![]() |
Nguy cơ kháng thuốc và thất bại điều trị |
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra được thuốc loại bỏ hoàn toàn HIV ra khỏi cơ thể người bệnh. Để chống lại sự nhân lên của HIV và kéo dài cuộc sống cho người bệnh, vũ khí hiện nay của nhân loại là thuốc kháng retrovirus (ARV).
Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm đẩy lùi sự gia tăng của HIV/AIDS. Bên cạnh các giải pháp truyền thông, giảm tác hại, vấn đề điều trị bằng thuốc kháng retrovirus (ARV) nhằm ức chế sự nhân lên của vi rút, kéo dài sự sống cho người có HIV/AIDS ngày càng được quan tâm. Từ năm 2005, với sự nỗ lực của Chính phủ và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các chương trình điều trị thuốc ARV miễn phí bắt đầu được triển khai và liên tục được mở rộng trên toàn quốc. Tính đến cuối năm 2009, theo báo cáo của Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, đã có trên 35.000 bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị thuốc ARV. Chiến lược Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 đề ra đến năm 2010 phấn đấu đạt 70% số bệnh nhân AIDS được điều trị ARV. Nhờ đó mà nhiều bệnh nhân sẽ có cơ hội được kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống, góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, giúp người bệnh tái hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, điều trị thuốc ARV cũng đặt ra một thách thức mới - nguy cơ kháng thuốc và thất bại điều trị. Mục đích của điều trị ARV là duy trì sự sống của người bệnh nhưng thất bại điều trị do HIV kháng lại thuốc có khi phải trả giá bằng sinh mạng người bệnh. Điều trị ARV là quá trình liên tục kéo dài suốt cả cuộc đời do vậy việc tuân thủ điều trị như uống thuốc đúng giờ, đúng liều, đúng cách là cực kỳ quan trọng. Thuốc ARV thường có những tác dụng không mong muốn như nôn, chán ăn, thiếu máu, rối loạn phân bố mỡ, phát ban, ngộ độc gan… nên việc tuân thủ điều trị đối với nhiều người trở nên thực sự khó khăn. Tuân thủ điều trị kém sẽ xảy ra nguy cơ kháng thuốc và thất bại điều trị sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Ở cấp độ toàn cầu, vấn đề HIV kháng thuốc đã được cảnh báo. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia xây dựng chiến lược dự phòng và cảnh báo sớm HIV kháng thuốc. Đối với những người nhiễm HIV, khái niệm HIV kháng thuốc cũng đã được đề cập khi tập huấn về tuân thủ điều trị trước khi bắt đầu điều trị ARV. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều bệnh nhân không tuân thủ như bỏ điều trị giữa chừng, uống thuốc không đúng liều, sai giờ, uống thuốc không đúng phác đồ, không tái khám đúng hẹn, bỏ thuốc do tác dụng phụ...
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, sau một vài năm điều trị thuốc ARV, khoảng 5-10% thất bại điều trị với phác đồ điều trị bậc 1 đòi hỏi người bệnh phải chuyển sang điều trị phác đồ bậc 2. Điều này đồng nghĩa với khả năng đáp ứng điều trị với thuốc kém hơn, chi phí điều trị cao hơn, hiệu quả điều trị giảm. Việc vi rút kháng thuốc làm cho thuốc ARV - vũ khí hữu hiệu nhất hiện nay trong điều trị HIV/AIDS - trở nên bất lực. Kháng thuốc không chỉ là sự thất bại cho chính bản thân người bệnh mà vi rút kháng thuốc còn mang đến nhiều nguy cơ khác cho cộng đồng khi chủng vi rút kháng thuốc có khả năng lây lan cho người khác làm cho có những trường hợp mới mắc vi rút đã kháng thuốc. Vì thế việc tuân thủ điều trị nghiêm ngặt thuốc ARV để tránh xảy ra kháng thuốc không chỉ là “nghĩa vụ” của bệnh nhân đối với sinh mạng bản thân mà còn là “trách nhiệm” của họ đối với cộng đồng.
Duy Cường
Mạng thông tin nghiên cứu HIV Việt Nam
▪ Điều trị ARV- Cải thiện cuộc sống cho người có HIV/AIDS (24/10/2009)
▪ Kết quả đánh giá tính an toàn và hiệu lực của thuốc Vegakiss giai đoạn 2 trong điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (04/03/2010)
▪ U mềm lây - Cách nhận biết và điều trị (26/01/2010)
▪ Thử nghiệm dùng Protein tổng hợp để ngăn cản HIV (24/11/2009)
▪ Điều trị kháng retrovirus (ARV) như thế nào cho hiệu quả ? (24/10/2009)
▪ Lưu ý khi điều trị HIV/AIDS bằng các thuốc ARV (24/10/2009)
▪ Có nên sớm lạc quan về vắcxin HIV ? (09/10/2009)
▪ Lâm Đồng : Cơ hội cho bệnh nhân có HIV/AIDS tiếp cận thuốc điều trị đặc hiệu kháng virút (ARV) (30/11/2009)
▪ Thuốc điều trị AIDS giá rẻ cho các nước nghèo : 425 USD/năm. (07/08/2009)
▪ Mở rộng điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone (24/07/2009)