Cần một giải pháp riêng để “cứu” người nghiện
Công an Nhân dân - 12/07/2016
Đến thời điểm này, số lượng người nghiện có hồ sơ quản lý tại TP Hồ Chí Minh đã lên đến 22.342 người, trong đó số người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định chiếm hơn phân nửa.

Thời gian qua, các cơ quan chức năngcủa thành phố đã nỗ lực trong việc đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhưng ngược lại, việc này vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đến nay mới chỉ có 177 hồ sơ trong số 11.950 người nghiện có nơi cư trú ổn định được lập; và hiện trên địa bàn còn đến 2.914 người nghiện chưa tham gia các hình thức cai nghiện. Công an TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn làm phát sinh tội phạm.

Ghi nhận của Công an TP Hồ Chí Minh trong 3 tháng gần đây, số lượng các vụ án cướp giật tài sản xảy ra cao thứ hai trong các vụ án. Tiến hành phân loại với 185 đối tượng cướp giật tài sản bị bắt giữ trong khoảng thời gian này, Công an thành phố xác định số đối tượng nghiện ma túy phạm pháp đã chiếm ở mức gần 39%.

Đại tá Trần Văn Ngọc, Trưởng Công an quận Bình Tân cho biết, người nghiện ở quận này khá đông, nhưng số người được đưa đi cai nghiện lại quá ít. Chỉ trong vòng 1 tháng, Công an Bình Tân đã kiểm tra, phát hiện 730 người có dấu hiệu nghiện, có 473 người dương tính với ma túy. Dù vậy, các phường mới chỉ ban hành được 139 quyết định đưa đối tượng đi cai bắt buộc.

Ngay cả khi TAND quận phải mở phiên tòa tại Trung tâm Cai nghiện Nhị Xuân, thì cũng mới chỉ ra phán quyết đưa được 77 trường hợp đi cai nghiện bắt buộc. Nguyên do, theo quy định quản lý người nghiện có nơi cư trú hiện nay, đối tượng này phải được giáo dục, cai nghiện tại cộng đồng, nếu tái nghiện mới bị bắt buộc đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung.

Dù đã có quy định cụ thể về cơ sở vật chất để thực hiện cắt cơn, cai nghiện tại cộng đồng, song thực tế hiện nay công tác cai nghiện tại chỗ không đáp ứng được yêu cầu. Các bộ, ngành liên quan cũng chưa có hướng dẫn thống nhất việc lập hồ sơ quản lý người cai nghiện tại cộng đồng, gia đình; chưa có hướng dẫn trình tự về thủ tục tạm giữ người nghiện để xét nghiệm ma túy; chưa có hướng dẫn về thủ tục cưỡng chế đối với người nghiện không tự giác chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc… nên đã bỏ lọt những người nghiện từ 12-18 tuổi.

Trong khi đó, việc dùng trẻ vị thành niên gây án là thủ đoạn mới rất nguy hại mà tội phạm chuyên nghiệp đang sử dụng.

Được biết, mục tiêu kéo giảm tệ nạn ma túy, tội phạm do ma túy được coi là một trong những nhiệm vụ nóng bỏng của TP Hồ Chí Minh từ năm 2015 tới nay, với việc đưa 8.000 người nghiện vào chương trình uống methadone.

Số người nghiện đã có hồ sơ quản lý là trên  19.000 người, so với con số thực tế ngoài cộng đồng khoảng 30.000 người nghiện với những biểu hiện rối loạn nhân cách, hành vi không kiểm soát được khi lên cực điểm của cơn nghiện thì đây quả thực là một nhiệm vụ rất nặng nề.

Ngoài ra, một dự án thí điểm sử dụng thuốc thay thế suboxone cũng được thực hiện từ 2015 tới nay tại TP Hồ Chí Minh đang được coi là giải pháp mới điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện.

 

Tư vấn cho người nghiện tại Phòng khám Liên khoa Lao – HIV/AIDS, quận Gò Vấp

 

Phòng khám Liên khoa Lao - HIV/AIDS, quận Gò Vấp, đang thực hiện thí điểm dùng suboxone cho bệnh nhân. Bệnh nhân cho biết họ không còn cảm giác thèm, nhớ heroin, nhưng cho rằng, nếu sử dụng methadone thời gian bán hủy chỉ trong vòng 24 giờ nên người điều trị phải uống thuốc hàng ngày. Trong khi đó, suboxone có thời gian bán hủy từ 37 đến 48 giờ nên người điều trị chỉ cần uống 2 hoặc 3 lần một tuần.

Một câu hỏi đặt ra là vậy nên dùng methadone hay suboxone sẽ là hiệu quả nhất cho công tác điều trị cai nghiện hiện nay?

Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh phân tích: Suboxone là viên thuốc ngậm dưới lưỡi kết hợp 2 hoạt chất buprenorphine và naloxone. Thuốc có ít tác dụng phụ hơn so với methadone và thời gian bán huỷ dài hơn (không nhiều hơn 28-36 giờ nên vẫn phải uống hằng ngày). Nhược điểm lớn nhất là suboxone có giá khá đắt.

Bệnh viện Tâm thần đã từng được một công ty dược nước ngoài đến chào hàng nhưng thực tế là thấy khó khả thi và khó áp dụng đại trà được. Bởi bệnh nhân nghiện heroin đa phần đều nghèo và sau một thời gian chơi ma tuý thì đều “tán gia bại sản”. Trong khi chi phí cho 1 ngày methadone là 20.000 đồng và giảm dần còn 5.000 đồng.

Ngoài ra, methadone có rất nhiều nhà cung cấp nguyên liệu (Ấn Độ) và  có thể nhập về tự sản xuất thì giá sẽ còn rẻ nữa. Còn suboxone chỉ có thành phẩm của vài công ty. Trong đó, dù là dùng methadone hay suboxone đều cùng một phương pháp điều trị nghiện heroin, khác nhau chỉ ở tác dụng phụ ít hơn và giá cả đắt hơn. Methadone và buprenorphine đều được gọi là chất đồng vận thay thế nhóm thuốc phiện.

Đã có ý kiến cho rằng, tỷ lệ tái nghiện sau cai đang ở mức cao cho thấy việc sử dụng methadone chưa mang lại kết quả như mong đợi. Trả lời nhận định này, bác sĩ Hiển cho rằng, chúng ta phải chấp nhận chuyển một bệnh nhân nghiện heroin sang "nghiện" methadone chứ đừng đặt yêu cầu quá cao là phải cai triệt để.

“Nghiện” methadone có 3 cái lợi: Thứ nhất, đó là chất hợp pháp (dĩ nhiên là có kiểm soát) nên có giá rẻ, có thể sử dụng đại trà; tiếp đến người dùng methadone có thể sống và lao động bình thường vì không bị ám ảnh bởi hội chứng cai. Và quan trọng nhất là họ không trộm cắp; họ cảm thấy được tôn trọng và qua đó sống có ích cho xã hội.

Ở góc độ chuyên môn, bác sĩ Hiển cũng chia sẻ thẳng thắn: "Chúng ta cũng cần chấp nhận thỉnh thoảng họ “chơi" lại 1 liều heroin, nhưng điều này không có nghĩa là cai nghiện thất bại. Điều quan trọng là giảm tần suất chích heroin qua đó giảm cung/cầu heroin, giảm tội phạm và giảm lan truyền HIV. Ví như 1 người nghiện heroin phải chích tối thiểu 3 lần/ngày, tức 21 lần/tuần, nếu họ chỉ chích 1 liều cuối tuần thì giảm được 20 lần tiêm. Với công tác cai nghiện, nếu chúng ta đòi hỏi sự tuyệt đối trong công tác cai nghiện thì thật khó!”.

Hiện nay, có thể khẳng định gần như 99% người nghiện heroin đã bị nhiễm HIV nên khi được dùng methadone theo đường uống nên không làm lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, thực tế vẫn đang có một luồng ý kiến tranh cãi trong chuyên môn thể hiện việc chống điều trị các chất gây nghiện bằng giải pháp methadone hoặc cũng xuất hiện trên mạng những lời mời, chào người nghiện, thân nhân của họ mua những loại thuốc mà người chào hàng, quảng bá là "thuốc cai nghiện ma tuý dân tộc" hay cổ truyền như bông sen, hufunsa, bimin… thì chớ nên tin...

Cũng theo bác sĩ Hiển, hiện chỉ có nhóm nghiện thuốc phiện là có phương pháp đặc hiệu, nhóm lạm dụng các chất còn lại (cần sa, đá, lắc, muối tắm, tem giấy, cỏ Mỹ) chưa có phương pháp đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng.