Chăm sóc trẻ nhiễm HIV từ mẹ
Các Website khác - 03/07/2004

Ngay sau khi ra đời, những trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần có chế độ chăm sóc, theo dõi và nuôi dưỡng riêng biệt. Dù chưa xác định được trẻ có bệnh này hay không, người chăm sóc vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định phòng lây nhiễm như với bệnh nhân nhiễm HIV thực sự.

Nếu phòng sinh và chăm sóc trẻ sau sinh không được tổ chức riêng biệt, cần áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm (theo quy định của Bộ Y tế) một cách chặt chẽ. Nhóm phục vụ phải được chuẩn bị tốt cả tư tưởng lẫn nghiệp vụ. Sau ca sinh của sản phụ nhiễm HIV, phải tiến hành các biện pháp tiệt trùng nghiêm ngặt.

Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV phải được chăm sóc rốn và tắm rửa riêng, cách ly với những trẻ khác. Quần áo, tã lót, đồ vải, dụng cụ y tế và chất thải cũng phải được xử lý theo quy định.

Nên nuôi dưỡng trẻ nhân tạo trong điều kiện cho phép. Có thể tiêm chủng vacxin theo lịch, trừ các loại vacxin sống như sabin, sởi, lao... vì có thể gây nhiễm bệnh. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần được định kỳ khám sức khỏe và làm xét nghiệm 1-3 tháng/lần. Thường chỉ khoảng 1/3 số trẻ này bị nhiễm HIV thực sự.

Trong những tháng đầu sau đẻ, con của các bệnh nhân HIV/AIDS phải được chăm sóc và nuôi riêng biệt. Tới tuổi đi nhà trẻ, có thể cho các cháu hòa nhập với bạn bè cùng lứa trong các sinh hoạt bình thường như chơi đùa, múa hát (vì HIV không lây nhiễm qua da và niêm mạc lành). Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối và tránh tâm lý nghi ngại của cộng đồng, phải luôn giám sát để xử trí kịp thời khi có chuyện. Khi trẻ bị ốm đau hay xây xước da, niêm mạc thì phải được cách ly. Đồ dùng, dụng cụ ăn uống và sinh hoạt, vệ sinh... phải được dùng riêng và xử lý riêng.

Chăm sóc trẻ đã được khẳng định là nhiễm HIV từ mẹ

Những trẻ này cần được nuôi dưỡng bằng các thức ăn tươi, bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Không dùng các thức ăn sống hoặc lưu trữ trong tủ lạnh, thức ăn tái, rau sống. Hoa quả phải được rửa sạch, gọt vỏ và ăn tươi.

Cần vệ sinh thân thể hằng ngày, mặc quần áo khô sạch, tránh nguy cơ bị các vết xây xước (như chơi các đồ cứng nhọn), đánh răng bằng bàn chải mềm. Người chăm sóc và vệ sinh cho trẻ phải được huấn luyện cách phòng lây nhiễm HIV/AIDS như: xử lý các dịch tiết hoặc máu bị dây bẩn, vệ sinh quần áo trẻ (ngâm trong nước javen hoặc luộc sôi trước khi giặt), sử dụng găng tay, áo choàng, khẩu trang... khi tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của trẻ, đặc biệt là khi thay răng sữa (nhổ răng) hoặc bị các vết thương chảy máu.

Có thể cho trẻ đi học nếu tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường, không bị các vết thương rỉ dịch viêm hay chảy máu. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm ở trường, lớp cần biết và được tư vấn để có thể chăm sóc trẻ, bảo đảm ngăn ngừa khả năng lây truyền cho trẻ khác. Các đồ dùng, dụng cụ ăn uống của trẻ được dùng riêng.

Hằng tháng, trẻ nhiễm HIV phải được kiểm tra sức khỏe, thăm khám và xét nghiệm để phát hiện và điều trị dự phòng các biểu hiện sớm của nhiễm trùng cơ hội.

BS. Thu Thủy, Sức Khỏe & Đời Sống