PGS.TS Đặng Nguyên Anh |
Nhân Tháng Hành động phòng, chống bạo lực gia đình, hướng đến Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Trang tin điện tử Tiếng Chuông có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về vấn đề này.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã quyết định lấy tháng 6 hàng năm là Tháng Hành động phòng chống bạo lực gia đình. Là một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xã hội, ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam thời gian qua?
PGS.TS Đặng Nguyên Anh: Có thể nói, sau 30 năm đổi mới và phát triển, chúng ta đã nhận ra được vai trò hết sức quan trọng của gia đình. Gia đình là một tế bào của xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, đã có những tác động mạnh đến gia đình. Có nhiều vấn đề, cả mặt tích cực và mặt tiêu cực.
Vấn đề bạo lực gia đình, về mặt luật pháp chúng ta cũng đã ban hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Tôi cho rằng đây là một bước tiến bộ ở trong khu vực, bởi không phải quốc gia nào cũng làm được việc đó. Nhưng từ Luật pháp cho tới thực tế là cả một khoảng cách. Hiện nay, gia đình Việt Nam đang gặp phải rất nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề bạo lực gia đình. Không chỉ là giữa vợ và chồng, mà còn giữa cha mẹ và con cái, giữa cháu chắt với ông bà, giữa anh em trong gia đình. Phải phân biệt rõ, trước đây chúng ta hiểu bạo lực gia đình chủ yếu giữa nam là chồng và nữ là vợ, cơm không lành, canh không ngọt thì xảy ra bạo lực. Hiện nay, vấn đề bạo lực gia đình lan rộng với nhiều cấp độ, về mặt vĩ mô và với sự tham gia của nhiều thành viên trong gia đình.
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
PGS.TS Đặng Nguyên Anh: Nguyên nhân thì nhiều, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là tác động của nền kinh tế thị trường khiến gia đình, cá nhân gặp nhiều áp lực. Đấy chỉ là một phần, những hành động đặt lợi ích cá nhân lên trên, thậm chí là lối sống ích kỷ, không chia sẻ trong các thành viên trong gia đình hiện đại đang là một vấn đề lớn. Đây là một nguyên nhân cần có sự nghiên cứu sâu hơn nữa về mặt tâm lý xã hội, văn hóa. Trước đây, chúng ta nghèo, nhưng chúng ta sống rất là hòa thuận với nhau. Hiện, các gia đình kinh tế đều khá hơn, nhưng lại xuất hiện những mâu thuẫn mới. Phải chăng ở đây có vấn đề về đạo đức gia đình, vấn đề về kinh tế thị trường, vấn đề văn hóa.
Và đặc biệt là có vấn đề mà không thể giải quyết được chỉ trong gia đình. Ví dụ, vấn đề giáo dục công dân, giáo dục trẻ em, kể cả giáo dục người lớn trong xã hội. Các bạn đi đường, các bạn thấy văn hóa giao thông là một ví dụ, không ai dạy họ cách đi, cách ứng xử với nhau trong cuộc sống. Về gia đình họ áp dụng cách “đi” như vậy, cứ bon chen, cứ tranh giành mà không nghĩ đến nền tảng đạo đức của gia đình, nghĩ đến sự nhường nhịn. Họ cư xử với nhau như ngoài thị trường. Điều này dẫn đến những sự việc đau lòng như án mạng xảy ra trong gia đình, anh em chỉ vì một xích mích nhỏ mà ly tán, đâm chém nhau, vợ chồng ngoại tình, tình trạng ly hôn ly thân tác động mạnh đến hạnh phúc của một gia đình.
Theo ông, trong thời gian tới, cần làm gì để công tác phòng, chống bạo lực gia đình phát huy hiệu quả, để gia đình thực sự là “tổ ấm” của mỗi cá nhân?
PGS.TS Đặng Nguyên Anh: Đây là công tác hết sức quan trọng, phải bắt đầu từ gia đình.Trước hết chúng ta phải có những quy định cụ thể, từ đó các gia đình sẽ phải chấp nhận, đồng thuận và tự tìm cho mình cách để thực hiện. Như ở Thái Lan, Quốc vương Thái Lan dặn các công dân của mình phải ứng xử như thế nào với cha mẹ, với gia đình, với quốc gia, với nhà chùa, sư sãi. Gia phong và những quy định là rất quan trọng. Những hành vi vi phạm phải được xử phạt nghiêm chứ không phải lẫn lộn giữa tình và lý.
Có thể thấy, những nơi nào, hương ước được thực hiện tốt thì xã hội và cộng đồng yên ổn. Không thể coi nhẹ hương ước, coi đó là lạc hậu, không thể coi nhẹ gia phong, coi đó là cổ hủ phong kiến.
Các nhà quản lý xã hội, nhà hoạch định chính sách phải bắt đầu từ cái rất cụ thể. Phải có những hình phạt mang tính giáo dục răn đe chứ không phải là hành chính hóa những sự việc dân sự như ngoại tình, ly hôn. Chúng ta đang hành chính hóa những quản lý xã hội, thậm chí việc xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa làng văn hóa vẫn chỉ là phong trào, hành chính. Cần giáo dục con người để việc xây dựng gia đình hạnh phúc “thấm” vào từng tế bào xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
▪ Phụ nữ và dấu hiệu mắc bệnh lậu (30/06/2016)
▪ Dùng bao cao su có an toàn tuyệt đối? (29/06/2016)
▪ HIV có thể lan trong cơ thể nhanh hơn nhiều so với chúng ta từng biết (28/06/2016)
▪ Tại sao dương vật không có xương mà gọi là gãy dương vật? (25/06/2016)
▪ Muốn sinh con khi đang nhiễm HIV (24/06/2016)
▪ Chuyển đổi mô hình cai nghiện tại Hà Nội: Một số hiệu quả bước đầu (21/06/2016)
▪ Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình (20/06/2016)
▪ Thay đổi hành vi tại các thôn bản khu vực biên giới nguy cơ cao (18/06/2016)
▪ Chuyển đổi mô hình cai nghiện: Kinh nghiệm hay từ Lâm Đồng (17/06/2016)
▪ 'Dùng ma túy đá vài lần cũng có thể bị loạn thần' (16/06/2016)