Cuối 2005, có thuốc điều trị cho 70% bệnh nhân AIDS
Các Website khác - 01/12/2004

TTO - 14 năm sau khi người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại VN, đại dịch đã lây lan đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước, với số người nhiễm được xác định lên tới gần 90 ngàn người, trên 7.000 người trong đó đã chết.

Điều khủng khiếp hơn nữa là Bộ Y tế dự báo con số người nhiễm HIV thực tế ở VN có thể đã lên tới… 245 ngàn người. Trong khi đó, số người bệnh AIDS ở VN được tiếp cận với thuốc điều trị trong nhiều năm qua luôn ở mức dưới… 100 người/ năm.

Cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Trịnh Quấn Huấn nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS 1.12 năm nay chủ yếu là về vấn đề thuốc điều trị cho bệnh nhân. Mở đầu, ông Huấn nói:

Ông Trịnh Quấn Huấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)
Vấn đề thuốc điều trị đang là một trong những khó khăn của chương trình phòng chống HIV/AIDS ở VN. Đến 30.9.2004, chúng ta đã có 13.545 bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Cứ tính mỗi bệnh nhân cần 25-30 triệu đồng thuốc điều trị/ năm thì sơ sơ chúng ta phải có 400 tỷ đồng/năm cho mục đích này. Nhưng Chương trình quốc gia phòng chống AIDS năm 2004 đầu tư 10 tỷ cho mua thuốc điều trị, các tổ chức quốc tế viện trợ khoảng 800 ngàn USD/ năm cho mua thuốc. Cộng cả 2 nguồn, chúng ta mới có trên 20 tỷ đồng, bằng 1/20 nhu cầu.

* Các nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ… cũng gặp tình trạng như VN, nhưng họ đã tìm được cách giải quyết riêng (cho phép sản xuất thuốc trong nước). Với tình trạng ở VN, các ông sẽ có biện pháp gì?

- Làm thế nào để có thuốc điều trị cho bệnh nhân là trăn trở từ lâu nay của chúng tôi. Chính vì thế, Bộ Y tế đang trình chính phủ một đề án về tiếp cận thuốc điều trị và nếu chính phủ phê duyệt, khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân sẽ khá hơn. Trong đề án có đề nghị cho phép nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và cấp số đăng ký cho thuốc điều trị HIV sản xuất trong nước. Tìm hiểu của chúng tôi trong thời gian qua cho thấy giá thuốc điều trị HIV/AIDS sản xuất trong nước rẻ bằng 1/6-1/19 thuốc cùng loại sản xuất tại nước ngoài và nếu sử dụng thuốc trong nước, giá thành điều trị sẽ giảm xuống còn 6-7 triệu đồng/ bệnh nhân/ năm.

* Ông đánh giá như thế nào về khả năng cung cấp thuốc cho bệnh nhân AIDS với những nguồn viện trợ mới từ Quỹ của tổng thống Mỹ và “sáng kiến 3.5” của WHO mới được công bố?

- Trong thời gian tới đây, có một dự án của Ngân hàng thế giới trị giá 30 triệu USD, thực hiện trong 5 năm và một phần trong đó sẽ dành mua thuốc điều trị. Sáng kiến 3.5 của WHO (3 triệu bệnh nhân AIDS ở các nước nghèo được cung cấp thuốc điều trị từ 2005) cũng sẽ có một phần cho bệnh nhân VN. Quỹ của Tổng thống Mỹ cũng có nội dung cấp thuốc cho bệnh nhân AIDS ở 15 nước trong đó có VN. Hy vọng rằng ngoài những việc chúng ta tập trung cao độ để hành động, thì với những dự án như thế này, đến cuối 2005, 70% bệnh nhân AIDS ở VN có thể có thuốc điều trị.

* Tình hình dịch HIV/AIDS ở VN hiện nay, theo ông đã đến mức trầm trọng?

Thời gian qua chúng tôi đã phấn đấu để giảm cường độ dịch nhưng vẫn còn gặp những khó khăn. Báo cáo tổng kết 9 tháng đầu 2004 so với cùng kỳ 2003 thì cường độ gia tăng dịch HIV đã có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, 8 tháng đầu 2003 có 11500 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, cùng kỳ 2004 phát hiện được trên 8000 người nhiễm mới, như vậy là giảm 28% về cường độ phát hiện. Nhưng có một điều là cường độ dịch tuy giảm, nhưng mức độ lây lan ra cộng đồng thì nguy hiểm hơn: trước người nhiễm HIV chủ yếu là người nghiện chích, bán dâm, nay số phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã tăng 10 lần trong 8 năm qua, số người nhiễm HIV ở nhóm đối tượng không có nguy cơ cao cũng tăng lên.

* Trong thập kỷ trước, Thái Lan và Cam pu chia nổi lên là những quốc gia có số người nhiễm HIV lớn, dịch lây lan nhanh nhưng hiện nay tốc độ gia tăng dịch đã chững lại. Còn VN thì số người nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng. Các ông thiếu kinh phí phòng chống hay mô hình phòng chống chưa phù hợp?

- Ở VN cũng đã có nhiều mô hình phòng chống AIDS, ví dụ như CLB bạn giúp bạn, giáo dục viên đồng đẳng, nhóm tự lực phòng chống AIDS, tư vấn tự nguyện… Tuy nhiên phần lớn các mô hình này chỉ là thí điểm, chưa nhân rộng ra cộng đồng.

Một điều quan trọng nữa là chưa có sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn. Đầu 2004, thủ tướng chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, trong đó có giao chủ tịch UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm trong khu vực của mình. Cho đến giờ phút này, có thể nói chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhiều bài học đã được áp dụng có hiệu quả, nhưng phải đẩy mạnh hơn nữa để đạt được mục tiêu: giảm cường độ lây nhiễm, giúp những người đã nhiễm bệnh kéo dài được cuộc sống và sống có ích hơn.

* Câu hỏi cuối thưa ông, điều gì là khó nhất trong phòng chống HIV/AIDS ở VN hiện nay?

- HIV là một căn bệnh, nhưng nhiều người trong xã hội vẫn coi người nhiễm đã có một quá trình phạm tội và nhiễm HIV là kết quả tất yếu. Đó là sự kỳ thị, phân biệt làm người nhiễm không dám đối mặt với xã hội, mặc dù trong số họ có nhiều người đáng thương, bị nhiễm qua chồng, qua cha mẹ hay bị phơi nhiễm khi thi hành công vụ.

Muốn giảm được sự kỳ thị, cần có một chiến dịch truyền thông để mọi người hiểu rằng mọi người đều có quyền lợi như nhau và những người nhiễm HIV cũng phải được cư xử công bằng như mọi người bệnh khác, mọi người cần có thái độ rõ ràng để không kết hợp bệnh với tệ nạn. Hơn 10 năm tham gia phòng chống HIV/AIDS, tôi nhớ nhất năm 1999, khi chúng tôi thăm một cơ sở có điều trị bệnh nhân AIDS tại Đồng Nai và ở đó có một người bệnh AIDS sắp tử vong. Cơ quan y tế đã gọi cho người nhà đến nhận xác người thân và đưa đi chôn cất nhưng gia đình kiên quyết không tới. Điều này làm tôi thấy day dứt bởi gia đình còn như vậy, nghĩa là xã hội vẫn còn rất kỳ thị với bệnh nhân.

LAN ANH thực hiện