Lâm Đồng : Cơ hội cho bệnh nhân có HIV/AIDS tiếp cận thuốc điều trị đặc hiệu kháng virút (ARV)
Các Website khác - 30/11/2009

Từ tháng 1/2006, Phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng chính thức triển khai điều trị cho bệnh nhân có HIV/AIDS bằng thuốc điều trị đặc hiệu kháng virút (ARV) do Chương trình phòng chống HIV/AIDS quốc gia cấp miễn phí. Vào dịp kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) năm nay, Chương trình phòng chống HIV/AIDS của tỉnh triển khai thêm các điểm tiếp cận, điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc đặc trị ARV cho người có HIV/AIDS tại Trung tâm y tế Đà Lạt, Trung tâm y tế Đức Trọng và Bệnh viện Đa khoa II (Bảo Lộc). 

Tại sao sử dụng ARV để điều trị dù biết rằng ARV không diệt được virút HIV? Mục đích điều trị ARV nhằm giảm sự nhân lên của virút HIV trong cơ thể ở mức thấp có thể (dưới mức phát hiện) và duy trì lâu dài có thể, nhằm giảm lây truyền HIV trong cộng đồng và ngăn cản sự tiến triển HIV sang AIDS ở bệnh nhân; phục hồi lại hệ thống miễn dịch: dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tăng thời gian sống; giảm tần suất mắc và tử vong do các bệnh liên quan đến HIV; cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, tạo các mối quan hệ tốt với gia đình, bạn bè; cải thiện các khả năng hoạt động sống hàng ngày của bệnh nhân – bệnh nhân có thể sống không phụ thuộc; giảm sự lây truyền HIV và ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV sau phơi nhiễm. Nguyên tắc điều trị kháng retrovirus (ARV) là một phần trong tổng thể các biện pháp chăm sóc và hỗ trợ về y tế, tâm lý và xã hội cho người có HIV; bất cứ phác đồ điều trị nào cũng phải có ít nhất 3 loại thuốc ARV; sự tuân thủ là yếu tố quan trọng quyết định thành công của điều trị kháng retrovirus; các thuốc kháng retrovirus chỉ có tác dụng ức chế sự nhân lên của virut mà không chữa khỏi hoàn toàn bệnh, nên người có HIV phải điều trị kéo dài suốt đời và vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây truyền virut HIV cho người khác; người bệnh điều trị kháng retrovirus khi chưa có tình trạng miễn dịch được phục hồi vẫn phải điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Trao đổi với một bệnh nhân có HIV/AIDS (hiện nay 38 tuổi) ở Đà Lạt được điều trị bằng thuốc đặc trị ARV lâu nhất (gần 3 năm) bắt đầu từ khi Phòng khám ngoại trú BVĐK tỉnh có chương trình điều trị ARV, anh cho biết, anh là bệnh nhân có HIV/AIDS đầu tiên ở Lâm Đồng tiếp cận với thuốc ARV (từ tháng 1/2006) và cũng là một trong số bệnh nhân đến phòng khám ngoại trú của BVĐK tỉnh sớm nhất để điều trị nhiễm trùng cơ hội. Cuối năm 2004, tình cờ xem tivi, anh nghe giới thiệu điểm xét nghiệm tự nguyện, anh đã đến và biết mình bị nhiễm HIV. Anh được giới thiệu đến Phòng khám ngoại trú BVĐK tỉnh được mở từ tháng 11/2004 do chương trình tài trợ của dự án LIFE-GAP. Được các bác sĩ xác nhận là trường hợp mắc một loại nấm đặc biệt có tên là Pennicilium nổi ban như da cóc khắp mặt, 31 tháng liền được điều trị anh đã đẩy lùi được loại nấm này. Khi mới đến phòng khám, chỉ có 37 kg, còn hiện tại sức khoẻ anh đã cải thiện rõ rệt, nặng 50kg. Anh nói: “Nếu tôi không được tiếp cận sớm với các thuốc chữa nhiễm trùng cơ hội và thuốc đặc trị ARV thì tôi đã chết vì bệnh nấm đặc biệt này rồi”. Hàng tháng anh đến phòng khám để xét nghiệm, nhận thuốc. Thời gian đầu dùng thuốc, anh thấy rất nặng đầu, phải xoa đầu ngược ra sau và uống nhiều nước, khó ngủ và nổi ban vì tác dụng phụ của thuốc. Khi điều trị ARV anh phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ, từ bỏ các chất kích thích rượu, bia, thuốc lá, thường xuyên tập thể dục; uống thuốc liên tục hàng ngày (2 lần mỗi ngày lúc 7h30 sáng và tối), phải đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ. BS Phan Văn Điền,  phụ trách phòng khám ngoại trú của BVĐK tỉnh, nhận xét rằng đây là bệnh nhân kiên trì điều trị bằng ARV theo đúng phác đồ điều trị bậc 1 của Bộ Y tế. Nhờ tư vấn tốt về cách phòng lây nhiễm, anh đã không lây virut HIV cho vợ và con (qua xét nghiệm đã khẳng định), trường hợp này có sự hỗ trợ tinh thần tích cực của gia đình. 

Theo ghi nhận tại phòng khám ngoại trú của BVĐK tỉnh, có 170 hồ sơ bệnh nhân có HIV được quản lý tại phòng khám, hiện tại còn 84 bệnh nhân thường xuyên được quản lý tái khám, đã có 24 bệnh nhân có HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc đặc trị kháng virút ARV. Số bệnh nhân tiếp cận với thuốc ARV hiện có 9 người vẫn còn sống (1 người đang vào trại giam, còn 8 người vẫn tiếp tục điều trị), 15 người đã chết do tiếp cận với ARV ở giai đoạn nặng (giai đoạn IV), theo WHO tỉ lệ tử vong rất cao 73% bệnh nhân có HIV/AIDS tử vong khi bắt đầu điều trị ARV vì ở giai đoạn nặng, tình trạng sức khoẻ của người bệnh suy kiệt khó chống chọi được với tác dụng phụ của thuốc và không tuân thủ phác  đồ điều trị nghiêm ngặt. Đánh giá kết quả điều trị ARV trên 8 bệnh nhân đang duy trì điều trị (vừa có thêm 2 bệnh nhân mới tiếp cận thuốc ARV), trong đó có 50% điều trị thuốc trong 2 năm qua đều tác dụng tốt, sức khoẻ bệnh nhân được phục hồi, không lây nhiễm cho người khác, các nhiễm trùng cơ hội ít, không chuyển giai đoạn nặng, bệnh nhân tự lao động kiếm sống.

DIỆU HIỀN