 |
Cán bộ và học viên một cơ sở cai nghiện. Ảnh Nhật Thy |
Sự chuyển biến trong nhận thức khi điều trị cho người nghiện
Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết, vấn đề phòng chống ma túy được Việt Nam đặc biệt quan tâm ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX. Ngày 1/9/1997, Chủ tịch Nước đã ký Quyết định số 798/QĐ-CTN về việc Việt Nam tham gia 3 công ước (Công ước 1961, 1971 và 1988) của Liên Hợp Quốc về Kiểm soát ma túy. Thực thi các Công ước này, Việt Nam đã tập trung xử lý nghiêm khắc đối với các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy, trong đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, Điều 199 Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định hành vì “sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi phạm tội.
Luật Phòng, chống ma túy quy định: Nhà nước khuyến khích tự nguyện cai nghiện; áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma túy; tổ chức các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; khuyến khích cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 quy định: giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với “người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi”; đưa vào Cơ sở chữa bệnh đối với “người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định”.
Trước nguy cơ bùng phát đại dịch HIV ở Việt Nam những năm cuối của thế kỷ XX và vấn đề lây truyền HIV do tiêm chích ma túy trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI, đe dọa trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng, năm 2007 Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống HIV/AIDS. Luật này cung cấp hành lang pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp dự phòng và giảm hại như: Phân phát bơm kim tiêm; phân phát bao cao su; giáo dục đồng đẳng và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, nhằm giảm sự lây lan của HIV và giảm hại cho người sử dụng ma túy, cho cộng đồng và cho toàn xã hội.
Ngày 17/6/2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết 16/2003/QH11 thực hiện thí điểm quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai tại TPHCM và một số tỉnh. Theo đó, người đã kết thúc cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà có khả năng tái nghiện cao sẽ bị áp dụng quản lý sau cai tại Trung tâm từ 1 đến 2 năm, có thể kéo dài nhưng không quá 3 năm. Như vậy, người nghiện có thể bị áp dụng một chương trình quản lý bắt buộc tới 5 năm.
Tóm lại, ở giai đoạn này “nghiện các chất ma túy là một tệ nạn xã hội nghiêm trọng” và hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi phạm tội.
Năm 2008, hiệu lực Nghị quyết 16/2003/ QH11 kết thúc. Ngày 3/6/2008, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, theo đó bổ sung các biện pháp can thiệp giảm hại, áp dụng trên toàn quốc chính sách quản lý bắt buộc sau cai; đồng thời “tình trạng nghiện ma tuý” vẫn được xếp tương đương với “tội phạm về ma tuý” và đều được coi là “tệ nạn ma tuý”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc với thời gian quá dài, quản lý thiếu thân thiện, cách ly xã hội đối với người nghiện chứ không chỉ là cách ly môi trường ma túy, sẽ làm cho họ coi đó là sự trừng phạt, nên sử dụng ngày càng lén lút, sẽ tăng nguy hiểm cho chính họ và cho cộng đồng. Chỉ số thống kê những năm qua cho thấy, số người nghiện mới gia tăng và tỷ lệ tái sử dụng ma túy cao chứng tỏ hình phạt tù và cách ly xã hội đối với người nghiện không đạt được mục đích răn đe và mục tiêu cai nghiện cũng không đạt được.Từ thực tiễn đó, ngày 19/6/2009, Quốc hội sửa đổi Bộ luật Hình sự, theo đó bãi bỏ Điều 199 - chính thức phi tội phạm hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là một chuyển biến chính sách quan trọng trong xử lý vấn đề sử dụng trái chất ma túy ở Việt Nam.
Nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người và bảo đảm thực hiện các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, ngày 20/6/2012 Quốc hội ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, theo đó giao “Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào … Cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Ngày 27/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”, quan điểm định hướng của Đề án là “Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép”.
Như vậy, ở giai đoạn này khi xử lý hành vi“sử dụng trái phép chất ma túy” không còn xem đó là hành vi phạm tội, và “nghiện các chất ma túy” vẫn là “tệ nạn xã hội”, nhưng đã có sự chuyển biến trong nhận thức khi điều trị cho người nghiện thì xem họ như người bệnh.
Cần thiết phải thay đổi quan điểm, mục tiêu của chính sách
Kết quả nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: Lạm dụng ma túy gây nguy hiểm đối với hệ tuần hoàn, gây ngộ độc và làm tổn thương đối với hệ thần kinh, mức độ tổn thương và khả năng phục hồi phụ thuộc vào loại ma túy được sử dụng; thời gian sử dụng; hàm lượng sử dụng (liều dùng); tiền sử bệnh tật và cơ địa của người sử dụng. Việc chữa trị tổn thương não bộ do sử dụng ma túy là hết sức khó khăn và lâu dài.
Chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng trái phép chất ma túy để tiến tới một cộng đồng không còn ma túy là mục tiêu lý tưởng. Cơ chế gây nghiện ma túy là sinh học và tự nhiên, thuộc yếu tố khách quan và trong khả năng hiện tại của nền y học thì mục tiêu giúp người nghiện hoàn toàn và vĩnh viễn từ bỏ ma túy là rất khó, tỷ lệ thành công không cao, những trường hợp từ bỏ ma túy lâu dài chủ yếu là do các điều kiện xã hội tích cực mà họ có được và lý trí của họ kiểm soát tốt hành vi. Thế nhưng, khi xây dựng Luật Phòng, chống ma túy, các nhà hoạch định chính sách cho rằng: sự thèm nhớ do ý thức của người sử dụng ma túy không tự kiềm chế được cơn thèm nhớ, sự thèm nhớ chỉ là nhất thời, có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng cách ly ma túy lâu dài và điều trị bằng các loại thuốc.
Ông Lê Văn Khánh cho biết, thực tiễn cho thấy, chỉ số thống kê những năm qua cho thấy số người nghiện mới gia tăng và tỷ lệ tái sử dụng ma túy rất cao chứng tỏ hình phạt tù và cách ly xã hội dài hạn đối với người nghiện không đạt được mục đích răn đe và mục tiêu cai nghiện.
Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội. Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy ngày càng khó kiểm soát, nhiều loại ma túy mới xuất hiện có độc tính cao, khó xác định tình trạng nghiện và chưa có phác đồ can thiệp hiệu quả.
Tại Việt Nam, phần lớn người nghiện ma túy là người nghèo hoặc bị nghèo hóa sau khi nghiện và thường không có nghề nghiệp ổn định, họ sống chủ yếu bằng tiền của gia đình, người thân và tiền từ các hoạt động phi pháp, bình quân thu nhập hợp pháp của họ chưa bảo đảm được 1/3 nhu cầu sử dụng ma túy. Những hành vi nguy hại mà người nghiện gây ra cùng với khả năng tái nghiện cao làm cho gia đình, cộng đồng và xã hội mất niềm tin, xa lánh, kỳ thị họ. Đa số các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp không sẵn sàng tiếp nhận người sau cai vào làm việc, mặc dù họ sẵn sàng thực hiện tránh nhiệm xã hội bằng tiền hoặc hiện vật. Cũng vì nghèo, không nghề nghiệp, không việc làm, lại nghiện ma túy nên họ ít có cơ hội phát triển trong chính cộng đồng của họ và ngoài xã hội, trong khi đa số họ đều mong muốn và ít nhiều có quyết tâm, nhưng khi trở lại cộng đồng bị bạn nghiện lôi kéo, trong điều kiện kinh tế khó khăn, sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội gần như không đáng kể và chưa thiết thực nên đa số họ phải kiếm sống bằng các công việc nhạy cảm, nguy cơ tái nghiện rất cao.
Ông Lê Văn Khánh cho rằng, nghiện ma túy là một tình trạng đặc biệt, rất phức tạp và mang tính đặc thù quốc gia, vùng miền. Có thể coi nghiện ma túy như một bệnh nhưng không thể can thiệp bằng các phác đồ điều trị thông thường như những bệnh bình thường. Đến nay, việc cai nghiện ma túy chưa có đáp số cuối cùng, mục tiêu “cai nghiện” là thiếu thực tế. Từ mục tiêu thiếu thực tế, dẫn đến một số chính sách không phù hợp và công cụ được sử dụng để thực hiện chính sách không hiệu quả. Đây là hạn chế lớn nhất trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam thời gian qua.
Do đó, theo ông Lê Văn Khánh, thực tiễn đã đặt ra là cần phải tiếp cận vào bản chất của vấn đề “sử dụng trái phép chất ma túy” và “nghiện ma túy” với tất cả tính khách quan, khoa học và hệ quả của nó để xác định lại mục tiêu cho phù hợp và có một quan điểm đúng đắn định hướng các chính sách cho thực tiễn, hiệu quả.