Theo Tổ chức Phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS), các cam kết cụ thể bao gồm: Chiến lược về dự phòng, giảm kỳ thị, xây dựng hạ tầng cơ sở y tế, cung cấp các nguồn lực, bảo đảm điều trị, chăm sóc và tôn trọng những người sống với HIV hoặc AIDS. Các cam kết này đều có yêu cầu cụ thể về thời gian hoàn thành đối với mỗi nước.
Tại VN, những nỗ lực phòng chống AIDS thời gian qua tập trung vào mục tiêu lớn là giảm thiểu sự kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử với những người có HIV. Tình hình đã được cải thiện đáng kể, thể hiện rõ nhất qua các chính sách của Nhà nước bảo đảm các quyền lợi chính đáng hợp pháp của người có HIV. Cái nhìn của xã hội và cộng đồng về AIDS cũng đã bớt nặng nề hơn. Tuy nhiên, màu sắc bức tranh chung chưa sáng sủa như mong đợi. Nhiều người vẫn khăng khăng HIV/AIDS hoàn toàn là sản phẩm của mại dâm, ma túy; người có HIV bị mất hoặc có nhiều nguy cơ mất việc làm, gia đình ghét bỏ, cộng đồng né tránh. Càng khó khăn hơn khi mới đây, qua một cuộc thăm dò về kiến thức - thái độ - hành vi của nhân viên y tế ở một số bệnh viện đã cho thấy trên 30% số nhân viên được hỏi không hiểu đúng về HIV/AIDS.
Cuộc chiến phòng chống AIDS sau 15 năm phát hiện ca HIV đầu tiên ở VN quả là không đơn giản. Theo một bác sĩ chuyên phòng chống AIDS ở TP thì ca HIV đầu tiên này là một phụ nữ ở TPHCM, chị sống lặng lẽ, rất ngại giao tiếp và chỉ muốn “an phận”. Thái độ này là sự phản ánh tình trạng thiếu cởi mở của cộng đồng đối với người có HIV. Nó khác hẳn với hình ảnh năng động, lạc quan của tiến sĩ David Stephens, đại diện Tổ chức Phòng chống HIV/AIDS tại châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc Chương trình Policy tại VN. Ông đã phát hiện mình nhiễm HIV cách đây 22 năm và đã dũng cảm vượt qua không ít hàng rào kỳ thị suốt nhiều năm để tự tin trong công việc hôm nay.
Thay đổi cái nhìn về HIV/AIDS không chỉ dựa vào chuyển biến nhận thức của cộng đồng - xã hội mà bản thân người có HIV còn phải biết đương đầu với thử thách, coi việc sống lành mạnh và làm những việc có ích là động lực để đi lên. Đó là kinh nghiệm của tiến sĩ David Stephens và cũng là lời khuyên của các nhà truyền thông giáo dục sức khỏe.
Cao Tuấn
▪ Hơn 40 triệu người trên thế giới nhiễm HIV/AIDS (01/12/2005)
▪ Thông tin về AIDS phải trực tiếp đến với người lao động (01/12/2005)
▪ 100 người bị nhiễm HIV mỗi ngày (30/11/2005)
▪ Cần một cách mới trong kiểm soát đại dịch HIV/AIDS (29/11/2005)
▪ Hơn 5.000 người dự mít tinh phòng chống AIDS (26/11/2005)
▪ Gần 1.200 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về HIV/AIDS (26/11/2005)
▪ Triển khai Tháng chiến dịch truyền thông phòng, chống AIDS (25/11/2005)
▪ Nam Phi: Cựu phó tổng thống bị buộc tội cưỡng dâm (24/11/2005)
▪ Năm 2004: Số gay nhiễm HIV tăng ở Mỹ (22/11/2005)
▪ Vắc xin trị HIV mới hứa hẹn nhiều thành công (22/11/2005)