"Thần dược" gây chết người lại xuất hiện
Sức khỏe & Đời sống - 11/11/2016
Đã có những cái chết thương tâm vì sử dụng thuốc "Dân tộc cứu nhân vật" - một loại thuốc có xuất xứ từ Campuchia được đồn đại như "thần dược" có tác dụng chữa bách bệnh.

Bộ Y tế đã có những khuyến cáo đối với người dân và công văn yêu cầu ngành y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát trên địa bàn, nghiêm cấm việc buôn bán, sử dụng loại "thần dược" này. Thế nhưng sau gần một năm vắng bóng, "thần dược" có tên gọi khác thường này lại xuất hiện.

 

 

Thuốc "Dân tộc cứu nhân vật"

 

 

Mọi chuyện bắt đầu từ một sự tình cờ khi chị N, bán hàng ở chợ Ga - Hải Phòng hớn hở khoe với một người bạn việc mình nhờ mua được "loại thuốc cực kỳ tốt" có tác dụng ăn ngon, ngủ khỏe. Cầm trong tay gói thuốc, chị hớn hở lắm vì nghĩ tới cô con gái 4 tuổi gầy gò, suốt ngày nguây nguẩy lắc đầu không chịu ăn rồi sẽ tới ngày "có da có thịt", xinh tươi mũm mĩm. Nói chắc như đinh đóng cột với người bạn, chị N bảo chính chị hằng ngày gặp gỡ, tiếp xúc với người đang dùng loại thuốc này, anh béo lên trông thấy, ngủ tốt và lúc nào cũng thèm ăn. Anh mới chỉ dùng loại thuốc này mấy tháng nay mà trông người khác hẳn, "thấy anh ăn liên tục mà thèm", chị N nở nụ cười tươi rói khi đưa thuốc khoe với bạn. Chưa kịp hết niềm vui, chị N tái xám mặt khi nghe cô bạn nói rằng chị có định giết con không mà mua thuốc này cho bé uống, rằng báo chí rồi ti vi người ta nói ầm ầm về chuyện bao nhiêu người dùng thuốc này bị ngộ độc, suy kiệt, mất trí nhớ, có người còn thiệt mạng sau khi dùng thuốc được mấy ngày. Hồn vía lên mây, chị N lật đật cầm mấy gói thuốc cho ngay vào sọt rác và run rẩy gọi điện thoại báo cho anh bạn bán hàng cùng dãy những thông tin mình vừa nghe được về "thuốc Dân tộc cứu nhân vật"...

     Kết quả kiểm nghiệm "thuốc Dân tộc cứu nhân vật" do Viện kiểm nghiệm, Bộ Y tế thực hiện cho thấy: Dù được người dân gọi là thuốc nam, nhưng lại chứa đến 4 loại tân dược là paracetamol (giảm đau, hạ nhiệt); diazepam (thuốc an thần, gây buồn ngủ); dexamethason và cyproheptadin (giữ nước khiến người sử dụng có cảm giác béo lên, tạo cảm giác thèm ăn). Tất cả các tân dược này đều có khối lượng vượt quá liều sử dụng. Trong đó có loại như cyproheptadin đã bị cấm sử dụng chữa chán ăn từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Dexametha-son khi lạm dụng sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như rối loạn điện giải, teo tuyến thượng thận, loãng xương, nứt đốt sống, loét dạ dày...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dù đã vứt "cái thuốc chết tiệt" vào sọt rác được mấy hôm rồi nhưng đến khi được chúng tôi cung cấp những thông tin đăng tải trên báo Sức khỏe và Đời sống về thành phần và tác hại của 4 loại chất có trong "thần dược" do Viện kiểm nghiệm - Bộ Y tế thực hiện và trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Yên Lã, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tử vong sau khi dùng loại thuốc này, chị N sau khi đọc xong vẫn... toát mồ hôi hột. Giọng nói run run, chị bảo, chỉ một tý nữa vì thiếu hiểu biết, cứ nghĩ đó là thuốc nam, không độc hại gì, uống vào không bổ chỗ này thì tốt chỗ kia, chị đã suýt nữa hại chính con mình. Không chỉ riêng chị N, rất nhiều người bán hàng ở các dãy kiot quanh đó đều đang "đồng lòng" chuẩn bị gửi nhờ anh bạn mua hộ thuốc "Dân tộc cứu nhân vật" để về bồi bổ sức khỏe cho mọi người trong gia đình.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thuốc "Dân tộc cứu nhân vật" xuất hiện tại khu vực này cách đây không lâu. Anh bạn mua hộ thuốc cho chị N lại nhờ một người bạn khác (đã từng sử dụng "thuốc") ở tận miền Nam, mua rồi gửi ra. Quá trình sử dụng, anh thấy mình ăn được nhiều hơn, tăng cân, ngủ được và kết luận là mình đã may mắn tìm đúng thầy đúng thuốc. Từ "mô hình điểm" này nên những người bán hàng quanh khu vực chợ Ga mới truyền tai nhau về công dụng "tuyệt vời" của loại thuốc này và muốn mua.

 

Trước những thông tin về việc một số người dân Hải Phòng sử dụng "thuốc Dân tộc cứu nhân vật", chúng tôi đã liên hệ làm việc với Sở Y tế Hải Phòng. Dược sĩ Phạm Văn Sao - Chánh thanh tra Sở Y tế thành phố cho biết: Sở Y tế chưa có thông tin nào về sự việc này. DS. Sao chân thành cảm ơn báo Sức khỏe và Đời sống đã cung cấp thông tin cho ngành y tế Hải Phòng và khẳng định Sở sẽ phối hợp cũng các ngành chức năng tìm hiểu, làm rõ thông tin này. Sở sẽ kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để, không để người dân sử dụng bừa bãi gây nguy hiểm đến tính mạng.