Ông Dương Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng cho biết, tên gọi ban đầu của Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng là Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội (gọi tắt là Trung tâm 05-06 tỉnh Lâm Đồng), được thành lập năm 2001. Gần 12 năm Trung tâm thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là cai nghiện, chữa bệnh cho các "đối tượng" là người nghiện ma túy và người hoạt động mại dâm được chủ tịch UBND cấp huyện đưa vào quản lý, giáo dục tập trung bằng một quyết định hành chính. Trong thời gian đó, số lượt người bị bắt buộc phải vào Trung tâm là 1.322, trong đó có 1.288 lượt người nghiện ma túy và 234 lượt người hoạt động mại dâm.
Theo ông Dương Đức Thành, ở một góc độ nhất định nào đó, Trung tâm đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự cho cộng đồng, một số người đã bỏ hẳn nghiện ma túy và thành công trên con đường lập thân lập nghiệp, một số đã trở thành những điển hình cai nghiện thành công, được nhận giấy khen, bằng khen từ các cơ quan trung ương và địa phương. Thế nhưng, ở nhiều góc độ khác, bộ máy nhân sự dành cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh vẫn chiếm tỉ lệ khá cao - đôi khi áp đảo cả đội ngũ chuyên viên công tác xã hội, và số đông đối tượng khi ra khỏi Trung tâm có cảm giác như thoát khỏi một nơi hạn chế quyền tự do của mình.
Hoạt động thể thao tại một Trung tâm cai nghiện. Ảnh Nhật Thy |
Ông Dương Đức Thành cho biết, trước những khó khăn vướng mắc về cơ chế và quan điểm, nhận thức được những tồn tại về hiệu quả trong hoạt động, Trung tâm 05-06 Lâm Đồng đã cố gắng tìm một lối đi riêng: Cố gắng xem trọng yếu tố con người, tôn trọng và phát huy vai trò của cá nhân người nghiện; xây dựng giải pháp tác nghiệp dựa trên vấn đề và nhu cầu của người nghiện, xây dựng đội ngũ tự quản và thân nhân người nghiện thành lực lượng thứ hai tham gia vận hành các hoạt động chuyên môn. Kết quả có vẻ khả quan hơn, nhưng trên nền tảng pháp lý hiện hữu, những cố gắng đó chỉ làm mềm hóa, làm giảm nhẹ đi yếu tố bắt buộc, và khi bắt buộc là chủ đạo thì yếu tố tự giác điều chỉnh của cá nhân luôn chỉ đạt đến mức giới hạn không cao.
Từ giữa năm 2013, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, Trung tâm đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là phải tự điều chỉnh mình trên cơ sở những yêu cầu bức xúc của thực tế cuộc sống.
Ông Dương Đức Thành cho biết, các cơ sở, căn cứ đặt nền móng cho sự chuyển đổi của Trung tâm chính là những yêu cầu từ cuộc sống.
Thứ nhất, Hiến pháp 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã có cái nhìn mới về người nghiện. Người nghiện được bảo đảm các quyền về nhân thân, không bị bắt buộc đưa vào cơ sở cai nghiện bằng một quyết định hành chính, được bảo vệ nếu chứng minh được mình không bị lệ thuộc bởi ma túy, sẽ không còn tình trạng người nghiện bị đưa vào các Trung tâm ngoài ý muốn của họ. Và như vậy, nếu không tự điều chỉnh mình, Trung tâm sẽ không còn người đến cai nghiện.
Thứ hai, nhu cầu của gia đình người nghiện. Thân nhân người nghiện luôn tồn tại những yêu cầu mâu thuẫn - vừa muốn Nhà nước đưa người thân của mình vào các Trung tâm để cai nghiện, vừa sợ người thân bị ngược đãi, bị lây nhiễm các loại bệnh, bị tiêm nhiễm thêm các thói xấu khi phải sống trong môi trường tập trung của một Trung tâm cai nghiện. Nói cách khác, họ vừa muốn được giúp đỡ, vừa chưa đủ lòng tin vào hiệu quả của một Trung tâm cai nghiện công lập.
Thứ ba, chính bản thân người nghiện có những nhu cầu rất chính đáng. Bên cạnh nhiều người nghiện cố tình vi phạm pháp luật vẫn có một số người muốn nhưng không đủ sức để tự từ bỏ nghiện. Ngay cả nhiều người nghiện sống trái pháp luật vẫn có những khoảnh khắc ước ao mình không bị nghiện. Họ muốn thoát nghiện nhưng không muốn đến các cơ sở cai nghiện tập trung vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân rất thật là phải đối diện với sự tù túng.
Nhận thức được những nhu cầu ấy, Trung tâm Lâm Đồng đứng trước sự lựa chọn: hoặc phải thay đổi hoặc không tồn tại như một thực thể có ích. Sự thay đổi (nếu có) phải bắt đầu từ trong nhận thức, thay đổi từ sự chủ động đến với thân chủ chứ không chờ đợi thân chủ được đưa đến, thay đổi trong chất lượng nghề nghiệp của đội ngũ nhân viên, và trước hết là phải đáp ứng đúng nhu cầu của những người cần đến dịch vụ.
Bắt tay vào quá trình chuyển đổi, Trung tâm gặp không ít khó khăn: Cơ sở vật chất chật hẹp, đội ngũ nhân viên ít ỏi, chưa có mô hình thực tế để tham khảo, cơ sở pháp lý của nhiều hoạt động chưa đầy đủ. Bù lại, Trung tâm có nhiều thuận lợi: được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt hơn 10 năm, sự hợp tác của cộng đồng rất chặt chẽ và hiệu quả, thương hiệu của đơn vị đã được thừa nhận, đặc biệt đội ngũ nhân viên xã hội dù ít nhưng khá nhạy bén với cái mới, luôn sẵn sàng tiếp cận và thực hiện các giải pháp mới…
▪ 'Dùng ma túy đá vài lần cũng có thể bị loạn thần' (16/06/2016)
▪ Phụ nữ ở vùng “nóng” Zika nên trì hoãn mang thai (11/06/2016)
▪ Hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngày càng rõ rệt (10/06/2016)
▪ Khuyến cáo về dự phòng, chăm sóc cho người lạm dụng ma túy (09/06/2016)
▪ Tham gia bảo hiểm y tế không chỉ là quyền lợi (08/06/2016)
▪ Khuyến cáo về dự phòng, chăm sóc cho người lạm dụng ma túy (07/06/2016)
▪ Khi thiếu nữ "xả đá"... (06/06/2016)
▪ Bình đẳng giới ở Việt Nam (04/06/2016)
▪ ĐƯỜNG DÂY NÓNG HỖ TRỢ SỬ DỤNG PHẦN MỀM KÊ KHAI BHXH, BHYT, BHTN QUA MẠNG (03/06/2016)
▪ Hỗ trợ Việt Nam chống tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em (03/06/2016)