Chỉ với một loại thuốc điều trị ung thư, mà chị Toàn tìm một ngày ở các cửa hàng thuốc của Hà Nội cũng không mua nổi. Tình trạng "hết thuốc" không phải là chuyện hiếm tại các nhà thuốc trên địa bàn. Người đàn bà bệnh tật chỉ biết mếu máo kêu trời vì không có loại biệt dược đó thì cũng có nghĩa cuộc sống của chị khó kéo dài thêm được nữa. Tai quái ở chỗ, loại biệt dược này từ trước đến này chỉ có Zuellig Pharma Việt Nam (ZPV) phân phối.
Người bệnh lao đao
Cuối cùng thì chị Nguyễn Thị Toàn, 44 tuổi quê Ninh Bình cũng tìm được loại thuốc mang tên Uromitexan nhờ "người quen" trong bệnh viện giới thiệu. Đây là một trong tám loại thuốc được bác sĩ bệnh viện K (bệnh viện ung thư) kê đơn dùng tiếp tục điều trị bệnh ung thư vú của chị Toàn. Loại thuốc chị Toàn mua được tại ở ngay cửa hàng thuốc tư nhân gần khu vực bệnh viện K với giá 100.000 đồng/ống, đắt gấp ba lần giá gốc (31.000 đồng/ống). Không chỉ có các bệnh nhân ung thư, các bệnh nhân viêm cầu thận, huyết áp cũng khốn khổ vì việc mua thuốc điều trị. Như một số loại thuốc điều trị huyết áp như Coversyl, Natilyx... muốn mua đủ 30 viên cho một đơn cũng không có.
Thuốc chuyên khoa đặc trị bệnh viêm cầu thận Cifloxacin cũng khó mua đủ một đơn 30 viên. Riêng loại Coversyl của ZPV đã tăng từ 110.000 đồng/hộp lên 117.000 đồng/hộp với lời giải thích từ các cửa hàng thuốc rằng: Hàng không về nên giá tăng chút ít.
PGS. Nguyễn Bá Đức, Giám đốc bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, theo thông báo của cửa hàng thuốc bệnh viện, một số loại biệt dược đã hết. Loại thuốc Uromitexan hiện chỉ còn số lượng rất ít được dự trữ tại khoa Dược. Đây là loại thuốc hỗ trợ giảm tác dụng phụ của hóa chất như biến chứng viêm bàng quang chảy máu.
Theo PGS. Đức, loại thuốc này được ZPV cung cấp và không có loại nào thay thế. Vì là bệnh viện điều trị ung thư nên khoảng 60% số thuốc được dùng trong bệnh viện là các biệt dược hiếm đều do ZPV cung cấp. Theo ước tính của bệnh viện K, hằng ngày có khoảng vài trăm bệnh nhân đến khám tại bệnh viện K với các bệnh ung thư vú, cổ tử cung, phổi, vòm họng, đại trực tràng, bàng quang. Những bệnh nhân khi phát hiện mắc bệnh ung thư sẽ phải dựa hoàn toàn vào những loại thuốc đặc trị kéo dài thời gian cuộc sống khoảng 5-7 năm. Trước tình hình thiếu thuốc như hiện nay, số phận những bệnh nhân này như "trứng để đầu gậy".
Có hiện tượng khan hiếm và đầu cơ biệt dược?
Ngày 19-5, Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh Dược Việt Nam đã cảnh báo: Trong thời gian tới giá thuốc nhập ngoại có thể vẫn tăng do khan hiếm hoặc do nhập khẩu không kịp thời. Lời cảnh báo này chưa kịp ráo mực thì cho đến ngày 17-6, Hiệp hội SXKD Dược Việt Nam đã phải đặt vấn đề này lên mức "báo động đỏ": Đề phòng khan hiếm, đầu cơ các biệt dược mà người bệnh quen dùng. Và có thể từ đầu tháng 6, có một số mặt hàng thuốc nhập có chiều hướng tăng giá từ 5-10%. Trước biến động khan hiếm và tăng giá của các loại biệt dược, nhiều chuyên gia nhận định đó chính là động thái của một số "đại gia" độc quyền.
Hàng nhập khẩu song song dễ bị... tồn kho
Theo ý kiến của một số công ty xuất nhập khẩu dược phẩm, nếu thực hiện biện pháp nhập khẩu song song thì cần có một chiến lược tổng thể tránh rủi ro cho người nhập khẩu vì hàng rất dễ bị tồn kho. Nguyên nhân là do việc chiếm lĩnh thị trường quá lâu đối với các loại thuốc đặc trị của các "đại gia" và sự ủng hộ ngầm của các bác sĩ, sự quen dùng của bệnh nhân nên hàng nhập khẩu song song dễ bị tẩy chay. Có chuyên gia đã cảnh báo rằng, trước khi chấm dứt hoạt động phân phối thuốc tại Việt Nam vào ngày 5-9 tới, "đại gia" ZPV sẽ gây tình trạng khan hiếm thuốc trên thị trường nội địa hoặc thuốc được bán với giá cao gấp nhiều lần. Dự báo này đã đúng trước gần ba tháng. Biệt dược do ZPV cung cấp đã khan hiếm từ giữa tháng 6. Mặc dù Nhà nước đã có kế hoạch chi ba tỷ đồng nhằm nhập đủ số thuốc do ZPV độc quyền phân phối, song dường như đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì ZPV chiếm tới 28% thị phần trong nước.
Theo ông Hoàng Hữu Đoàn, Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư1, ZPV có hơn 100 sản phẩm độc quyền với các kiểu độc quyền hoạt chất, tên thương hiệu, dạng bào chế... Như vậy, muốn có đủ số thuốc mà ZPV độc quyền cung cấp từ trước đến nay, nhất là đến khi ZPV không được quyền phân phối nữa, bên cạnh những giải pháp Bộ Y tế đưa ra, Nhà nước cần phải đầu tư vào năng lực sản xuất trong nước vì hiện nay năng lực sản xuất thuốc trong nước chỉ mới đạt hơn 30% thuốc thiết yếu. Tại buổi họp bàn của Sở Y tế Hà Nội với 10 doanh nghiệp dược lớn ngày 21-6, nguyên Thứ trưởng Y tế Lê Văn Truyền đã đề xuất, với các mặt hàng độc quyền trên toàn thế giới, Bộ Y tế cần đứng ra đàm phán về giá với các công ty đa quốc gia. Về lâu dài, doanh nghiệp dược lớn trong nước cần tham gia sản xuất các mặt hàng không còn thời hạn sở hữu trí tuệ với chất lượng cao, tương đương về mặt sinh học với thuốc ngoại nhập, thay thế dần nguồn hàng nhập khẩu.
Theo khảo sát, giá nhập khẩu nhiều loại biệt dược như các loại chống viêm, giảm đau, kháng sinh chống viêm, gây mê hồi sức, thuốc đặc trị HIV... cũng tăng cao so với thời gian trước. Thí dụ như thuốc chống viêm, giảm đau Triamcinolone (Hàn Quốc) giá 7 USD/hộP, tăng 258%; thuốc chống viêm Dexamethassone (Trung Quốc) giá 3,9 USD/hộp, tăng 875%; kháng sinh Cefaloject giá 3,1 USD/hộp, tăng 106%; Rovamycine giá 20 USD/hộp, tăng 343%; Simagal Suspension điều trị HIV giá 2 USD/hộp, tăng 88%...
|