vấn về võng mạc ở viện mắt LV Prasad ở Hyderabad đã trình bày phương pháp này cho các bác sĩ nhãn khoa ở Mysore (thành phố ở phía Nam Ấn Độ, thuộc bang Karnātaka) tại khách sạn Asha Kirana hôm 1/10.

Chương trình được thực hiện với sự hợp tác của Hội nhãn khoa Mysore (Mysore Ophthalmic Association - MOA) ở Mysore.

Đỗ Dương theo http://www.starofmysore.com