Trung Quốc: Cấm cai nghiện bằng phẫu thuật não
Các Website khác - 11/11/2004

Bắt đầu từ tuần này, Bộ Y tế Trung Quốc đã khôi phục lại lệnh cấm hình thức cai nghiện cho những người nghiện ma túy bằng phẫu thuật não. Theo một nhân viên của bộ, quyết định này của Bộ Y tế là nhằm ngăn chặn sự thương mại hóa biện pháp này trong khi những thí nghiệm về các mặt ảnh hưởng của nó vẫn đang được tiến hành

Biện pháp cai nghiện này được thực hiện bằng cách kích thích các dây thần kinh trong não liên quan đến sự nghiện thuốc, nên nó được coi như biện pháp hữu hiệu để “cứu các con nghiện” khỏi ảnh hưởng của ma túy. Trước khi Bộ Y tế Trung Quốc ban hành lệnh cấm này, cuộc thảo luận về ý nghĩa chuyên môn và khả năng thương mại hóa của biện pháp chỉ diễn ra trong phạm vi giữa các nhà phẫu thuật não và các chuyên gia y tế khác. Nhưng khi biện pháp này được phổ biến thì ý kiến của công chúng về tác dụng của nó cũng có sự phân chia. Những người ủng hộ khẳng định, phẫu thuật não sẽ ngăn chặn nạn nghiện ma tuý, nợ nần, tội phạm và cùng với đó, nạn sử dụng và vận chuyển ma túy cũng sẽ thuyên giảm. Nhưng những người phản đối lại dẫn ra các bằng chứng tiêu cực của biện pháp này. Bác sĩ giải phẫu thần kinh Li Yongjie cho biết nhiều bệnh nhân sau khi cai nghiện bằng phẫu thuật não đã trở nên lãnh đạm, thờ ơ với những người xung quanh, một số phải chịu đựng sự rối loạn tâm lý cá nhân. Bên cạnh đó, còn có những tác hại mà có thể sau này mới xuất hiện.

Nghiện ma túy có thể tàn phá bản thân con nghiện và gia đình họ nên nhiều người tình nguyện trả bất kỳ giá nào để cai nghiện. Đó là lý do khiến biện pháp này nhanh chóng trở nên phổ biến. Tuy nhiên trong thực tế, bản thân người được cai nghiện bằng biện pháp này vẫn chưa thể có nhận thức đầy đủ về những nguy hiểm tiềm tàng của nó - điều mà chính các chuyên gia cũng chưa nhất trí vì phần lớn những ca cai nghiện bằng phương pháp này được tiến hành sau năm 2003 - nghĩa là mới chỉ có 2 năm để kiểm nghiệm ảnh hưởng của nó. Bộ Y tế Trung Quốc cũng cho biết, biện pháp cai nghiện này chỉ được phép sử dụng cho nghiên cứu khoa học chứ không được coi như một biện pháp chữa bệnh thông thường vì nó chưa có đủ các chứng cứ kỹ thuật và khoa học để áp dụng rộng rãi. Song nhiều người đã nhận thấy món lợi và muốn sử dụng biện pháp này kiếm lời. Do đó, trách nhiệm của nhà chức trách là nhắc nhở công chúng về các mặt ảnh hưởng và những nguy hiểm có thể có của biện pháp này.

Người nghiện ma túy cũng được quyền chăm sóc và không ai được quyền từ chối giúp đỡ họ cai nghiện. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là biện pháp cai nghiện nào là thích hợp nhất. Từ đó, Bộ Y tế Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm cai nghiện bằng phẫu thuật não - tuy có vẻ khắc nghiệt nhưng mang đầy tính nhân văn.

Theo PL