Thuốc AIDS sản xuất tại Việt Nam: Có thuốc - chưa có người mua
Các Website khác - 08/05/2003

Phương Anh

Hai mẹ con bệnh nhân HIV/AIDS (phải)
đang rất mong có thuốc chữa bệnh.
Lần đầu tiên Bộ Y tế có hội thảo về vấn đề tiếp cận thuốc điều trị AIDS ở VN tổ chức ngày 7.5 tại Hà Nội. Tất cả ý kiến của hôị nghị này đều nhấn mạnh, thuốc AIDS nội giá rẻ là cần thiết nhưng cần phải có cơ chế để thuốc đó đến với người bệnh.

Không có tiền mua
Thuốc điều trị AIDS cho bệnh nhân HIV bắt đầu được đề cập đến từ năm 1995. Vào thời điểm đó, chương trình phòng chống AIDS quốc gia cũng đã bắt đầu nhập thuốc điều trị đặc hiệu nhưng chỉ với số lượng tượng trưng. Mỗi năm với khoản kinh phí trên dưới 3 tỉ đồng và thuốc cũng chỉ đủ điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân AIDS và các đối tượng bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Theo Hội đồng Quốc tế Tổ chức phục vụ bệnh nhân SARS (ICASO) chi phí tiền thuốc để điều trị cho 1 bệnh nhân AIDS trong 1 năm với giá do các hãng sản xuất dược phẩm có bản quyền áp đặt hiện nay là từ 12.000-14.000USD. Số tiền này tương ứng với 4-6 tháng lương của 1 người lao động ở các nước phát triển và bằng 30 năm lương của 1 người lao động ở nước đang phát triển. Đây chính là lý do cơ bản khiến hầu hết bệnh nhân ở các nước đang phát triển không thể tiếp cận thuốc điều trị, trong khi đó hiện có tới 95% bệnh nhân HIV/AIDS đang sống ở các nước đang phát triển, VN đang ở trong tình trạng tương tự. VN cho đến lúc này chưa có chính sách trong việc sản xuất thuốc AIDS nhưng trong vài năm gần đây có 4 công ty sản xuất thuốc AIDS thì mới có 1 công ty MST có mặt hàng thuốc cung cấp. Mặc dù được giới thiệu đã giảm giá rất nhiều so với thuốc nhập khẩu nhưng thuốc VN sản xuất giá vẫn cao so với các nước cùng khu vực, như Thái Lan điều trị 3 loại thuốc / năm hết 365USD, còn giá thuốc ở VN phải mất tới 780USD với hai loại thuốc. Với mức giá như vậy, có rất ít người bệnh AIDS của VN "dám" điều trị. Đại diện Bệnh viện Đống Đa - Hà Nội cho biết, từ tháng 5.2002 đến tháng 4.2003, khi thông báo VN đã sản xuất được thuốc AIDS đã có khoảng 500 người bệnh ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lai Châu đến tư vấn điều trị. Trong số này có khoảng 100 người sẵn sàng điều trị, trong đó 60% điều trị bằng thuốc VN và 40% điều trị bằng thuốc ngoại. Sau một thời gian điều trị, khoảng 20% số người điều trị thuốc ngoại đã không đủ khả năng, quay lại dùng thuốc nội. Qua điều tra một số cơ sở điều trị bệnh nhân AIDS chỉ có 10-15% bệnh nhân có khả năng tự chi trả điều trị với giá thuốc hiện nay, bởi giá thuốc vẫn còn quá cao. Thuốc AIDS do VN sản xuất 12 triệu đồng/năm điều trị, thuốc ngoại nhập: 36 triệu đồng/năm. GS Lê Đăng Hà, Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới cho rằng, thuốc điều trị AIDS rất thiếu nhưng các nhà sản xuất thuốc AIDS trong nước sản xuất ra lại không có người mua. Phải chăng cần có chính sách cho bệnh nhân AIDS.

Chờ cơ sở pháp lý
Công ty đầu tiên sản xuất thuốc AIDS của VN đến lúc này vẫn trong tình trạng thiếu khách hàng. Mặc dù được trúng thầu cung cấp thuốc cho Chương trình phòng chống AIDS quốc gia, nhưng chỉ với số lượng nhỏ so với năng lực sản xuất của công ty. Sự "tắc" này được giải thích là do chưa có cơ chế. Các chính sách tiếp cận thuốc và sản xuất thuốc chưa hình thành. Cho dù Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Y tế xây dựng đề án sản xuất thuốc điều trị AIDS nhưng để thực hiện được phải có một loạt những giải pháp đồng bộ như chính sách đảm bảo quản lý, phân phối, sử dụng thuốc ; chính sách tài chính ... Quan trọng hơn cả là chất lượng thuốc. Qua thời gian điều trị cho bệnh nhân AIDS bằng thuốc AIDS nội, các bác sĩ của Bệnh viện Đống Đa - Hà Nội nhận xét: Thuốc AIDS nội hiện nay mới phối hợp 2 loại thuốc nên hiệu quả điều trị chưa cao, có nhiều tác dụng phụ... GS Hà đặt ra câu hỏi: Chất lượng thuốc có bảo đảm, giao cho một cơ sở tư nhân sản xuất thuốc thì Cục Quản lý dược phải chịu trách nhiệm và phải vừa sản xuất vừa kiểm tra để không xảy ra hiện tượng như bài thuốc cai nghiện HUFUSA. GS Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Y tế cho rằng: Có thuốc rẻ cho bệnh nhân là rất cần thiết, nhưng phải bảo đảm chất lượng. Nếu thuốc sản xuất ra mà không có người dùng thì sẽ trở nên vô nghĩa.