Tính khả thi của buprenorphine cho người nghiện chất dạng thuốc phiện
Báo Tiếng Chuông - 13/09/2017
Năm 2015, Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM đã khánh thành, đưa vào hoạt động cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng buprenorphine/naloxone (Suboxone®) tại quận Gò Vấp, TPHCM. Đây là cơ sở điều trị nghiện bằng buprenorphine đầu tiên tại Việt Nam.

Sau 2 năm kết quả cho thấy, điều trị buprenorphine/naloxone rất hiệu quả và khả thi cho người nghiện chất dạng thuốc phiện tại Việt Nam. Ưu điểm của buprenorphine/naloxone là thời gian dò liều nhanh, tác dụng kéo dài, không tương tác với ARV.

Buprenorphine/naloxone là chất đồng vận bán phần với các chất dạng thuốc phiện, có tác dụng và hiệu quả điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn. Liều thấp được sử dụng để điều trị đau cấp và mạn tính; liều cao được sử dụng để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp.

Thời gian bán hủy kéo dài (từ 20-73h), nên kéo dài thời gian tác dụng của thuốc, do đó bệnh nhân chỉ cần uống thuốc 3-4 lần/tuần là đủ hiệu quả điều trị cho một tuần và hầu như không gây tăng dung nạp.

ThS. BS. Nguyễn Song Chí Trung, Bộ môn Tâm thần, Trung tâm Chuyển giao điều trị nghiện chất, Đại học Y Dược TPHCM đã tiến hành nghiên cứu trên 448 người nghiện chích heroin, trong đó 268 đang uống methadone, 180 người ngậm buprenorphine/naloxone (Suboxone®) kết hợp tư vấn hàng tuần hàng tháng tại cơ sở quận Gò Vấp. Trong số người uống methadone có  hơn 160 người nhiễm HIV và gần 20 người nhiễm trong nhóm ngậm buprenorphine/naloxone.

 

Ảnh minh họa. Nguồn internet

 

Kết quả cho thấy, buprenorphine/naloxone hầu như không tương tác với thuốc kháng virus HIV/AIDS (ARV). Buprenorphine/naloxone liều thấp thì khả năng chuyển qua cách ngày cao hơn. Bệnh nhân ngậm buprenorphine/naloxone ngưng sử dụng heroin sớm hơn so với Methadone. Thời gian dò liều chỉ mất 3 ngày. Vì buprenorphine/naloxone có tác dụng kéo dài hơn nên thuận tiện cho những bệnh nhân có công việc.

Tuy nhiên, theo ThS. BS. Nguyễn Song Chí Trung tỷ lệ tuân thủ của Buprenorphine/naloxone thường thấp hơn so với Methadone. Có thể bệnh nhân ít bị hội chứng cai hơn nếu ngưng, nên ít động lực để quay lại điều trị. Thời gian ngậm lâu, khiến bệnh nhân nuốt thuốc (bệnh nhân phải ngậm thuốc dưới giám sát tại phòng khám), làm thuốc giảm hiệu quả. Hội chứng cai đột phát do thuốc nếu bệnh nhân ngậm Buprenorphine/naloxone khi vừa sử dụng heroin. Một số bệnh nhân khi tăng liều tối đa (32mg/ngày) vẫn còn thèm nhớ/hội chứng cai.

Được biết, trong năm 2017, Bộ Y tế phấn đấu triển khai điều trị Buprenorphine cho khoảng 500 bệnh nhân tại một số tỉnh miền núi (Điện Biên, Nghệ An, Sơn La) và năm 2018 tiếp tục duy trì và mở rộng điều trị Buprenorphine cho khoảng 2.000 bệnh nhân tại Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái và Lai Châu.

Bộ Y tế sẽ tổ chức điều trị Buprenorphine lồng ghép vào hệ thống Methadone sẵn có. Đồng thời thiết lập mạng lưới mới tại những địa bàn chưa triển khai điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, bao gồm: Cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc và cấp phát thuốc qua hệ thống nhân viên y tế thôn bản.